Vòng xoáy “thiếu – thừa nguyên liệu cá tra” đang là bài toán khó đối với ngành công nghiệp cá tra Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách chưa tìm ra lời giải, trong khi doanh nghiệp vẫn nằm im chờ thời, người nuôi thua thiệt…
Đừng tự làm khó
Người nuôi cá tra và doanh nghiệp (DN) không còn gắn kết nhau. Ao “treo” ngày càng nhiều. Một nông dân An Giang than thở: “Để người nuôi có lãi thì giá thấp nhất cũng phải 25.000 đồng/kg, nhưng cá tra nguyên liệu đang được DN mua 19.500 đồng/kg. Nhà tôi có ao nuôi cho sản lượng 150 tấn, phải bán lỗ 700 – 800 triệu đồng”.
Giá cá tra xuống thấp vì DN đua nhau giảm giá. VASEP từng hướng tới quy định giá sàn cá tra xuất khẩu 3 USD/kg; nhưng lúc này DN chỉ bán được 2,5 USD/kg, có DN chào giá 1,8 – 2,3 USD/kg (mỗi kg chịu lỗ 0,2 – 0,7 USD).
Giá cá tra ngày một giảm, người nuôi gặp khó khăn – Ảnh: Huy Hùng
Theo Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng cá tra ĐBSCL đạt 1,2 triệu tấn/năm, trong khi công suất các nhà máy chế biến tới 2,5 triệu tấn/năm. Để tồn tại, nhiều DN phải giành giật thị trường bằng cách hạ giá bán dưới giá thành, và (nguy hiểm hơn) còn giảm cả chất lượng sản phẩm. Như thế lâu dài sẽ thua lỗ, các DN dìm nhau, thương hiệu cá tra Việt Nam bị đe dọa.
Cần sòng phẳng
Một nghịch lý: Trong khi giá chi phí (thức ăn, nhân công, thuốc thú y…) để có một kg cá tra thành phẩm ngày càng tăng thì giá cá nguyên liệu lại có xu hướng xuống. Năm 1997 – 1998, giá cá tra xuất khẩu bình quân 4,93 USD/kg. Hơn 12 năm sau, một đơn vị chào bán tại Mỹ 2,28 USD/kg, khiến nhiều người giật mình. Đó là do DN tự làm khó mình. Đáng lẽ, với ưu thế chiếm trên 80% thị phần thế giới, DN Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động định giá. Nhưng cứ “mỗi người một kiểu”, hạ dần giá xuất khẩu để giành khách, tạo ra sự hỗn loạn. Thay vì cùng nhau tìm hướng giải quyết, “thiết kế” lại diện tích nuôi, nâng cao chất lượng cá tra thì DN lại cạnh tranh không lành mạnh, làm suy yếu thêm ngành cá tra.
Để khắc phục những yếu kém của ngành công nghiệp cá tra hiện nay, theo nhiều chuyên gia, cốt lõi là DN phải nỗ lực thực hiện 4 mục tiêu: tăng giá xuất khẩu trung bình; cân đối lại sản lượng nguyên liệu cá; tăng cường quản lý chất lượng; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, Bộ đã đề nghị Chính phủ tập trung hỗ trợ người nuôi, DN chế biến tiêu thụ khoảng 800 nghìn tấn cá tra nguyên liệu đến hết năm 2012; đồng thời hỗ trợ các hộ nuôi độc lập bằng các khoản vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng. Với DN mua nguyên liệu cũng cần được hỗ trợ vốn.
Với những giải pháp tình thế, có thể cứu cá tra trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì chưa. Căn cơ, phải có sự đồng lòng của DN và người nuôi. Để ngành công nghiệp cá tra Việt Nam phát triển bền vững, phải giải quyết mối liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa bộ ba: nuôi – chế biến – xuất khẩu.
Chấn chỉnh gấp
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, cảnh báo: “Nhiều DN yếu tài chính đã bán tháo sản phẩm nên xuất khẩu quý IV/2012 có thể tăng lượng nhưng thực tế thua lỗ. Sự cạnh tranh không lành mạnh đã đẩy cả DN và người nuôi vào vòng thua lỗ, lao đao, trong khi ngân hàng quay lưng với họ.
Theo ông Dũng, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn. Trước kia 70% sản lượng nguyên liệu cá tra do nông dân nuôi, nay tỷ lệ này thuộc về DN; DN thì đang bị kẹt vốn. Trong khi đó, chính sách tín dụng để khuyến khích chuyển đổi sang mô hình này chưa có, sẽ kéo theo sản lượng bất ổn ngay trong năm 2013.
>> Để đảm bảo chất lượng cũng như giữ uy tín sản phẩm cá tra xuất khẩu, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sớm xây dựng quy định hàm lượng mạ băng, chất phụ gia tăng trọng…, chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra. |