Lối thoát nào cho ngành cá tra?

Chưa có đánh giá về bài viết

“Thị trường cá tra nói riêng và thủy sản nói chung hiện nay xấu quá, nông dân không còn thiết tha đến việc nuôi cá tra. Doanh nghiệp lại thua lỗ, đóng cửa nhà máy”. Đó là chia sẻ của ông Lê Chí Bình (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi cá và Chế biến thủy sản An Giang với Thủy sản Việt Nam.

Hầu hết các DN thủy sản đang khó khăn chưa từng thấy; nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Thị trường cá tra hiện nay xấu quá. Nông dân không còn thiết tha nuôi cá tra. Trước đây cao điểm ở mức 1.100 ha mà nay chỉ còn khoảng 800 ha; 15 – 20% tự nuôi, còn lại là nuôi gia công. Cũng có thể họ đang chờ thị trường ổn định để làm lại. Các doanh nghiệp thủy sản cũng chịu cảnh chung do thị trường xuất khẩu xấu. Trước đây có 17 DN và 23 nhà máy chế biến XK cá tra. Nay chỉ còn 6/23 DN do thiếu vốn nên chỉ hoạt động gia công. Dầu sao, DN cũng phải cố gắng bươn chải để tồn tại, duy trì sản xuất giữ vững lực lượng công nhân; cố tìm thị trường tiêu thụ để ổn định phần nào hoạt động sản xuất.

Hết năm 2012 và có thể qua quý I/2013 mới hy vọng nắm bắt được thị trường. Bởi do hiện giờ chúng ta vẫn bị tác động mạnh bởi sự mất ổn định của thị trường thế giới. Giá cá tra nay chỉ còn 22.500 – 23.000 đồng/kg, nông dân vẫn lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Mặt khác, vừa qua DN cũng tự làm rối giá cả và một phần do sự quản lý ngân hàng không tốt. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng.

Hy vọng, đến tháng 12/2012, Đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam mở ra chương mới cho mọi DN và thành phần trong “chuỗi cá tra” cùng tham gia Đại hội đông đủ để có tiếng nói chung tạo ra sự đồng thuận và liên kết để đưa cá tra trở lại thị trường một cách bền vững.

 

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình hình này?


Ngành cá tra Việt đang lâm vào thế bị động

Sau thời gian dài phát triển “nóng” (sau phát triển nuôi thì tới phát triển nhà máy nhanh hơn sự phát triển của thị trường) dẫn đến tranh mua, tranh bán, trong khi thực lực ngành chế biến xuất khẩu còn quá non kém về luật lệ xuất nhập khẩu của từng khu vực, từng quốc gia, quy luật của thị trường, kém về quản trị doanh nghiệp…; vốn thì đa phần là với lãi suất cao, lợi nhuận không bù nổi lãi suất DN phải chiếm dụng vốn mua cá của nông dân. Mặt khác, lại còn đầu tư ngoài ngành hoặc muốn độc quyền mở rộng vùng nuôi từ vốn lưu động. Trong khi thị trường bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới còn lan rộng, cộng với rào cản kỹ thuật liên tục phát sinh mới của các quốc gia. Một phần do cách làm ăn không đàng hoàng của doanh nghiệp và một phần do bảo hộ kinh tế trong nước họ. Như vậy dẫn đến tình trạng khó khăn hiện nay là đương nhiên.

 

Hệ lụy sâu xa của vấn đề này là gì? Làm cách nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

 Từ cung cách làm ăn không tuân thủ sự hợp tác, bảo vệ ngành hàng mà mạnh ai nấy làm để tồn tại và gần như muốn chiếm độc quyền kiểu mạnh được yếu thua vô tình đã đưa ngành cá tra Việt Nam vào thế bị động. Thậm chí tạo tiền lệ cho các nhà nhập khẩu quyết định, gây thiệt hại về kinh tế và xã hội rất lớn, khó có thể ngày một ngày hai phục hồi được giá trị cá tra Việt Nam.

Để khắc phục được vấn đề này cần rất nhiều giải pháp: từ sửa đổi luật lệ, cơ cấu lại ngành nghề, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, đầu tư và lãi suất… tất cả thành phần trong chuỗi đều phải tham gia tổ chức ngành hàng, đồng thời tuân thủ quy chế chung để từng bước củng cố lại thị trường. Do đó cần phải chấp nhận sự điều hành của nhạc trưởng.

 

Có ý kiến cho rằng đây là giai đoạn ngành thủy sản tự sắp xếp lại sau thời gian phát triển “nóng”; các doanh nghiệp yếu kém đang tự đào thải mình?

 Đào thải là quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường, nhưng cái giá phải trả quá đắt do quản lý lỏng lẻo, chủ quan… Vấn đề đáng nói nhất ở đây là đã có sự lãng phí quá lớn. Phải rũ bỏ kiểu “ăn xổi ở thì”, làm ăn không theo hội đoàn, mạnh ai nấy làm. Có như vậy mới hy vọng ngành cá tra Việt Nam nói riêng phát triển bền vững, xứng với tiềm năng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!