Hiện nay, giá thanh long xuống rất thấp, chỉ ở mức từ 6.000 – 8.000 đồng/kg đối với loại ruột đỏ và từ 5.000 – 6.000 đồng/kg đối với loại ruột rắng. Với giá này, người trồng chỉ thu về được một nửa chi phí sản xuất.
Thanh long ruột đỏ từng là loại đặc sản mang lại thu nhập cao cho người trồng vì mặt hàng này được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Lúc cao điểm, khi trái thanh long xuất khẩu tốt, thương lái sẵn sàng trả giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 60.000 đồng/kg hàng loại 1 để xuất đi các nước.
Thương lái hạn chế thu mua do khó khăn về thị trường đầu ra
Sau nhiều lần dò giá qua nhiều thương lái khác nhau, anh Đặng Văn Tấn, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã quyết định bán 2 tấn thanh long đang chín trong vườn của mình. Do vụ này, thanh long trong vườn nhà anh Tấn không được lớn trái, hầu như chỉ từ 400 – 500 g/trái nên chỉ bán được giá 7.000 đồng/kg. “Mới gần tháng trước, thanh long trái vụ vẫn bán được khoảng 22.000 đồng/kg. Vậy mà bây giờ xuống nhanh quá, vụ này coi như lỗ nặng” – anh Tấn buồn bã.
Theo nhiều thương lái tại địa phương, giá thanh long trong gần 1 tháng qua giảm mạnh. Cụ thể, nếu như đầu tháng 12/2020, giá của loại trái cây này vẫn còn ở mức 18.000 – 22.000 đồng/kg thì từ ngày 15/12 đến nay, giá chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg. Trong tuần qua, giá thanh long lại tiếp tục xuống thấp và nằm ở mức từ 5.000 – 7.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Hoàng Huy, thương lái tại huyện Châu Thành, cho biết: Giá thanh long giảm mạnh là do nguồn cung trên thị trường đang dồi dào. Theo đó, từ đầu vụ xông đèn đến nay, thanh long luôn có các lứa chín liên tiếp nhau, không bị đứt đoạn nguồn cung. Hầu hết các vườn xông đèn trái vụ đều cho năng suất ổn định nên thanh long chín đều ở nhiều nơi. “Bên cạnh nguồn cung thanh long nhiều, thị trường tiêu thụ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, thương lái cũng hạn chế thu mua thanh long ở thời điểm này” – anh Huy nói.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thanh long tỉnh, thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long vẫn là Trung Quốc nên khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này không ổn định thì giá thanh long cũng biến động theo. “Giá thanh long thấp do chất lượng trái thanh long không được tốt, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Bên cạnh đó, gần đây, thị trường Trung Quốc tiêu thụ có phần chậm lại cũng ảnh hưởng đến giá thu mua” – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh – Nguyễn Quốc Trịnh cho hay.
Chi phí sản xuất trái vụ tăng, trong khi giá bán thấp khiến người trồng thanh long lo lắng
Theo nhiều người trồng thanh long, với giá bán 6.000 – 8.000 đồng/kg, người dân chỉ thu về được một nửa chi phí sản xuất. Bởi, trong mùa xông đèn trái vụ, chi phí về điện chiếu sáng, phân, thuốc, công chăm sóc đều cao so với vụ mùa. Ước tính với giá 15.000 đồng/kg thì người dân mới thu được vốn.
Anh Nguyễn Văn Út, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tâm sự: “Thời điểm này, giá thanh long xuống thấp nên người dân rất lo lắng, nhất là những người mới trồng như tôi vì đầu tư nhiều vốn, công sức vào cây thanh long. Không biết bao giờ tôi mới lấy lại được số vốn đã đầu tư”.
“Những năm gần đây, các vụ thanh long xông đèn đều có giá bán không ổn định. Như năm trước, những lúc cao điểm, có khi giá lên đến gần 40.000 đồng/kg nhưng có lúc tụt xuống dưới 3.000 đồng/kg. Khi giá cao, nhiều người đổ xô xông đèn, đến lúc thu hoạch rộ, nguồn cung dư làm cho giá bán bị giảm” – ông Lê Văn Năm (hộ trồng thanh long tại xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) chia sẻ.
Được biết, hiện nay, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh trên 11.800 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 330.000 tấn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, người dân sản xuất thanh long từ hòa vốn đến lỗ. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật xác nhận cấp 54 mã số vùng trồng thanh long cho 9.897 ha với sản lượng ước đạt trên 245.000 tấn/năm trên địa bàn của 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An./.