Lưu ý nuôi cá điêu hồng trong lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Khi nuôi cá điêu hồng trong lồng bè thường gặp những bệnh gì? Biện pháp phòng trị các bệnh đó như thế nào?

(Nguyễn Công Thành, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)

Trả lời:

Bệnh do ký sinh trùng: Các bệnh do ngoại ký sinh trùng có tác động mạnh đến cá bột trong quá trình ương. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở ương giống có tỷ lệ hao hụt từ 50 – 70% chủ yếu là do cá bột bị bệnh đốm trắng (trùng quả dưa tấn công), bệnh do trùng mặt trời và tà quản trùng, bệnh do sán lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (ArgulusErgasilus). Cách phòng trị: Ao ương hoặc nuôi cá phải có sục khí. Khi phát hiện cá bị bệnh cần bón: Formol nồng độ 25 – 30 ml/m3 trị thời gian dài và nồng độ từ 100 – 150 ml/m3 nếu trị trong 15 – 30 phút; CuSO4 (phèn xanh) nồng độ 2 – 5 g/10 m3 trị thời gian dài và từ 20 – 50 g/10 m3 trị trong 15 – 30 phút, cách ngày điều trị một lần. Muối ăn dùng để phòng và trị bệnh cho cá, nồng độ 1 – 3% trị thời gian dài và 1 – 2% trị trong 10 – 15 phút.

Bệnh xuất huyết: Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiella tarda gây ra. Cá có dấu hiệu toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra. Để phòng tránh bệnh, cần tránh thả cá nuôi và hạn chế thay nước vào lúc giao mùa. Nên định kỳ khử trùng nơi cho ăn. Khi cá bị bệnh, cần bón vôi khử trùng nước, có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá, liều lượng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cá trướng bụng do thức ăn: Thường xảy ra ở các ao, bè cho cá ăn thức ăn tự chế không được nấu chín, không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hóa được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Cá bơi lờ đờ và chết rải rác. Biện pháp khắc phục là kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng, thường xuyên có thể thay đổi thức ăn. Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa.

Cá chết do mật độ dày: Hiện tượng này thường xảy ra ở các ao, bè nuôi thâm canh với mật độ quá dày. Cá chết không có dấu hiệu bệnh lý, chỉ nổi lờ đờ và chết hàng loạt. Tỷ lệ cá chết lệ thuộc vào mật độ và chất lượng nước. Mật độ thích hợp để thả nuôi cá rô phi thịt là 100 – 150 con/m3. Nếu mật độ trên 200 con/m3 có thể gây chết đột ngột sau những cơn mưa lớn.

Hỏi: Xin tư vấn kỹ thuật chăm sóc cá điêu hồng trong lồng bè?

(Đỗ Văn Nhất, phường Tân Long, Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

Trả lời:

Quản lý sức khỏe đàn cá: Hằng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước pH, NH3, DO để phát hiện kịp thời những trường hợp nguồn nước không thuận lợi cho sức khỏe của cá, có kế hoạch di chuyển bè nuôi đến những khu vực có nguồn nước an toàn. Định kỳ nên trộn các dưỡng chất vào thức ăn cho cá như Vitamin C, Premix khoáng, men tiêu hóa, men vi sinh, chế phẩm từ thảo dược (như chế phẩm từ tỏi) để cá hấp thu tốt dưỡng chất trong thức ăn tốt hơn và tăng cường sức đề kháng cho cá. Định kỳ 15 ngày/lần, trộn thuốc vào thức ăn cho cá để diệt các nội ký sinh trùng bám trên đường ruột của cá (liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Mỗi lần nên cho cá ăn thuốc từ 1 – 2 ngày và cho ăn thuốc vào cữ ăn buổi sáng.

Chăm sóc, quản lý bè nuôi: Thường xuyên kiểm tra bè nuôi, dây neo, lưới đảm bảo không bị rách tránh cá thất thoát ra ngoài. Hằng ngày loại bỏ rong rêu, rác bám vào thành vèo do dòng chảy mang tới, đảm bảo vèo thông thoáng. Định kỳ thay lưới 1 tháng/lần, mắt lưới phù hợp với kích cỡ của cá để đảm bảo việc trao đổi nước giữa trong và ngoài lông, giúp cá khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!