Mạnh tay ngăn cá tầm nhập lậu!

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tầm Trung Quốc nhập lậu đội lốt cá tầm Việt Nam tràn ra thị trường với giá rẻ, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá nội địa. Tìm giải pháp để ngành cá tầm trong nước không “chết yểu” là việc phải làm ngay.

Điêu đứng vì cá tầm nhập lậu

Phải chặn cá tầm nhập lậu từ biên giới

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS): Ngăn chặn để cá nhập lậu không có chỗ đứng

Lâu nay, Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Việt Nam và VINAFIS vẫn trăn trở với tình trạng nhập lậu thủy sản nói chung, cá tầm nói riêng. Việc nhập lậu cá tầm khiến giá cá tầm Việt Nam bị kéo xuống, ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước. VINAFIS đã có những kiến nghị mạnh mẽ với Tổng cục Thủy sản, yêu cầu các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu, để cá nhập lậu không có chỗ đứng. Tuy nhiên, sản xuất cá tầm trong nước cũng cần tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cá nuôi đạt chất lượng cao nhưng giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý chất lượng con giống, vệ sinh an toàn thực phẩm…, đảm bảo cho người dân tin tưởng chất lượng cá tầm nội địa.

 

Ông Trần Văn Phú – Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thủy sản: Kiểm soát chặt việc đưa cá qua cửa khẩu

Giá cá tầm nhập lậu rẻ hơn nhiều so với cá tầm Việt Nam do được nuôi trong môi trường công nghiệp với nguồn thức ăn có hàm lượng tăng trọng cao, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, đây không phải loại cá tầm có giá trị kinh tế cao như cá tầm Beluga (Nga) và Siberia, mà chủ yếu là loại cá có nguồn gốc xuất xứ khác.

Người ta đang sử dụng nhân công Việt Nam chở thuê cá từ Trung Quốc sang Việt Nam với tiền công hậu hĩnh. Với chiều dài đường biên 614km, việc vận chuyển lậu cá từ Trung Quốc sang Việt Nam rất khó kiểm soát. Vì thế, Hải quan Việt Nam cần kiểm soát chặt việc đưa cá qua các cửa khẩu. Cùng đó, lực lượng Biên phòng thắt chặt quản lý việc vận chuyển cá qua đường bộ. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố phải tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cá tầm đang lưu thông trên thị trường. Tổng cục Thủy sản nên tổ chức hội thảo chống nhập lậu cá tầm và các loại thủy sản không rõ nguồn gốc. Thông qua hội thảo gửi đến người tiêu dùng thông tin đầy đủ về cá tầm nói riêng và cá nước lạnh nói chung; đồng thời đề xuất biện pháp chống nhập lậu hiệu quả để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đưa ra chính sách hiệu quả, phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh.

 

Ông Nguyễn Trọng Cử – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức: Truy tìm nguồn gốc xuất xứ tận cơ sở

Tình trạng cá tầm nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc rồi núp dưới mác cá tầm Việt Nam đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất cá tầm trong nước điêu đứng, đẩy ngành cá tầm nước ta đến nguy cơ chết yểu. Để giải quyết vấn đề này, trước hết lực lượng biên phòng phải thường xuyên tuần tra đoạn đường biên giới tập kết, trung chuyển cá lậu vào. Tăng cường lực lượng cho các trạm, chốt kiểm dịch dọc đường. Cơ quan quản lý thị trường cần mạnh tay xử lý các cơ sở buôn bán thủy hải sản, trong đó có cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bộ NN&PTNT nên chỉ định Cục, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Bảo vệ nguồn lợi… cử người đến tận các cơ sở nuôi để truy tìm nguồn gốc xuất xứ; lập tổ kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất giống. Bên cạnh đó, Bộ cần hỗ trợ người nuôi cá tầm, xây dựng mô hình điểm, tiến tới đăng ký thương hiệu cá tầm cho từng vùng. Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận ra sự khác biệt giữa cá tầm nhập lậu và cá tầm Việt Nam.

>> Để ngăn chặn việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua biên giới, Bộ NN&PTNT vừa gửi công văn tới một số bộ, ngành liên quan và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu đề nghị phối hợp ngăn chặn cá tầm nhập lậu.

Ngày 29/4, Tổ công tác thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra và thu giữ 680 con cá tầm, với tổng khối lượng hơn 1,8 tấn. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Hồng Thắm (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!