T2, 06/07/2020 10:04

Miền Tây mùa lũ “đẹp”

Chưa có đánh giá về bài viết

Khác những đợt lũ kinh hoàng ở miền Trung hay miền Bắc, lũ ở ĐBSCL tràn về đồng nghĩa với niềm vui, hạnh phúc. Ngoài phù sa đồng bãi tốt tươi, lũ ở đây còn mang đến tôm cá nhiều vô kể.

Dồi dào sản vật  

Những ngày tháng 8 này, nhiều nông dân ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên hay biên giới Việt Nam – Campuchia đang tất bật chuẩn bị đón mùa lũ mới về. Theo kinh nghiệm, cứ nhìn từng con nước ròng (nước lớn) là anh Út Bình (xã Thạnh Hưng, Mộc Hóa, Long An) lại đem lú đi đặt ở các cánh đồng gần nhà. Mấy bữa trước, lũ về ngập mênh mông, anh đã dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc tránh lũ. Công việc bây giờ chỉ còn là bắt cá. “Nhìn nước lớn thế này thì tối nay cá sẽ rất nhiều. Như tối qua, mỗi mẻ đụt lưới đều nặng đến nhức tay, ướm chừng 70 – 80 kg. Tôi và mấy người bạn trong ấp kéo 3 – 4 đợt mới hết đêm. Hi vọng tối nay còn khá hơn”, anh Út nói. Đây là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, những cánh đồng đều trũng hơn và được bao bọc hay cung cấp nước bởi nhiều con sông lớn như sông Vàm Cỏ, nhánh của sông Tiền… nên có thể coi đây là vùng rốn lũ. Chính vì thế, tôm cá cũng tập trung về đây nhiều vô số. Những mẻ lưới kéo được gần trăm ký cá không phải là chuyện hiếm với nhiều người mùa nước nổi năm nay.

Dọc quốc lộ 62, đâu cũng nước và nước. Lũ về ngập mênh mông. Các cánh đồng một màu phù sa đỏ quạch với bao nhiêu sản vật. Từ cá tôm, rắn, ếch, cua, chuột đồng hay điên điển, bông súng, bông sen đều mang đến cho bà con nông dân những nguồn thu nhập đáng kể. Ông Năm Thảng, một nông dân ở Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa bảo: “Năm nào cũng thế, lũ về là tôm, cá, cua, ốc, rắn… từ Campuchia tràn qua rất nhiều, đánh bắt không hết. Ngày nào tôi với 2 thằng con cũng đặt lú được chừng 20 – 30 kg cá, trị giá vài trăm ngàn đồng”.

Mùa lũ miền Tây, tôm cá nhiều vô kể

Mùa lũ về, các chợ cóc ven quốc lộ ở Long An, Đồng Tháp cho tới An Giang đều tấp nập người, ghe. Từ nông dân tới thương lái, ai cũng vui. Chị Tám Huyền, một thương lái chuyên mua cá ở chợ Bình Hiệp, Mộc Hóa bảo: “Từ nửa tháng nay, mỗi ngày tôi đều mua hơn 1 tấn cá ở đây, đưa về bán ở chợ Bình Điền, TP HCM, thu lãi cả triệu đồng”.

Không riêng gì tôm cá, nhiều hộ ở Tam Nông, Đồng Tháp còn mưu sinh bằng cách hái bông điên điển, bông súng. Giá bông điên điển đang khá cao, chừng 28 ngàn đồng/kg. Giá bông súng, sen thấp hơn nhưng cũng 12.000 – 15.000 đồng/kg; một ngày hái bông kiếm được trăm ngàn đồng. Anh Cả Tiên ở Tam Nông bảo: “Ngày nào mình cũng hái bông súng, bông sen đem ra chợ bán.

 

Mùa áo cơm hi vọng

Vợ chồng anh Tâm chị Thảo nhà ven kênh Đông Điền ở Tam Nông, Đồng Tháp bảo: Một đêm đặt lưới chum và lú cũng được 20 – 30 kg cá tươi, đem ra chợ bán được 400.000 – 500.000 đồng, trừ tiền xăng cũng còn hơn 300.000 đồng.

Mực nước lũ tại Tân Châu, An Giang những ngày qua đạt hơn 3,6m và đang tăng, cao hơn cùng kỳ năm 2010 chừng 1,2m. Đây có thể coi là mùa lũ lớn trong vài năm trở lại đây vì sắp tới còn lên nữa, báo hiệu một năm đầy triển vọng, vì ngoài sản vật tự nhiên, lũ còn giúp nông dân rửa sạch đồng bãi, cuốn trôi phèn mặn, trả lại phù sa màu mỡ tốt tươi cho mùa vụ mới bội thu.

Hái bông súng mùa lũ – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ngoài những người hưởng lợi trực tiếp từ lũ bằng việc như kể trên, những làng nghề phục vụ trực tiếp mùa lũ cũng sôi động không kém. Theo đó, những nghề đan lưới, đan lú, chế tạo ngư cụ hay đóng thuyền ghe gỗ cũng tấp nập chuẩn bị từ trước khi lũ về cả tháng. Bởi lũ ở ĐBSCL chỉ diễn ra chừng 3 – 5 tháng nên người dân thường chờ đợi đến mùa lũ mới mua dụng cụ đánh bắt. Thêm nữa, vài năm gần đây, do vùng đầu nguồn sông Mêkông và các nhánh sông khác bị chặn lại bởi nhiều đập thủy điện lớn nhỏ khiến lũ về không còn tự nhiên và đúng theo chu kỳ như trước nữa cũng làm cho nhiều người “cảnh giác”. Tuy nhiên, năm nay thì hơi khác, do lượng mưa khá lớn nên lũ về sớm lại cao báo hiệu một mùa bội thu tôm cá.

Nhiều vùng không có lũ đi qua, người dân cũng nô nức đón lũ theo cách riêng. Các huyện vùng núi cao Tri Tôn, Bảy Núi ở An Giang, địa hình cao nên nước không ngập tới được; rắn, chuột đồng, chim cút… kéo về đây từng đàn đông kịt. Rắn mùa lũ là thứ rắn to nhưng lành, thịt thơm và ngon, xương cũng mềm hơn rắn trên rừng nên giá cao, 160.000 – 180.000 đồng/kg. Thường một ngày một người đào được 5 – 7 kg. Chuột đồng cũng nhiều vô kể. Thịt chuột đồng được bán với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg và bán rất chạy vì ở thành phố, chuột đồng đang là một thứ “đặc sản”. Ngoài những sản vật thông dụng dễ kiếm và có nhiều mùa nước nổi thì một số loại hiếm như chim, rùa cũng theo nhau từng đàn từ Campuchia sang.

Những năm gần đây, người dân vùng biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang còn thường xuyên sang Campuchia đánh bắt tôm cá, ốc mùa lũ. Họ chuẩn bị những con thuyền lớn chạy ngược lũ sang đó thuê mặt nước để đánh bắt. Thuê mặt nước rồi đánh bắt và mang về bên mình bán. Mỗi chuyến đi cũng kiếm bộn bởi bên đó đồng trũng, nước lưu lâu ngày, ít người khai thác nên mùa lũ thường rất nhiều cá, cua, ốc.

Đại Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!