T2, 06/07/2020 09:54

Mô hình quản lý cộng đồng: Đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) -Xã Hàm Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) hiện có 40 ha ao hồ nuôi trồng thuỷ sản, trong đó gần 30 ha nuôi tôm, ở 3 khu vực là Hói Hà, Hói Am và Hói Trúc Ly, tổng thu nhập mỗi năm trên 3 tỷ đồng; riêng 10 ha thả nuôi cá nước ngọt và mô hình cá – lúa kết hợp cũng rất hiệu quả…

Từ cách làm tự phát

Tuy đến với nghề nuôi tôm muộn nhưng người dân Hàm Ninh đã biết áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó hàng năm năng suất và sản lượng nuôi tôm ở đây luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Một trong những cách làm đã đem lại hiệu quả thiết thực ở Hàm Ninh là thành lập các chi hội quản lý cộng đồng.

Năm 2003, 7 hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Hói Hà, xã Hàm Ninh đã liên kết thành lập Tổ quản lý cộng đồng nhằm giúp nhau trong công tác quản lý nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực. Nhận thấy hiệu quả hoạt động Tổ quản lý cộng đồng ở Hói Hà, các hộ nuôi tôm trong xã đã làm theo và đến nay, toàn xã Hàm Ninh đã thành lập được 3 chi hội quản lý cộng đồng nuôi trồng thuỷ sản, có 50 hội viên tham gia.

Mô hình cá – lúa kết hợp cho hiệu quả cao    Ảnh: Thanh Nhã

Do diện tích ao hồ nuôi tôm trên địa bàn xã theo quy mô công nghiệp ngày càng mở rộng, hàng năm, lượng chất thải từ các ao hồ nuôi khá lớn, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và môi trường xung quanh ở Hàm Ninh tương đối cao. Trước đây, người nuôi chủ yếu chỉ quan tâm bảo vệ môi trường khu vực ao nuôi của mình, nên mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, diện tích bị lây rất nhanh, rất khó khoanh vùng… Vì vậy, việc 7 hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Hói Hà tự nguyện liên kết nhau thành lập Tổ quản lý cộng đồng bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. 7 hộ đã cùng nhau cam kết thực hiện nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường ao nuôi của mình và khu vực xung quanh; hỗ trợ nhau trong các khâu nuôi trồng để đảm bảo tạo ra được những sản phẩm sạch, đạt chất lượng. Bên cạnh đó, các thành viên của Tổ còn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong các khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm…

 

Đến hướng nuôi trồng bền vững

Năm 2007, UBND xã Hàm Ninh đã quyết định thành lập Ban quản lý cộng đồng nuôi trồng thuỷ sản xã, gồm 3 chi hội, đó là Chi hội quản lý cộng đồng thuỷ sản khu vực Hói Hà, Hói Am và Trúc Ly. Các hộ tham gia phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình thả nuôi theo hướng bền vững, không gây ô nhiễm môi trường. Vào mỗi vụ nuôi, các thành viên sẽ thống nhất thời gian tháo nước, lấy nước, thả nuôi và thu hoạch, đồng thời phân công các thành viên phụ trách và quản lý chặt chẽ những khâu này… Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng thức ăn, hoá chất trong ao nuôi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước… Khi tôm bị bệnh, phải thông báo cho Ban quản lý để tìm cách tháo gỡ, không để lây lan ra diện rộng…

Ngoài ra, các thành viên còn đóng góp tiền xây dựng quỹ phục vụ cho những hoạt động, nhất là việc hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn cho thành viên khi gặp rủi ro. Năm 2009, có 8 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị bệnh, các hộ nuôi đã được Ban quản lý cộng đồng nuôi trồng thuỷ sản xã Hàm Ninh hỗ trợ gần 20 triệu đồng để mua cloramin xử lý ao hồ kịp thời, nhờ đó đã khoanh vùng và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.

Nhờ cách làm này, hàng năm, năng suất, hiệu quả của nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng ở Hàm Ninh đưa lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.

 

>> Học tập xã Hàm Ninh, các xã lân cận Võ Ninh, Lương Ninh cũng thành lập các Ban quản lý cộng đồng nuôi trồng thuỷ sản để hỗ trợ nhau, góp phần đưa nghề nuôi trồng thuỷ sản ngày càng phát triển bền vững.

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!