T2, 06/07/2020 10:31

Mò vú nàng dưới đáy đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

Hải sâm còn có tên vú nàng. Nghề nhọc nhằn tìm kiếm hải sâm được ngư dân Quảng Ngãi thi vị hóa, gọi là “mò vú nàng dưới đáy đại dương”.

“Thần dược”

“Nhà còn trữ rượu vú, hải sâm không?”. Nghe tôi hỏi, vợ một ngư dân híp mắt cười và nói giọng Lý Sơn đặc sệt: “Rượu ấy uống vô thì té chỗ nào cũng có con”. Chồng bà thì quảng cáo hải sâm bằng chuyện ngay trong nhà mình: “Tôi có 5 con, đứa nào sinh ra cũng bự như gốc cây. Sau này tụi nó mà đi biển thì nhứt đàn. Đường con cái thuận lợi cũng nhờ ba cái thứ hải sâm ngâm rượu, ngày nào cũng uống chừng chừng”.

Trước đây, khi tàu hành nghề lặn vào đất liền, những người chuyên thu mua hải sâm thường nhào ra hỏi: “Được mấy chục con đồn đột? Thứ đen hay đỏ?”. Hải sâm là một loại đỉa biển, dân gian thường gọi đồn đột. Nhưng đó là khi giá còn thấp. Đến khi giá đội từ 100 ngàn lên 500 ngàn đồng/kg hải sâm đỏ, nhiều người gọi hải sâm. Và đến khi rượu hải sâm được gọi là “ông uống bà khen”, giá lên 1,8 triệu đồng/kg, người ta gọi vú nàng.

 

Hiện, ngư dân phải lặn xuống các vùng biển sâu 40 – 50 mét nước mới bắt được hải sâm 

Hải sâm Ama Kông

Tại một hội thi phụ nữ khéo tay, nữ công gia chánh ở tỉnh Quảng Ngãi, phụ nữ huyện đảo Lý Sơn bê lên bàn ăn một hũ rượu có con hải sâm nặng 2kg; giá hũ rượu hơn 4 triệu đồng. Trên bàn ăn có đủ loại cao lương mỹ vị từ miền ngược đến miền xuôi, nhưng hũ rượu này trở thành tâm điểm chú ý của các quý ông.

Lắc nhẹ hũ rượu để hải sâm nổi lên sóng sánh, một đấng mày râu tấm tắc: “Đây là hàng thứ thiệt. Uống một ly nhỏ chắc bằng 3 thang thuốc của dũng sĩ săn voi Ama Kông ở Bản Đôn (ông có 3 vợ, hơn chục đứa con, 80 tuổi vẫn cưới vợ 25 tuổi)”. Nhìn vẻ thích thú của ông này, tôi thầm nghĩ: “Không biết hải sâm tác dụng cỡ nào nhưng thương hiệu hải sâm cộng với sức tưởng tượng đã đủ khiến người ta thành dũng sĩ rồi”.

Trước đây, tại các gành đá ven bờ đều có hải sâm. Trong dân gian thường chia ra nhiều loại, tương ứng giá trị của nó (như: đồn đột đỏ, đồn đột đen, áo tơi, da trăn…). Chỉ cần ra gành đá ngụp lặn là có thể bắt được. Rồi không chờ các nhà khoa học khuyến cáo, hải sâm gần bờ nhanh chóng biến mất. Sự khai thác tận diệt của con người khiến hải sâm trở thành hàng hiếm, chỉ có ở ngoài khơi.

Một ngư dân kể chuyện lặn hải sâm: Ra tận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chọn nơi có gành đá thì lặn xuống bắt. Không ít người đã bỏ mạng do lặn quá sâu, nhưng vì danh tiếng thần dược này ngày càng nổi, thị trường luôn khát hàng, ngư dân thường quên nỗi hiểm nguy. Ban đêm soi đèn là dễ tìm nhất. Cực nhọc lắm mới bắt được hải sâm nhưng ngư dân không mấy khi dám thưởng thức. Họ thường chỉ mang về nhà 1 – 2 con ngâm rượu uống dần; có khách quý từ xa đến họ mới giới thiệu và cho uống một cốc nhỏ để “bổ ngang, bổ dọc”. 

 

Uống là “thấy”

Theo Ðông y, hải sâm tính ôn, vị ngọt đậm, vào các kinh tâm, tỳ, phế, có tác dụng bổ thận tráng dương, dưỡng tinh huyết, bổ não, ích trí, ninh tâm, trấn kinh, trừ toan, tiêu viêm, cầm máu, sinh cơ, giảm đau, nhuận táo. Công dụng chữa suy nhược thần kinh và thể lực, gầy yếu sau bệnh, sau sinh, chữa liệt dương, thiếu máu, táo bón, ho lao, ho ra máu, chứng đi tiểu luôn, tiêu khát (tiểu đường). Gần đây hải sâm còn được dùng trong trường hợp huyết áp cao (do thận âm hư), động mạch xơ cứng, bệnh mạch vành tim, xuất huyết dưới da, ung thư, tổn thương trong xạ trị ung thư…

Hải sâm nấu chung với nhiều vị thuốc để tráng dương, như: câu kỷ, long nhãn, quy bản, nấm đông cô, khởi tử… Ngoài ra có thể nấu chung với thịt gà, thịt chó, trứng gà, xương gà, trứng chim bồ câu, chim cút, thịt xương heo, thận hoặc thịt dê, đậu phụ với tôm nõn… Nam giới thận hư, liệt dương, di tinh, tiểu đêm nhiều lần, tiên thiên bất túc; nữ giới âm lạnh, chân tay lạnh thì nên sử dụng sẽ có công hiệu như thần.

Khai thác tận diệt, hải sâm trở nên hiếm, giá đội lên 4 – 5 lần

Hải sâm trở thành hàng hiếm nhưng thỉnh thoảng vẫn có tàu trúng đậm cả ổ. Tàu QNg 66029 TS của ông Lê Túc ở huyện đảo Lý Sơn, có phiên biển đã trúng 1,6 tấn hải sâm, bán được 1,5 tỷ đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia phần 80 triệu đồng. Một ngư dân ở đây kể, có lần lặn gần tới đáy biển, thấy vú nàng đang phập phồng, dấu hiệu nó bỏ chạy vô hang trốn. Nó đang bơi trước mắt đấy, nhưng chạm vào không dễ. Đáy biển chỗ đó sâu quá, mình phải ráng nín thở để tiếp tục chúi xuống, bắt cho được. Cũng vì vú nàng mà sau phiên lặn, chân tay rụng rời, đầu đau, mắt hoa. 

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!