T2, 06/07/2020 09:53

Mùa lũ, thuê mặt nước bắt cá linh

Chưa có đánh giá về bài viết

Những ngày này, mực nước ở các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu đã lên gần 4 m, dân trồng lúa, làm vườn trở thành “ngư dân” phấn khích trước mùa lũ từng mong đợi.

Mừng vì cá linh xuất hiện

Cánh đồng Campuchia lúc chiều xuống. Ảnh: Hoài Vũ

Ông Lê Văn Xiếu, quê ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cảm thấy vui khi thấy cá linh xuất hiện, nhiều gấp năm sáu lần so với hai năm rồi. Gia đình ông Xiếu có năm người con chuyên sống bằng nghề hạ bạc. Mỗi người đều có một giàn dớn, chi phí cho mỗi giàn trên 70 triệu đồng, mỗi ngày đánh bắt từ 100 – 500 kg cá linh. Gặp những hôm thời tiết thuận lợi, có thể đánh bắt được trên một tấn cá linh. Đó là nói về những chuyến đi ngược lên thượng nguồn, phía Campuchia.

Trăm nghe không bằng mắt thấy, chúng tôi lấy áo dân hạ bạc, tháp tùng theo các con của ông Xiếu sang đất Campuchia để trải nghiệm cuộc sống lênh đênh, đón cá linh mùa nước nổi. Bốn giờ chiều, cảnh sắc vùng biên thật êm dịu, trời trong xanh. Cả một cánh đồng bao la dọc theo con kênh Vĩnh Tế bắt đầu xôn xao, xuồng ghe đánh bắt rộn ràng, kẻ tung lưới, người đong cá khiến không khí trở nên sôi động khác thường.

Chiếc ghe máy chở chúng tôi băng đồng, lướt sóng gần 40 phút mới tới chỗ đặt dớn, thuộc địa phận xã Kom Nop. Anh Lê Văn Vũ, một tay “dớn” cừ khôi vừa giới thiệu các luồng đăng (đường ven) dài cả cây số, vừa đưa tay chỉ ranh giới mặt nước mà anh được quyền khai thác. Phía trước chúng tôi là núi Thum – đưng, thuộc huyện Kirivong, tỉnh Ta Keo – Campuchia, xung quanh toàn là biển nước mênh mông với hàng trăm miệng đăng nhô mình lên mặt nước. “Mấy anh em chúng tôi đã hùn nhau thuê mặt nước bề ngang khoảng 1.500 m, bề hậu không giới hạn với số tiền là 150 triệu đồng. Sau khi nạp tiền và trình báo với chính quyền địa phương, mọi người bắt đầu khai thác, thời gian từ đầu mùa lũ cho đến mùa khô trong năm”, anh Vũ nói.

Phương tiện chính để đánh bắt cá linh trên cánh đồng mùa nước nổi chủ yếu là dớn. Còn những người đánh bắt trên sông thì đóng đáy. Bình quân mỗi giàn dớn phải sử dụng cả ngàn mét lưới ven và nhiều bầu (chỗ để cho cá gom lại trước khi vô đú), mỗi bầu gồm hai miệng đú, mỗi đú dài 8 m, có thể chứa tối đa 500 kg cá. Thông thường, mỗi ngày đổ đú hai lần, sáng và chiều. Mỗi ghe cần đến ba người để thực hiện những thao tác như kéo đú lên khỏi mặt nước, đổ cá từ đú vô ghe và đặt đú trở lại. Vừa kéo đú, anh Hoàng, một tay thông thạo các loài cá trên sông Mekong, nói: “Hôm nào trời mưa, gió mạnh, cá thường nằm im không chạy. Còn hôm nào trời nắng tốt như hôm nay, cá sẽ chạy nhiều”.

 

Buồn vì sản lượng cá giảm

Đổ dớn. Ảnh: Hoài Vũ

Hàng năm, kể từ con nước tháng 7, tháng 8 âm lịch, dọc hai bờ sông Tiền và sông Hậu, nhất là Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên, cá linh bắt đầu tràn về các kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng không biết cơ man nào mà kể. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, sản lượng cá linh giảm dần, nhiều loài khác cũng suy giảm, nên nhiều người phải sang tận Campuchia để thuê mặt nước đánh bắt.

Anh Trần Hữu Hoàng, một tay đánh bắt chuyên nghiệp nói một cách tự tin: “Năm nay, ai sang Campuchia đánh bắt chắc chắn sẽ có lời. Mặc dù giá cá rẻ hơn năm rồi (giá bán tại chỗ 13.000 – 20.000 đồng/kg so với năm rồi 25.000 – 35.000 đồng/kg) nhưng bù lại sản lượng nhiều hơn gấp mấy lần. Vả lại, bà con sẽ khai thác dài dài từ nay cho tới mùa khô, không những cá linh, mà còn cả lươn, rắn, cá đen, cá trắng và nhiều đặc sản khác trong mùa nước nổi”.

Mùa sinh sản của cá linh bắt đầu từ tháng 4, tháng 5. Cá con nở ra sẽ lớn dần theo con nước và đến mùa mưa, mưa xuống mát mình, cá con lần theo các sông, rạch rồi tràn vào các biển nước mênh mông. “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, thức ăn đầy đủ, cá lớn nhanh như thổi, người bơi xuồng đụng phải luồng, xem cá nhảy lao xao mà đoán biết năm đó cá linh nhiều hay ít. Đến khi trời chuyển sang thu, tiết trời se lạnh, điên điển vàng đồng cũng là lúc con cá trưởng thành, bụng đầy mỡ và lấp lánh ánh bạc. Cá lúc này ngon và béo ngậy, nhà dù nghèo hay giàu, cũng đều tận hưởng món ăn dân dã chế biến từ con cá linh.

Khi bước vào nửa tháng 9 hoặc đầu tháng 10 âm lịch, con nước giựt dần (nước kém), từng đàn cá linh lại đua nhau từ ruộng đồng, kênh rạch ào ạt tuôn ra sông Cái, sông Lớn để quay về thượng nguồn, người trong nghề gọi là “cá ra”. Đây cũng là thời điểm bà con tha hồ chặn đường đánh bắt, sôi động và hiệu quả nhất là trên các cánh đồng Campuchia, sát biên giới Việt Nam.

Từ thập niên cuối của thế kỷ 20 đến nay, do việc đánh bắt và khai thác bằng nhiều phương tiện tinh vi khiến cho nguồn cá linh giảm dần. Nguồn cá linh bây giờ thật chẳng thấm vào đâu so với thời bắt cá linh làm phân để bón cây trồng…

 

Đỉnh lũ năm nay: 4,5 m

Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm nay, diện tích xuống giống thu – đông của tỉnh xấp xỉ 100.000 ha, tăng trên 35.000 ha so với năm 2010. Trung ương hỗ trợ tỉnh 32 tỉ đồng để gia cố đê, bảo vệ lúa thu – đông. Tất cả diện tích lúa thu – đông phải nằm trong đê bao và phải đảm bảo theo cao trình lũ của năm 2000 (cao hơn báo động 3 là 5,06 m tại Tân Châu).

Cơ quan Khí tượng thuỷ văn An Giang nhận định: Đỉnh lũ năm nay có thể sẽ đạt mức báo động 3 là 4,5 m. Tại Tân Châu, hơn 10.000 ha lúa hè thu đã thu hoạch xong. Các trạm bơm điện, tuyến đê bao đang được kiểm tra để chuẩn bị xuống giống vụ thu đông (vụ 3, nằm trọn trong mùa lũ). Ở An Phú vừa hoàn tất hệ thống đê bao kiên cố, 85 cống đập, lắp đặt 125 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu, chống úng cho hơn 3.500 ha lúa vụ 3 của mười tiểu vùng đê bao chống lũ bảo đảm an toàn cho bà con nông dân yên tâm sản xuất.

An Giang đã tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại 52 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, giông lốc để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp trong mùa mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

HOÀI VŨ

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!