(TSVN) – Công ty GenoMar Genetics sẽ ứng dụng công nghệ chụp CT kết hợp trí tuệ nhân tạo để chọn lọc cá rô phi chính xác, nâng cao sản lượng thịt mà không ảnh hưởng đến phúc lợi động vật. Dự án ba năm này vừa được Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ 2,6 triệu NOK.
Công ty lai tạo cá rô phi GenoMar Genetics tại Oslo vừa nhận tài trợ 2,6 triệu NOK từ Hội đồng Nghiên cứu Na Uy cho dự án ba năm nhằm tăng sản lượng thịt cá rô phi. Dự án ứng dụng công nghệ hình ảnh và trí tuệ nhân tạo để chọn giống chính xác, đồng thời đảm bảo phúc lợi động vật. GenoMar sẽ dùng công nghệ chụp cắt lớp vi tính (CT) chuẩn y tế để đánh giá khối lượng cơ và thành phần cơ thể cá rô phi, giúp đo lường chi tiết và không xâm lấn các đặc điểm liên quan đến sản lượng fillet và sức khỏe cá.
Ông Anders Skaarud, nhà nghiên cứu cao cấp và trưởng dự án tại GenoMar, cho biết: “Kết hợp dữ liệu di truyền với lai chọn theo dòng, công nghệ CT mang đến cho chúng tôi công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy cải tiến di truyền.”
GenoMar bắt đầu chọn lọc di truyền dựa trên tỷ lệ fillet từ năm 2006 và đã đạt được tiến triển dần theo thời gian. Mặc dù mức tăng còn khiêm tốn, việc ứng dụng công nghệ chụp CT giúp nâng cao độ chính xác đánh giá, cải thiện quyết định chọn lọc và thúc đẩy nhanh tiến độ cải thiện giống.
Thí nghiệm sẽ tiến hành tại cơ sở lai tạo của GenoMar ở Brazil, nơi nuôi dưỡng hơn 150 dòng cá với hàng nghìn cá thể. Cá sẽ được chụp CT khi đạt khoảng 1 kg, sau đó chọn 5-10% cá có kết quả tốt nhất làm giống. Quá trình này sẽ lặp lại trong 3-4 thế hệ cho đến khi dự án hoàn thành.
Dù chọn lọc dựa trên chụp CT đã phổ biến trong chăn nuôi heo và gia cầm, phương pháp này chưa từng được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản. Dự án lần này có thể trở thành bước tiên phong ứng dụng công nghệ trên quy mô lớn để nâng cao tỷ lệ phi lê cá. Ông Alejandro Tola Alvarez, Giám đốc chọn giống và di truyền của GenoMar, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển dòng cá giống cho sản lượng thịt cao hơn, giảm chi phí sản xuất và giúp cá rô phi dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.”
Hội đồng Nghiên cứu Na Uy sẽ tài trợ 50% kinh phí cho dự án, phần còn lại do GenoMar Genetics chịu trách nhiệm. Dự án dựa trên các nghiên cứu khả thi giai đoạn 2021-2022, khẳng định cấu tạo cơ thể cá rô phi rất phù hợp để chụp cắt lớp vi tính (CT).
GenoMar thuộc tập đoàn EW Group (Đức), đồng sở hữu AquaGen – nhà sản xuất trứng cá hồi tại Na Uy và Scotland. Gần đây, EW Group công bố công ty con Blue Future Holding đã mua 51% cổ phần Lumic AS, nhà sản xuất thiết bị tiêm chủng cho cá. Lumic và Greenfox Marine AS, công ty con của Blue Future chuyên về công nghệ xác định giới tính cá, đã hợp tác phát triển trạm chăm sóc sức khỏe tích hợp cho cá giống.
Tuấn Minh
Theo Thefishsite