Na Uy – “Vương quốc” cá hồi

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá hồi đang là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu của Na Uy. Người ta tin, trong nhiều năm nữa, ngành sản xuất kinh doanh cá hồi của nước này vẫn đứng hàng đầu thế giới.

Phát huy thế mạnh

Nuôi trồng thủy sản ở Na Uy bắt đầu từ năm 1850, khi lần đầu tiên cá hồi nâu (Salmo trutta trutta) được ấp nở thành công. Năm 1900, cá hồi cầu vồng (Oncorhynchus mykiss) được nhập từ Đan Mạch và những nỗ lực đầu tiên để nuôi cá trong ao được khởi xướng. Năm 1960, đã có bước đột phá khi cá hồi cầu vồng được nuôi thành công trong nước biển. Thời gian này cũng đã có thành công trong việc nuôi cá hồi thịt Đại Tây Dương (Salmo salar).

Năm 1970, có một bước đột phá công nghệ trong ngành này. Đó là việc hình thành công nghệ nuôi lồng. Việc nuôi bằng lồng đã chứng minh điều này là an toàn và cung cấp điều kiện môi trường tốt hơn so với phương thức nuôi bể trên bờ hoặc nuôi đăng lưới chắn khác mà trước đây từng áp dụng, nhất là đối với nuôi cá hồi. Hiện, cá hồi salmon và cá hồi cầu vồng đã phát triển thành một ngành kinh doanh chính ở phần lớn bờ biển Na Uy.

Mỗi năm, ngành công nghiệp cá hồi Na Uy thu về khoảng 5 tỷ USD

Ngành nuôi cá hồi ở Na Uy hình thành từ những năm 1970, với 50 công ty tiên phong, sản lượng 5.000 tấn/năm. Thời gian đầu, cá hồi nuôi ít được chuộng, chỉ tiêu thụ trong nước, giá bán bấp bênh, lợi nhuận thấp. Đến năm 1981, đã có 800 công ty tham gia, sản lượng cá nuôi đạt tới 160.000 tấn và nhanh chóng mở rộng thị trường đến hơn 100 nước. Trình độ sản xuất cũng tiến bộ rõ rệt, từ những người tiên phong thử nghiệm một nghề mới, trở thành những doanh nhân chuyên nghiệp trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Sản xuất và kinh doanh cá hồi nuôi trở thành ngành hấp dẫn, nhưng cũng có thời kỳ ngành này bại hoại do phát triển quá nóng. Lợi nhuận cao thu hút nhiều người tham gia, sản lượng liên tục tăng nhanh, cung vượt xa cầu, khiến giá rớt thảm hại, dẫn tới hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá cá hồi Na Uy ở Mỹ và EU. Năm 1991, hàng loạt công ty phá sản. Năm 2003, sản lượng cá hồi salmon và cá hồi cầu vồng đạt gần 600.000 tấn nhưng giá trị chỉ đạt 1.350 triệu USD, giảm so với con số đỉnh điểm 1.720 triệu USD trong năm 2000 với sản lượng 480.000 tấn. Nhưng chính từ thảm bại này, người Na Uy lại biết vươn lên, đi xa hơn.

Các công ty cá hồi Na Uy được cấu trúc theo mô hình mới, từ tổng số 800 giảm còn 96 công ty, trong đó 14 công ty lớn chiếm 80% sản lượng cá hồi nuôi trên cả nước. Các công ty này tạo lập mối quan hệ trực tiếp giữa người nuôi và khách hàng, đủ năng lực làm chủ thị trường, điều phối cung cầu và phát triển sản phẩm mới, giúp ngành cá hồi tăng trưởng ổn định, cân đối hơn, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn, giá trị xuất khẩu hơn 5 tỷ USD/năm.

 

Bài học cho cá tra Việt Nam

Vượt qua nhiều sóng gió, ngành công nghiệp cá hồi Na Uy đang phát triển khá vững chắc. Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản Na Uy (NSEC) cho biết, năm 2010, xuất khẩu cá hồi nước này thu về 5,4 tỷ USD, năm 2011 là 4,9 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2012 đạt gần 2,4 tỷ USD. 

Sản lượng cá hồi nuôi thế giới năm 2009 – 2011 (Đơn vị: nghìn tấn)

Thương hiệu “cá hồi Na Uy” được xây dựng rất thành công. Đây là kết quả việc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tham gia chuỗi sản xuất cá hồi cũng phải trước hết đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Ngành công nghiệp cá tra Việt Nam cần học tập họ, chú ý việc cải thiện, thúc đẩy chất lượng cá tra và xây dựng thương hiệu cho cá tra. Dĩ nhiên, xây dựng thương hiệu là quá trình không đơn giản, vì thương hiệu không chỉ là tên gọi, mà phía sau nó là cả hệ thống những bảo đảm về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với chất lượng, an toàn, bền vững, thậm chí gắn liền với cả truyền thống văn hóa những vùng đất nước cụ thể. Cùng đó, cần tăng cường hoạt động marketing như ngành cá hồi Na Uy đã làm, để có thể đứng vững trên thị trường quốc tế.

>> Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Na Uy 5 tháng đầu năm 2012 đạt 210,5 triệu USD, tăng 27%, thặng dư thương mại đạt 48,4 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng thương mại Việt Nam – Na Uy năm sau cao hơn năm trước 20 – 25%, không tính mặt hàng tàu thủy.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!