Năm 2012, thời tiết không thuận cho nuôi trồng thủy sản. Đầu năm liên tục rét đậm, rét hại kéo dài làm chậm thời vụ thả nuôi. Nhiều hộ tranh thủ thả sớm làm một phần con nuôi bị chết rét, số còn lại đều còi cọc, chậm lớn.
Tháng 10/2012, khi đang thu hoạch thủy sản thì trận bão số 8 làm thiệt hại nặng trên 6.922ha; trong đó 300ha đầm nuôi tôm bị ngập hoàn toàn, gần 2.000ha đầm nuôi tôm sú vỡ bờ… Sản lượng thủy sản nuôi bị mất trên 1.700 tấn, 42 trại sản xuất giống trong toàn tỉnh bị tốc mái, vỡ bờ, ngập lụt… thiệt hại trên 30 triệu con tôm giống, 4,5 triệu cá giống các loại, 54 triệu con ngao giống và 23 tấn cá, tôm bố mẹ… Tuy nhiên, năm 2012 diện tích nuôi thuỷ sản vẫn đạt 15.565ha; tổng sản lượng đạt 53.380 tấn, tăng 0,28% so với năm 2011. Nếu tính cả số thủy sản nuôi bị thiệt hại do bão số 8 thì tổng sản lượng đạt trên 55 nghìn tấn – một dấu mốc mới trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Nam Định từ trước tới nay.
Sôi động và đạt hiệu quả kinh tế cao là vùng nuôi thuỷ sản mặn lợ. Tuy diện tích không tăng nhưng sản lượng đạt 26.386 tấn; tăng 254 tấn so với năm 2011. Diện tích nuôi tôm chiếm 59% tổng diện tích nuôi vùng mặn lợ và sản lượng đạt 3.447 tấn, tăng 36% so với năm 2011. Con tôm sú do mẫn cảm với thời tiết, khí hậu và môi trường nên diện tích giảm 115ha để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Mặc dù, diện tích nuôi tôm sú giảm nhưng sản lượng vẫn đạt 1.172 tấn, bằng 93,76% so với năm 2011; trong đó 170ha được tổ chức nuôi bán thâm canh, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha, còn lại 3.162ha chuyển sang nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hoặc nuôi xen canh với các đối tượng khác như cua, cá bống bớp…, năng suất nuôi quảng canh cải tiến chỉ đạt 0,3 tấn/ha. Đặc biệt có 295ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tăng 115ha so với năm 2011, hình thức nuôi chủ yếu là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Do thời gian nuôi ngắn (3 tháng cho thu hoạch) nên năng suất bình quân nuôi thâm canh đạt 7-10 tấn/ha với 2 vụ nuôi trong năm. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất cao như gia đình ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy) năng suất trên 25 tấn/ha; hộ các ông Hoàng Văn Am, xã Bạch Long (Giao Thủy); Bùi Trọng Chinh, xã Hải Lý (Hải Hậu); Hoàng Đức Thiện, xã Hải Triều (Hải Hậu)… năng suất tôm nuôi trong năm đạt khoảng 20 tấn/ha. Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh cũng đạt 2,5 – 3 tấn/ha/năm, gấp 2-3 lần năng suất nuôi tôm sú thâm canh. Nuôi tôm thẻ chân trắng đã hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh tốt. Đặc biệt trên 65ha của HTX nuôi trồng thủy sản Giao Phong (Giao Thủy) tổ chức nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm an toàn dịch bệnh, môi trường bền vững, năng suất bình quân đạt 15 – 17 tấn/ha/năm, lợi nhuận đạt hàng tỷ đồng/ha nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi đầu tư cải tạo ao, đầm, hệ thống tưới tiêu và ý thức trách nhiệm cộng đồng cao trong khâu kiểm soát dịch bệnh, trở thành điểm sáng cho các vùng nuôi khác học tập. Nuôi tôm thẻ chân trắng đã hình thành ở các vùng nuôi tập trung như Giao Phong, Bạch Long (Giao Thủy), Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu).
Đầm nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hải Đông (Hải Hậu).
Với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của toàn tỉnh Nam Định năm 2012 là 295ha, bằng 8,85% diện tích nuôi tôm sú nhưng sản lượng tôm thẻ đạt 2.275 tấn, gấp gần 2 lần sản lượng tôm sú trong năm(!) Cua biển là đối tượng nuôi chủ lực sau con tôm ở vùng nuôi nước lợ. Do chủ động được giống tốt, phương pháp nuôi chuyển từ chuyên canh sang xen canh, ghép với các đối tượng khác như tôm sú, cá bống bớp… nên nuôi cua biển phát triển khá bền vững. Mặc dù, gần như không có diện tích nuôi cua chuyên canh nhưng sản lượng cua thương phẩm năm 2012 đạt 974 tấn, tăng 4,73% so với năm 2011. Cùng với nuôi cua thì nuôi cá bống bớp là thế mạnh của các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền, Rạng Đông… ở huyện Nghĩa Hưng. Từ khai thác con giống ngoài tự nhiên, những năm gần đây, các trại sản xuất giống thủy sản của tỉnh đã sản xuất thành công và cung ứng thỏa mãn nhu cầu của người nuôi. Cùng với tích lũy kinh nghiệm nuôi và từng bước chủ động nguồn thức ăn nên năm 2012 diện tích nuôi cá bống bớp của tỉnh đạt 93ha, tổng sản lượng 754 tấn, tăng 0,53% so với năm 2011, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha. Nuôi cá bống bớp cũng cho doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm. Cá song, cá vược cũng là đối tượng nuôi khá ở vùng nước lợ trong năm 2012. Tổng diện tích nuôi 2 loại này đạt 362ha với sản lượng 767 tấn, bình quân năng suất trên 2 tấn/ha, doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ha. Đây cũng là đối tượng nuôi đang được khuyến khích nhân rộng cùng với cá thu đất, cá chim biển vây vàng. Riêng 1.708ha bãi bồi của Giao Thủy và Nghĩa Hưng nuôi ngao mặc dù bị bão số 8 làm thiệt hại hàng nghìn tấn nhưng sản lượng ngao năm 2012 vẫn đạt 19.724 tấn, bình quân năng suất đạt 11,5 tấn/ha. Cả 2 vùng nuôi đều được quản lý tốt. Năm 2012, vùng ngao của tỉnh thu hoạch được 8.600 tấn (gấp hơn 2 lần so với năm 2011), được xuất khẩu sang thị trường EU thông qua các nhà máy chế biến tại miền Nam. Hiện tại, vùng nuôi ngao Giao Thủy đã xây dựng được thương hiệu và được tổ chức MCD (Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng) quốc tế giúp đỡ xây dựng mô hình quản lý cộng đồng trong nuôi ngao. Mặc dù, năm 2012 ở một số địa phương giá ngao giảm và không có nơi tiêu thụ, song ngao Nam Định vẫn được tiêu thụ tốt qua các hệ thống siêu thị và các đại lý phân phối.
Vùng nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Với 9.625ha mặt nước được tổ chức nuôi thủy sản, năm 2012 sản lượng thủy sản nước ngọt của tỉnh đạt 26.994 tấn (tương đương năm 2011) mặc dù đã thất thoát 500 – 600 tấn do bão số 8. Thế mạnh của vùng nuôi nước ngọt là cá truyền thống: trôi, mè, trắm, chép… đem lại hiệu quả kinh tế khá, ít rủi ro. Hai đối tượng nuôi vùng nước ngọt cho hiệu quả cao trong năm 2012 là cá rô phi đơn tính đực và cá lóc bông. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nuôi rô phi đơn tính đực tập trung tại khu vực nội đồng như: xã Hải Châu (Hải Hậu), xã Nam Vân (TP Nam Định), xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… với các tổ, đội sản xuất, cung ứng nguồn giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm khá hoàn chỉnh. Song khó khăn nhất trong nuôi cá rô phi đơn tính đực ở tỉnh ta là chưa chủ động được nguồn giống tốt. Cá lóc bông là đối tượng dễ nuôi, tốc độ lớn nhanh, có thể nuôi với mật độ dày, chủ động nguồn thức ăn, thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, năm 2012 có nhiều giống mới, giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi thương phẩm, làm tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế như ba ba, cá sấu, ếch Thái Lan, cua đồng, cá rô đồng, cá lăng chấm… Điển hình trong nuôi thủy sản nước ngọt là hộ ông Tráng ở xã Hải Hòa (Hải Hậu) nuôi cá rô đồng, cá lăng chấm cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm; Cty TNHH một thành viên Đông Hải nuôi ba ba; hộ ông Hạnh, xã Hải Châu (Hải Hậu) nuôi cá diêu hồng; hộ ông Hiền, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) ương, nuôi cá giống; hộ ông Việt, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) nuôi cá lóc bông, rô đồng, trắm đen… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha trong năm 2012.
Đồng chí Nguyễn Quang Trực, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Định cho biết: Nuôi trồng thủy sản ở tỉnh đang phát triển bền vững theo hướng thâm canh, được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và chủ động ứng phó với biến đổi thời tiết. Đặc biệt trong 10 năm gần đây UBND tỉnh đã đầu tư trên 500 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng của 40 dự án chuyển đổi các vùng trồng cói, làm muối, cấy lúa… kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với hàng nghìn tỷ đồng của các hộ nuôi đầu tư đào, nạo, vét, cải tạo ao nuôi, mua sắm trang thiết bị… Ngành NN và PTNT, các hiệp hội, tổ đội, HTX, các đoàn thể… đã chung tay cùng các vùng nuôi, các hộ nuôi đưa tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi vào sản xuất. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đầu tư trên 23 tỷ đồng hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh; trong đó, ngân sách Nhà nước 2,5 tỷ đồng và trên 20 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác, nên giống thủy sản được sản xuất tại chỗ đáp ứng đủ yêu cầu cho các hộ nuôi, vùng nuôi với tất cả các loại giống cá, tôm, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… Năm 2012, toàn tỉnh có 52 trại sản xuất giống thủy sản (32 trại giống hải sản, 20 trại giống thủy sản nước ngọt) đã sản xuất được 8.478 triệu con giống thủy sản các loại, tăng 3.368 triệu con so với năm 2011, bằng 166%. Riêng giống hải sản tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Năm 2013 đã có những hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh áp dụng công nghệ cao chủ động nuôi thủy sản sạch ít bị tác động của thời tiết, khí hậu, môi trường…, thực sự là tín hiệu vui cho ngành sản xuất thủy sản trong tỉnh.