T2, 06/07/2020 10:10

Nam Định: Trở lại vùng nuôi tôm chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau bão số 8, chúng tôi trở lại vùng nuôi tôm chân trắng xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Vùng nuôi tôm ngổn ngang với những hàng cột điện hạ thế đổ. Lưới chống chim, lưới chống cua, bạt trải bờ… cuộn lại từng đống, vo tròn khắp bờ. Chòi canh tốc mái, dàn quạt nước cái gẫy, cái cong vênh… chờ sửa chữa… Trên vùng nuôi, người khiêng cột điện hạ thế, tốp dựng, chôn cột điện; người thu dọn lưới chống chim, ngăn cua, người đang cải tạo ao, đầm nuôi.

Ba tháng trước, hàng trăm hộ nuôi tôm chân trắng của các xã: Giao Phong, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm thu hoạch vụ tôm đầu tiên trong năm thắng lợi. Hộ thu kém cũng đạt 6-7 tấn tôm thương phẩm mỗi ha nuôi. Cả 68ha của HTX nuôi trồng thuỷ sản I Giao Phong đều đạt năng suất hiệu quả cao bởi toàn bộ vùng nuôi áp dụng phương pháp nuôi bền vững theo tiêu chuẩn quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP), an toàn dịch bệnh (CoC). Các hộ tuân thủ tốt quy trình, kỹ thuật, quản lý dịch hại và luôn đề cao trách nhiệm cộng đồng bảo vệ vùng nuôi theo quy ước đã xây dựng. Chính vậy năng suất bình quân vụ 1 nuôi của toàn HTX đạt 8 tấn/ha. Không ít hộ đạt năng suất cao tới 12 tấn/ha như gia đình anh Cao Đắc Hải, Cao Đắc Hiểu, Mai Văn Hoán… thậm chí có hộ đạt năng suất 14 tấn/ha, tương đương với vụ nuôi thứ 2 trong năm. Theo các hộ nuôi, tôm chân trắng lãi suất thấp cũng đạt 50% tổng thu – nghĩa là 1kg tôm thương phẩm bán ra 120 nghìn đồng thì người nuôi lãi 60-80 nghìn đồng. Với bình quân 8 tấn tôm/ha nuôi vụ 1 của Giao Phong thì người nuôi “bỏ ống” 480-640 triệu đồng/ha sau vụ nuôi thứ nhất. Với những hộ đạt năng suất cao 12-14 tấn/ha thì lãi suất đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha. Chính vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm đã về học tập và Giao Phong cũng cử không ít “chuyên gia” về các vùng nuôi hướng dẫn cho các hộ, các tổ nuôi tôm theo hướng bền vững, an toàn. Các hộ dân ở đây đang phấn khởi, chuẩn bị thu hoạch tôm ở vụ nuôi thứ 2 trong năm nhưng cơn bão số 8 trái quy luật đã gây tổn thất khá lớn cho đầm nuôi và các hộ nuôi. Cả HTX nuôi trồng thuỷ sản I Giao Phong thất thoát khoảng 100 tấn tôm đã đến kỳ nhưng chưa thu hoạch kịp. Nếu tính theo thời giá hiện tại, cả HTX mất 13 tỷ đồng. Nhưng thiệt hại lớn nhất là cơ sở vật chất phục vụ cho nuôi như: bạt, bờ, chòi, hệ thống điện hạ thế, lưới chống chim, lưới chống cua, dàn quạt nước, máy nổ… hư hại phải khôi phục lại khoảng 15 tỷ đồng.

Nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) cải tạo ao đầm nuôi tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) cải tạo ao đầm nuôi tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Do kết thúc vụ nuôi thứ nhất sớm nên vụ thứ 2 hầu hết xã viên HTX nuôi trồng thuỷ sản I Giao Phong đều xuống tôm nuôi cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2012. Đến cuối tháng 10, nhiều hộ nuôi đạt 50 con/kg, còn hầu hết 70-90 con/kg. 35/63 hộ đã thu hoạch gọn tôm nuôi vụ thứ 2 với giá bán khá 170-180 nghìn đồng/kg. Non nửa số xã viên HTX phần vì cố nuôi thêm một thời gian để trọng lượng tôm lớn hơn, giá cao hơn, năng suất cao hơn; một phần chờ giá lên mới thu hoạch… Anh Cao Văn Trình tâm sự: “Ai ngờ đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 lại còn bão lớn như vậy. Xót quá nhưng biết làm sao(?)”.

Bài học mà người nuôi thuỷ sản ở xã Giao Phong rút ra sau cơn bão số 8 đó là luôn cảnh giác đề phòng trước diễn biến của thiên tai. Khi tôm nuôi đã “đủ tuổi” đến kỳ thu hoạch nên thu hoạch nhanh, nhất là khi khí tượng thuỷ văn thông báo có bão khả năng đổ bộ vào khu vực tỉnh ta và các tỉnh lân cận. Cải tiến bờ ao nuôi, trên bờ xây bờ bò thẳng đứng cao khoảng 50cm để thay lưới chống cua, đồng thời giữ được tôm ở lại trong đầm khi gặp gió to, sóng lớn. Bố trí các vị trí thoát nước mưa ở bờ, thoát nước mặt ở ao hợp lý sao cho khi gặp mưa lớn nước mưa không chảy xuống ao và cơ bản thoát hết nước mưa trên mặt ao để tôm nuôi không bị xốc. Xây dựng ao nuôi nhỏ hơn, mỗi ao chỉ rộng 2.000m2 là thích hợp để dễ chăm sóc, kiểm tra và khi gặp gió to mặt ao ít tạo sóng và sóng nhỏ, tôm nuôi không bị sóng đánh dạt, gây thất thoát. Cải tiến phương pháp xi phông đáy ao, bảo đảm đáy ao luôn luôn sạch không còn tồn dư chất thải và thức ăn thừa gây ô nhiễm nguồn nước cũng như không sinh ra các loại khí độc hại (H2S, NH3…) ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm nuôi…

Nuôi tôm chân trắng đầu tư lớn, lãi cao, thời gian nuôi ngắn mỗi năm 2-3 lứa; nếu có mất 1 lứa thì vẫn còn kéo lại 1-2 lứa trong năm không lỗ! Con tôm chân trắng vẫn là con nuôi chủ lực ở vùng này và là con nuôi để người nuôi làm giàu. Những kinh nghiệm nuôi sao cho hiệu quả kinh tế cao, tôm nuôi không bệnh tật, cách chữa bệnh không dùng kháng sinh, tiêu chuẩn VietGAP, trách nhiệm trong cộng đồng nuôi, cách ghi chép sổ sách… cũng được trao đổi ngay trong quá trình sản xuất. Còn anh Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) thì đau đáu làm sao để mỗi năm nhân rộng mô hình nuôi bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng xử nuôi có trách nhiệm bảo đảm lợi ích bền vững về môi trường, xã hội, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh, an toàn dịch bệnh… cho cả vùng nuôi của Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Làm sao cả 300-400ha nuôi tôm của tỉnh ta đều áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, CoC hiệu quả, bền vững.

Tất Thắc

Báo Nam Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!