(TSVN) – Để bảo vệ hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học của Việt Nam, từ ngày 15 – 17/5/2024, chương trình “Họp tham vấn – Tập huấn tích hợp nâng cao năng lực cho mạng lưới khu bảo tồn biển, vườn quốc gia và Chi cục Thuỷ sản Việt Nam” diễn ra tại Bình Thuận.
Chương trình do Hội Thuỷ sản Việt Nam, Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Greenhub tổ chức.
Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi đang diễn ra nghiêm trọng, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm, tài nguyên biển bị khai thác quá mức.
Các đại biểu tham dự chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, nguy cơ ô nhiễm môi trường biển luôn hiện hữu đến từ rất nhiều hoạt động của con người. Các hệ sinh thái biển có thể bị suy thoái nghiêm trọng do khai thác quá mức các nguồn lợi thủy sản. Xu hướng quần thể của nhiều loài động vật cũng đang suy giảm, ngày càng có nhiều loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Các quốc gia cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bền bỉ hơn nữa để vừa khai thác, vừa bảo tồn môi trường biển. “Do vậy, chuỗi các hoạt động trong chương trình lần này là dịp quan trọng nhằm nâng cao năng lực mạng lưới khu bảo tồn biển, vườn Quốc gia và Chi cục Thủy sản cả nước, góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến môi trường biển, đa dạng sinh học và quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển.” PGS.TS Chu Hồi nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình
Theo Nguyễn Đức Thế, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, hoạt động giám sát rác thải nhựa trên bãi biển được thực hiện từ năm 2019 – 2023, duy trì 6 tháng một lần tại nhiều địa điểm. Thống kê từ các hoạt động thu gom cho thấy, rác thải nhựa có nguồn gốc từ các hoạt động liên quan đến ngành thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (chỉ tính riêng năm 2022, nhóm này chiếm 49,5% về số lượng và 51,5% về khối lượng), tiếp theo là rác thải nhựa sinh hoạt.
Ước tính trong suốt 5 năm qua đã có hơn 2.000 lượt cán bộ và tình nguyện viên tham gia hoạt động thu gom rác thải nhựa đại dương. Đáng chú ý tại nhiều địa điểm, hoạt động này đã tạo thành phong trào làm sạch bãi biển định kỳ, điển hình như tại Nha Trang, Phú Quốc. Kết quả bước đầu này là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý chuyên ngành của Trung ương và địa phương có các giải pháp và chính sách phù hợp.
Thống kê của IUCN về rác thải nhựa được tìm thấy tại một số bãi biển của Việt Nam năm 2021
Để quản lý rác thải nhựa đại dương hiệu quả, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế đề xuất Cục Thuỷ sản có chương trình truyền thông lâu dài đối với hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa từ các hoạt động thủy sản; Nghiên cứu chuyển đổi vật liệu thân thiện với môi trường cho ngành thuỷ sản; Tiếp tục có chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ thuật khảo sát và thu mẫu với thiết bị lặn SCUBA; Phối hợp với Ban quản lý cảng, Chi cục thủy sản tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp với ngư dân neo đậu tàu trong cảng,…
Trong chương trình, từ ngày 15 – 16/5 sẽ diễn ra hoạt động họp tổng kết về giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô, phổ biến quy chế mới và thảo luận với mạng lưới khu bảo tồn biển về các nội dung liên quan đến Danh lục xanh và Tín chỉ carbon xanh; Họp tham vấn về cơ chế tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia và thảo luận về giảm thiểu hoạt động đánh bắt không chủ ý và thành lập Mạng lưới quan trắc về Đánh bắt không chủ ý. Ngày 17/5, đại diện các bên sẽ tham gia thực hành hoạt động cứu hộ rùa biển và động vật biển bị đánh bắt không chủ ý tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận.
Thùy Khánh