Năng lượng mặt trời: Nâng cao cạnh tranh cho tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Số liệu của ngành điện lực, điện năng cung cấp cho nuôi tôm công nghiệp ở ĐBSCL những năm gần đây tăng rất cao: năm 2016 tăng 77,29%, năm 2017 tăng 40,61%, năm 2018 tăng 11,06% và dự kiến năm 2019 tăng 11,5%. Cung cấp điện cho nuôi tôm gặp nhiều khó khăn và đang mở ra cơ hội đầu tư năng lượng mặt trời (NLMT) để hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhu cầu điện tăng nhanh

Nghiên cứu của Hội Nghề cá Việt Nam, năng lượng điện chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư cho vụ nuôi tôm; cụ thể, từ 50 – 200 triệu đồng ha/vụ và khoảng 10 – 30% diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh bị thiếu điện; trong nuôi tôm, điện dùng bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác. 

Điện sử dụng nuôi tôm có điện sản xuất 1 pha và 3 pha, điện sinh hoạt 1 pha (3 pha hiệu quả kinh tế hơn 1 pha). Trong nuôi TTCT ao lót bạt và ao đất, hiệu suất sử dụng điện của ao lót bạt là 5.085,1 đồng/kg tôm, ao đất là 4.513,72 đồng/kg tôm. Nuôi tôm sú thâm canh tiêu tốn điện gấp khoảng 25 – 30% các mức trên, còn nuôi quảng canh cải tiến không sử dụng điện trực tiếp cho nuôi tôm. Hiện nay, người nuôi còn gặp khó khăn về thiếu nguồn điện 3 pha và điện áp chưa ổn định.  

Thống kê ở 10 tỉnh phía Nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận), năm 2017 nuôi hơn 428.495 ha, sử dụng khoảng 11.980 triệu kWh. Quy hoạch nuôi tôm năm 2020 tăng lên 651.266 ha và lượng điện tiêu thụ sẽ tăng khoảng 30%.

 Còn theo Quyết định 79/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu điện năng cần cung cấp thêm cho nuôi tôm sú thâm canh là 209,98 triệu kWh vào năm 2020 và 322,65 triệu kWh vào năm 2025. Cho nuôi TTCT nếu tăng diện tích ao lót bạt là khoảng 2.367,55 triệu kWh vào năm 2020 và 6011,29 triệu kWh năm 2025; trường hợp chỉ tăng ao đất sẽ cần 421,82 triệu kWh vào năm 2020 và 1.071,01 triệu kWh vào 2025.

Sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trong ao nuôi tôm – Ảnh: ST

 

Khó khăn và tiềm năng

Cấp điện cho nuôi tôm đang gặp những khó khăn chính: Quy hoạch thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng giữa cấp điện, sử dụng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường; đa số các hộ nuôi tôm sử dụng điện thắp sáng để chạy động cơ cấp ôxy cho tôm, gây tổn thất lớn. Mùa thả tôm nuôi đồng loạt làm cho phụ tải tăng đột biến, quá tải cục bộ.

Tiềm năng NLMT tại Việt Nam rất cao, nhất là từ Ninh Thuận trở vào, trừ những ngày mưa rào, còn hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng NLMT để sản xuất điện. Năm 2015, Chính phủ đã định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, nguồn NLMT được đánh giá là sự phát triển bền vững cho đất nước. 

Sử dụng NLMT, người nuôi tôm sẽ chủ động trong việc cấp điện cho sản xuất, lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia ngành điện sẽ mua với giá quy định của Nhà nước; cùng đó, tận dụng mặt đất, mặt nước trong nuôi tôm để xây dựng công trình giá trị gia tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

 Nghiên cứu của ThS Nguyễn Vĩnh Khương, kỹ sư Giải pháp Trí tuệ nhân tạo, hộ nuôi tôm sử dụng NLMT có nhiều lợi ích. Đó là giảm nhiệt độ cho ao nuôi tôm; tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tăng tính ổn định; tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt; thể hiện sự hiện đại của công trình và góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển xanh – bền vững. Mặt khác, đầu tư hệ thống NLMT tại vùng nuôi tôm phù hợp với điều kiện thực tế sẽ khai thác có hiệu quả cao tiềm năng thiên nhiên.

 

Vướng mắc và tháo gỡ

Chủ yếu vướng mắc trong cơ chế đầu tư, chưa có quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về các thiết bị điện NLMT; chưa có đơn vị thực hiện chức năng xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thiết bị; chưa có quy định về xây dựng đảm bảo an toàn, thẩm mỹ khi lắp đặt điện NLMT. Cơ chế khuyến khích còn hạn chế, chưa quy định cụ thể: Chưa có cơ chế khuyến khích đối với nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia đầu tư điện NLMT để bán lên lưới.

Để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho sự phát triển bền vững hệ thống NLMT trong nuôi tôm rất cần sự hợp tác đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh việc giới thiệu nhà cung cấp uy tín để kêu gọi khách hàng đầu tư. Ngành điện xây dựng thí điểm mô hình để đánh giá hiệu quả và quảng bá đến khách hàng (dự kiến triển khai trong quý III/2019), từ đó kết nối các doanh nghiệp đầu tư NLMT với các hộ nuôi tôm. Ngành điện sẵn sàng lắp đặt công tơ 2 chiều, ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng, hàng tháng ghi chỉ số điện NLMT phát lên lưới rõ ràng và thanh toán tiền đầy đủ.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) đang có chương trình hỗ trợ tài chính 10.000 tỷ đồng, dành cho các khách hàng doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án điện mặt trời (chủ đầu tư, nhà thầu dự án), thời gian triển khai đến hết ngày 31/12/2020.

 >> Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Nguyễn Văn Nhiệm kiến nghị: “Vào thời 4.0, các quy trình kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến cần đưa lên mạng như Youtube để kịp thời giúp người nuôi tôm và khi nhiều người vào xem còn tạo ra nguồn kinh phí nghiên cứu tiếp. Việc triển khai điện mặt trời trên ao nuôi tôm để hạ giá thành, tăng lợi nhuận cũng cần thiết đưa lên mạng để phổ biến rộng rãi”.

 Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!