T2, 06/07/2020 11:56

Ngậm ngùi làng nghề “đệ nhất lọp” miền Tây

Chưa có đánh giá về bài viết

Với người dân cồn Cóc trên vùng biển Phước Hưng (huyện An Phú, An Giang), bên cạnh nghề nông, nghề đan lọp đã là nghề truyền thống. Nhưng ít ai ngờ, đến một ngày, cái cồn nhỏ với bao thế hệ lớn lên từ những chiếc lọp lại đứng trước nguy cơ mất “cần câu cơm”…

Kỳ khu nghề lọp

Nghe anh bạn đồng nghiệp của tôi, dân miền Tây cứng cựa, nhắc về lịch sử nghề đan lọp cồn Cóc – nơi được mệnh danh “đệ nhất lọp”, chuyên cung cấp loại vũ khí đánh bắt cá tôm độc đáo cho cả miền Tây, ông Sáu Ngang dừng tay đan, hào hứng bắt chuyện. Ông bảo, theo nghề đan lọp từ khi tóc còn để chỏm, đến giờ ông vẫn thấy nghề đan lọp lắm sự kỳ khu, phải có “tay” mới làm được. Cũng lấy tre làm nguyên liệu chính như bao công cụ đánh bắt khác, nhưng chiếc lọp phải được “chế tác” thật khéo léo và tỉ mỉ mới có thể lừa tôm cá dẫn xác vào nộp mạng. Toàn bộ quá trình làm nên chiếc lọp, từ loại to bằng nắm tay cho đến những chiếc cỡ cái thúng, tùy người sử dụng, không phải ai cũng thành thạo đến độ tinh vi. Vừa hướng dẫn chúng tôi quan sát “cửa vào” cũng như “cửa ra” của cá tôm sau khi người đánh bắt bắt trút lọp, ông Sáu Ngang vừa giải thích: “Cái khó nhất của lọp là làm hom. Cá tôm có vào lọp hay không là ở chỗ hom này. Phải vừa mềm vừa bóng, sao cho các nan chụm đều kín khít. Nếu không đủ các yếu tố đó thì cá tôm sẽ vào ra như đi chợ, có nghĩa việc dậy sớm thức khuya của người đặt lọp sẽ trở thành công cốc…”.

Người dân cồn Cóc đã gắn bó lâu đời với nghề đan lọp – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Cũng nhiệt tình đưa chúng tôi vào “mối tình” với những chiếc lọp, nhưng ông Út Tòng, một người làm nghề có thâm niên lại hướng những vị khách tò mò vào cuộc sống của những thế hệ lớn lên bằng đồng tiền chắt chiu từ những chiếc lọp của vùng cồn Cóc. Ông bảo, thực ra, trừ những công đoạn khó chỉ dành cho người già gắn bó lâu năm với nghề, các việc còn lại, trẻ con, người lớn ở cồn Cóc đều thạo. Cách đây mươi năm, lọp do người cồn Cóc làm ra không chỉ tiêu thụ trong vùng mà còn xuất bán sang tận Campuchia, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Thời bấy giờ, người ta đua nhau làm lọp, từ trong nhà, ngoài sân, đến cả trên lưng bò khi chăn thả ngoài đồng.”Điều lạ lùng là nhiều nơi ở An Giang nói riêng, vùng miền Tây nói chung cũng có người làm nghề đan lọp nhưng không đắt khách, vì người mua cho rằng chỉ có lọp cồn Cóc thì cá tôm mới vào nhiều…” – Ông Út Tòng bày tỏ niềm tự hào.

 

Nổi nênh theo con nước

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Út Tòng bất chợt thở dài: “Mùa nước nổi được xem là mùa làm ăn của người cồn Cóc. Cứ độ này hằng năm, tụi tui tất bật lo cho thời vụ mới. Nhưng mấy năm qua, lượng cá tôm miền Tây giảm mạnh, nên nghề đan lọp cũng nổi nênh theo đó lao đao. Từ hơn trăm hộ làm nghề, bây giờ cả cồn Cóc chỉ còn mươi hộ sống nhờ những cái lọp. Mùa lũ sắp bắt đầu, vẫn chẳng mấy ai mua. Có lẽ, hết đời mình cũng sẽ chấm dứt nghề này của ông cha…”. Nghe ông Út Tòng than thở, anh Ba Hùng, một khách hàng ruột, nhà ở miệt Nhơn Hội đế vào: “Nghề đan lọp sẽ tới đâu trong tương lai thì tôi không dám chắc, nhưng có một điều chắc chắn là các loài thủy sản, đặc biệt là cá linh đang hiếm dần vì lũ ngày càng nhỏ, kèm theo đó là tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt khiến cá tôm miền Tây ngày càng khan hiếm…”.

Tìm sinh kế mới để thế chân nghề lọp đang là câu hỏi khó

Theo chân anh Ba Hùng dạo một vòng trên cánh đồng ven biên giới giáp Campuchia, chúng tôi đã thấu phần nào sự tiếc nuối của những “cao nhân” trong nghề lọp cồn Cóc. Thì ra, nguy cơ làng nghề bị mai một là do con tạo xoay vần, khiến người dân miền Tây mỏi mòn chờ nước nổi. Trước đây, những chiếc lọp của dân vùng này có mặt khắp nơi, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ ở đây; thế nhưng, việc lũ về muộn hoặc lũ nhỏ không chỉ mất đi nguồn phù sa bồi đắp, mà còn làm thất thoát nguồn lợi thủy sản, khiến người dân không còn được khấp khởi đánh ghe xuồng đi đánh bắt cá tôm mỗi khi nước nổi tràn đồng. Những “mùa bạc” ra đi cũng đã kịp chôn vùi tiếng chặt, tiếng cưa tre cùng những ngón đan điêu luyện để làm nên những chiếc lọp nổi tiếng ở vùng sông nước này, để cả làng lại hì hụi cuốc bấu trồng tỉa với vốn quỹ đất ít ỏi. Chia tay với lũ là đối mặt ngay với những khó khăn, nhưng tìm một sinh kế mới để thế chân nghề lọp quả là câu hỏi không dễ trả lời cho dân cồn Cóc cũng như lãnh đạo ở đây.

>> Nếu như con heo, con gà là “của bỏ ống” thì những chiếc lọp đã giúp cho người cồn Cóc sinh kế hằng ngày. Thời hưng thịnh, mỗi ngày một người đan được vài chục chiếc lọp, giá từ một đến vài chục ngàn đồng, thì mỗi sớm mai thức dậy, các hộ làm nghề đã có thể cung cấp cho thị trường cả ngàn chiếc với số tiền thu về không ít..

Lâm Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!