T3, 14/09/2021 09:01

“Được lòng” thị trường EU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2021, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường; trong đó, sản phẩm ngao chiếm tỷ trọng cao nhất.

Chuộng sản phẩm chế biến tiện lợi

Số liệu từ VASEP, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sang EU 6 tháng đầu năm 2021 đạt 36,9 triệu USD, tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái. Nếu như quý I/2021, xuất khẩu mặt hàng này sang EU chỉ tăng trưởng 11% thì sang quý II/2021 đã tăng 56% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang EU liên tục tăng trưởng 2 con số trong tất cả các tháng của quý II/2021.

Trong cơ cấu sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam xuất khẩu sang EU, ngao chiếm tỷ trọng cao nhất, gồm các sản phẩm như ngao nâu, ngao trắng, ngao lụa dưới dạng luộc, hấp, nguyên con. Đây đều là những sản phẩm chế biến sẵn, tiện lợi trong mùa dịch COVID-19, hơn nữa lại có giá cả phù hợp. Chính những yếu tố đó cộng thêm việc chế biến, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu đã thúc đẩy giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU tăng trưởng tốt nửa đầu năm 2021.

Cũng theo VASEP, 6 tháng đầu năm nay, trong khối EU thì Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 3 thị trường nhập khẩu đơn lẻ chính nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ Việt Nam, chiếm tỷ trọng lần lượt là 21%, 17% và 12%; giá trị lần lượt đạt 13 triệu USD, 10 triệu USD và 7 triệu USD, tăng 19 – 76% so cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn còn “rộng cửa”

Cùng với thị trường Mỹ, EU đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, nhuyển thể hai mảnh vỏ nói riêng. Mặc dù sự hồi phục kinh tế của khối thị trường này chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ đang chuyển biến rõ rệt khi dịch COVID-19 dần được khống chế. Các nhà nhập khẩu EU có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định. Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang EU được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

Đồng nhận định, FAO cho rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra, triển vọng đối với động vật hai mảnh vỏ vẫn tích cực. Năm nay có thể sẽ chứng kiến ​​sự phục hồi trong sản xuất, thương mại và nhu cầu hai mảnh vỏ. Khi vaccine COVID-19 được tung ra và lĩnh vực HORECA (cung cấp thực phẩm/đồ uống cho ngành nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ ăn uống liên quan khác) mở cửa trở lại thì giá nhuyễn thể hai mảnh vỏ có thể sẽ tăng, vì cầu sẽ cao hơn cung.

Động vật có vỏ như hàu, vẹm, ngao, sò và sò điệp (nhuyễn thể hai mảnh vỏ) thường được khai thác từ các vùng nước được phân loại là “loại A” hoặc “loại B”. Vùng nước “loại A” nghĩa là động vật có vỏ được khai thác từ những vùng nước có chất lượng tốt và chúng có thể được xuất khẩu sang EU mà không cần được làm sạch/tinh chế; trong khi vùng nước “loại B” nghĩa là động vật có vỏ phải được làm sạch trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Các nhà xuất khẩu trước đây đã xuất khẩu động vật có vỏ “loại B” sang EU và bắt đầu tinh chế tại đây.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, vì lý do sức khỏe cộng đồng, EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ Vương quốc Anh, nơi chủ yếu sản phẩm 2 mảnh vỏ thường được khai thác ở vùng nước “loại B”. Do đó, đây lại chính là cơ hội cho nhiều thị trường khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang EU. Nhưng điều này mặt khác cũng cho thấy, thị trường EU khá khó tính về mặt chất lượng sản phẩm. Mặt khác, xét trên khía cạnh tích cực thì những khó khăn của thị trường EU cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam xem lại và cải thiện chiến lược kinh doanh của mình.

Dù còn nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang EU nhưng các nhà xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng tại thị trường này vì nền kinh tế của một số nước trong khối tương đối mạnh. Nhưng khai thác tốt thị trường EU không phải là chuyện dễ. Doanh nghiệp của Việt Nam phải biết đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, kết hợp cạnh tranh bằng giá và tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề liên quan đến pháp lý, ưu đãi thuế quan… tại từng quốc gia trong khu vực, có như vậy mới mong gặt hái được thành công.

>> Hiện nay, có một số công ty lớn của Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm ngao sang EU như: Công ty CP XNK Thủy sản Thanh Hóa; Công ty TNHH Minh Đăng; Công ty CP Thủy sản Bến Tre; Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam… Bằng việc chú trọng xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu, các nhà xuất khẩu đều đặt mục tiêu hướng đến chiếm lĩnh thị trường giàu tiềm năng này.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!