T4, 16/11/2022 09:30

Nghề vá lưới miền biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nghề vá lưới được hình thành cùng với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân. Đây cũng là nghề truyền thống, công việc mưu sinh hàng ngày của nhiều người dân vùng biển.

Tăng thu nhập

Sau những đợt ra khơi dài ngày trở về, lưới đánh bắt cá của ngư dân thường bị rách do vướng phải đá ngầm, san hô hoặc sợi cước bị mục vì sử dụng lâu ngày. Vì vậy, sau mỗi chuyến biển, các chủ tàu lại thuê thợ vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Những lúc tàu về bến đông đúc, nhu cầu vá lưới càng tăng. Vì vậy, nghề vá lưới hình thành cùng với nghề đánh bắt thủy sản. Đa số các chủ tàu đánh bắt thủy sản đều tự làm lưới thủ công để việc đánh bắt đạt hiệu quả và độ bền lâu hơn.

Lao động tham gia nghề này đa số là phụ nữ. Để hành nghề, họ lập thành từng nhóm từ 10 đến 15 người. Cứ mỗi khi tàu về, chủ tàu gọi là họ có mặt để vá lưới. Công việc của những người thợ thường bắt đầu từ 7h sáng đến 16h chiều, mỗi người chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục công việc. Tùy theo tình trạng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như: cột lại viền lưới, vá lưới, cột phao… Thông thường mỗi tàu cá, nhóm thợ vá từ 3 đến 5 ngày mới xong. Tiền công tính theo ngày, trung bình khoảng 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày.

Hiện tại, trên địa bàn thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau mỗi ngày có từ 70 – 100 lao động (chủ yếu là chị em phụ nữ) tham gia đan vá lưới thuê. Chị Nguyễn Thị Diệu, khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm đã gần 15 năm mưu sinh bằng nghề vá lưới thuê cho biết, chồng đi làm thuê cho ghe biển, thu nhập bấp bênh, cũng nhờ vá lưới mà chị có tiền trang trải cuộc sống, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Tương tự, chị Lê Thị Thanh Thảo, ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm cũng có gần 10 năm tham gia vá lưới. Thấy có thu nhập ổn định từ vá lưới nên chị Thảo đã học làm theo. Với thu nhập từ vá lưới, chị Thảo có tiền trang trải trong sinh hoạt gia đình, lo cho hai con ăn học tốt hơn.

Những người làm nghề vá lưới cho biết, đây là nghề dễ học, dễ làm, nhưng muốn trở thành thợ giỏi, để được chủ ghe gọi thường xuyên thì người thợ phải tinh mắt, tỉ mỉ, sắc sảo trong từng mũi vá. Nghề này chẳng có trường lớp nào đào tạo, chủ yếu là người biết hướng dẫn cho người chưa biết, nghề dạy nghề, làm nhiều thành quen. Những năm gần đây, khi các chủ tàu đi đánh bắt hải sản ở các vùng biển theo mùa, thường cập cảng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Những lúc như vậy, để tân trang lại ngư lưới cụ, các chủ tàu đều thuê xe đưa nhóm thợ đến tận nơi để vá lưới.

Không ít gian nan

Vá lưới biển tuy công việc nhẹ nhàng nhưng cần tỉ mỉ, đòi hỏi người vá lưới phải ngồi từ sáng đến chiều tối, mình mẩy ê ẩm. Khi vá phải tập trung đôi mắt nên người làm rất mỏi mắt. Tùy theo từng loại lưới mà dùng các loại dây nhợ để vá các ô lưới. Sau khi vá xong dùng dây nhợ kết nối các đoạn lưới lại với nhau thành một tấm lưới hoàn chỉnh. Công việc nhẹ nhàng nên thu nhập cũng không cao.

Như bà Nguyễn Thị Dân (53 tuổi, ở tổ 2, thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề vá lưới thuê cho biết, ai bảo vá lưới là sướng, ngồi suốt cả ngày, lưng khom, chân thẳng, tay phải làm việc liên tục, công việc nhàm chán… Đôi khi ngồi bên bờ biển chỉ có những tấm bạt cũ che tạm cái nắng, mà cái nắng của miền biển thì nóng như đổ lửa. Công việc này cũng chính là nguyên nhân gây nên các bệnh đau lưng, thoát vị đĩa đệm, đau khớp, mỏi mắt… cho nhiều người theo nghề.

Còn nhiều chủ tàu nhận xét, đan vá lưới đòi hỏi người làm phải thuần thục việc cát mặt lưới rồi ráp lại thành gián lưới lớn, hoặc biết cách ghép chúng lại, sửa những mảng rách lớn. Tuy nhiên, hầu hết người đan vá lưới ở các địa phương vùng ĐBSCL đều không có hợp đồng lao động dẫn đến việc không được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Bên cạnh đó, nhưng nghề này không diễn ra thường xuyên, mỗi tháng làm được vài ngày vào những tuần trăng, tàu thuyền không ra khơi nên nếu phụ thuộc vào nghề thì cuộc sống rất bấp bênh.

Bùi Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!