Mô hình nuôi tôm càng xanh – lúa hiện nay được đánh giá là hình thức canh tác thông minh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đem lại lợi nhuận cả trăm triệu đồng/ha/vụ, hơn nhiều lần so với trồng lúa đơn thuần.
Trên thế giới có khoảng 10 quốc gia nuôi tôm càng xanh. Ở nước ta, tôm được nuôi ở ĐBSCL cho sản lượng và chất lượng thịt cao hơn so với những vùng khác.
Ngày 18/12 tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tổng kết 3 năm (2016-2018) thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi”. Dự án được thực hiện trên tổng diện tích 300ha, với sự tham gia của 233 hộ dân tại 7 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, thực hiện 15 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa (4 mô hình nuôi luân canh và 11 mô hình nuôi xen canh).
Lãi hơn trăm triệu đồng/ha
Ông Nguyễn Văn Chung ở huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) cho biết năm 2018, ông tham gia mô hình với diện tích 10.000m2, tổng chi phí đầu tư hơn 168 triệu đồng (trong đó, đầu tư con giống hết 42 triệu đồng, vật tư 75 triệu, công chăm sóc hơn 30 triệu đồng…)
Kết quả cuối vụ, ông Chung thu hoạch 1.400kg tôm, bán với giá 210 ngàn đồng/kg, tổng thu đem lại 294 triệu đồng, trừ chi phí, ông lãi hơn 125 triệu đồng. Theo ông Chung, nuôi tôm càng xanh toàn đực có năng suất và lợi nhuận cao hơn so với nuôi tôm càng xanh thường. Người nuôi tôm cần chủ động chuẩn bị con giống chất lượng, liên kết với nhau để tìm kiếm đầu ra ổn định.
Còn ông Lâm Quốc Tuấn (xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) tham gia mô hình với diện tích 2ha, đến thời điểm này, sau gần 6 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ khoảng 28 con/kg, tỷ lệ sống khoảng 70%. Dự kiến giữa tháng 1/2019, gia đình ông Tuấn sẽ thu hoạch cả lúa và tôm.
Theo ông Tuấn, năng suất lúa năm nay có thể đạt 4,9 tấn/ha, sản lượng 6.900kg; còn tôm có thể đạt 0,92 tấn/ha, sản lượng gần 1.900kg. Ông Tuấn ước tính, tổng chi phí đầu tư cho mô hình gần 178 triệu đồng, tổng doanh thu sẽ đạt gần 380 triệu đồng, lợi nhuận sẽ hơn 201 triệu đồng, trong đó lợi nhuận từ tôm ước đạt hơn 172 triệu đồng.
“Tôm có tỷ lệ sống và tăng trưởng cao hơn đáng kể so với giống tôm càng xanh nhân tạo thông thường và giống tôm tự nhiên, khá dễ nuôi và không nhiều công chăm sóc… Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ hiện nay vẫn còn gặp khó, giá bán còn thấp, thu mua thì nhỏ lẻ” – ông Tuấn nói.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết sau 2 năm thực hiện, các hộ tham gia mô hình có năng suất lúa tăng 10%, sản lượng tôm tăng 30% so với các hộ ở ngoài mô hình do áp dụng kỹ thuật. Mô hình đã tạo lợi nhuận cao hơn 40 – 50 triệu đồng/ha so với những hộ ngoài mô hình, mở ra hướng canh tác mới, thân thiện với môi trường…
Theo ông Nguyễn Quang Hạnh (chuyên viên Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chủ nhiệm dự án), kết quả dự án cho thấy việc nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa rất phù hợp với các hộ nông dân có điều kiện kinh tế vừa phải, không có vốn đầu tư lớn. Các hộ nuôi theo mô hình dự án nếu đầu tư 77 triệu đồng/ha, mỗi vụ sẽ thu được 150 triệu đồng, tức có lãi 73 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận 0,94). Trong khi sản xuất theo cách truyền thống, đầu tư 53 triệu chỉ có thể thu lợi nhuận 35 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận 0,65).
Tham quan mô hình tôm – lúa tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Tiềm năng còn rất lớn
Tiềm năng phát triển nuôi tôm càng xanh của Việt Nam rất lớn, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Diện tích nuôi tôm càng xanh hiện tại gần 26.900ha (chiếm 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng). Các tỉnh có diện tích nuôi lớn là Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…
Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng tiềm năng nuôi tôm càng xanh của nước ta còn rất lớn, diện tích nuôi có thể phát triển lên gấp 3 lần hiện nay. Về mặt lợi nhuận, trồng lúa đem lại 20 – 25 triệu đồng/ha, trong khi thêm cả tôm thì có thể đạt 100 – 120 triệu đồng/ha.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì tiềm năng này còn rất lớn vì tôm càng xanh là đối tượng chịu được độ mặn rất tốt. Trong khi đầu tư cho nuôi tôm càng xanh cũng không cao bằng các hình thức nuôi thủy sản khác, kỹ thuật cũng không quá khó, tỷ lệ rủi ro không cao.
Tuy nhiên, theo ông Tiêu, nuôi tôm càng xanh hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Như về con giống, vào mùa nước nổi, nhu cầu thả nuôi cao nên không đủ giống, dẫn đến sử dụng nhiều nguồn giống, cả giống nhập lậu nên không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tiêu thụ khó khăn…