Nguyên tắc phòng bệnh trong ao tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Nguyên tắc phòng bệnh trong ao tôm?

(Nguyễn Văn Hoàng, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) 

Trả lời: 

Cải tạo ao trước khi ương nuôi tôm, tháo cạn, nạo vét bùn dưới đáy ao, tu sửa lại bờ mương, máng, dọn sạch cỏ rác, phơi khô đáy ao, sau đó dùng các loại hóa chất để khử trùng ao với mục đích: Diệt địch hại và sinh vật là vật chủ trung gian, sinh vật cạnh tranh thức ăn của tôm, cá như các loài cá dữ, cá tạp, giáp xác, côn trùng, nòng nọc, sinh vật đáy…; Diệt sinh vật gây bệnh cho tôm như vi khuẩn, nấm, tảo đơn bào và các loài ký sinh trùng; Đắp lại lỗ rò rỉ, tránh thất thoát nước trong ao, xóa bỏ nơi ẩn nấp của sinh vật hại tôm. 

Sinh vật gây bệnh có thể theo dụng cụ lây lan bệnh từ ao bể bị bệnh sang ao, bể tôm khỏe. Vì vậy, dụng cụ của phải nên dùng chuyên biệt từng ao, bể. Nếu thiếu thì sau khi sử dụng phải có biện pháp khử trùng mới dùng cho bể, ao khác được. Dụng cụ đánh bắt bằng gỗ, quần áo khi lội phải dùng dung dịch TCCA 20 ppm để ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng. 

Vệ sinh cơ học: Cần dùng sục khí để tăng cường hàm lượng ôxy trong ao, đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Sục khí mạnh cũng sẽ làm các khí độc thoát ra khỏi ao, đồng thời gom các chất thải trong ao vào một nơi nhất định, giúp xi phông đáy rút các chất thải ra khỏi ao nuôi tốt hơn. 

Vệ sinh hóa học: Có thể dùng Dolomite (Ca và Mg), chú ý chất và nguồn gốc. Trong quá trình nuôi, thường xuyên bón vôi 2 – 4 lần/tháng với liều lượng 1 – 2 kg/100 m3 nước (100 – 200 kg/ha với độ sâu 1 m). 

Vệ sinh bằng sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi. Hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh cho tôm. 

Dùng phương pháp đơn giản và dễ làm là gây sốc bằng Formalin để chọn đàn tôm giống khỏe và ít nhiễm bệnh. Thả khoảng 150 – 200 ấu trùng tôm vào dung dịch Formalin 50 – 100 ppm (50 – 100 ml Formalin 36 – 38%/m3 nước) trong thời gian 1 – 2 giờ. Nếu tỷ lệ ấu trùng tôm sống sau khi sốc > 95% là đàn tôm giống khỏe ít nhiễm bệnh virus. Khi nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh tốt nhất nên kiểm tra tỷ lệ nhiễm các mầm bệnh virus (MBV, đốm trắng) bằng phương pháp mô bệnh học và PCR. 

Chọn tôm có hình dạng bình thường, chủy, các phần phụ (râu, chân bơi, chân bò, đuôi) không gãy hoặc ăn mòn có màu đen. Tỷ lệ giữa độ dày ruột và độ dày cơ ở đốt bụng thức 6 là 1:4 (độ dày của ruột bằng 1⁄4 độ dày của cơ), ruột tôm có thức ăn. Tôm giống khỏe, đuôi có các sắc tố, các phần phụ đuôi mở rộng. 

Trạng thái của tôm bột khỏe khi bơi cơ thể thẳng, phản ứng nhanh với tác động từ bên ngoài, bơi chủ động ngược dòng khi khuấy nước. Khi dòng nước khuấy yên tĩnh, tôm có xu hướng bám vào thành chậu nhiều hơn bị nước cuốn vào giữa chậu. Tôm yếu thường hoạt động lờ đờ, phản ứng chậm, cơ thể cong dị hình và không đều. 

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!