Nhiều đột phát từ nuôi cá chim vây vàng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Không ít các tỉnh, thành ven biển của Việt Nam đều hội tụ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi biển với nhiều loài thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó có cá chim vây vàng. Do vậy, những năm gần đây, mô hình nuôi loài thủy sản này phát triển với quy mô công nghiệp, mang lại lợi nhuận cao, sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nhiều ưu việt 

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là loài phân bố tương đối rộng ở biển nhiệt đới, có thể tìm thấy ở Tây Thái Bình Dương, các nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Nam Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, miền Nam Trung Quốc (Juniyanto et al., 2008; Trần Ngọc Hải và ctv., 2017). Ở Việt Nam chúng tập trung nhiều ở Vịnh Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. 

Cùng với các đối tượng thủy sản giàu giá trị kinh tế như như cá bớp, mú trân châu, cá cam, cá hồng Mỹ, cá chẽm; cá chim vây vàng được xem là bước đột phá mới trong nuôi biển tại nhiều địa phương có lợi thế. 

Thu hoạch cá chim vây vàng ở Khánh Hòa. Ảnh: Thiện Tâm

Trong những năm gần đây có nhiều đơn vị như Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu NTTS I… đã nghiên cứu và sản xuất giống thành công loài cá này nhằm chủ động và hạ giá thành sản xuất. Hiện nay, nguồn giống trong nước đáp ứng khoảng 55% nhu cầu nuôi thương phẩm, còn lại phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia. 

Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá 100.000 – 150.000 đồng/kg, khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Loài cá này nuôi ít rủi ro, lợi nhuận lại cao (40.000 – 80.000 đồng/kg). Ưu điểm là có thể nuôi trong các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh, đặc biệt có khả năng nuôi ghép trong các ao nuôi tôm có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi. Trước những ưu việt nói trên, có thể nói cá chim vây vàng là một giải pháp rất hiệu quả để thay thế trong khi dịch bệnh trên tôm hoành hành. 

Những năm gần đây, cá chim vây vàng trở thành đối tượng được chọn nuôi nhiều bởi có những đặc tính ưu việt như rộng muối, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, dễ nuôi, ăn tạp, có thể phát triển với quy mô công nghiệp – nuôi lồng hoặc trong ao đất ở các thủy vực nước lợ và nước mặn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Nuôi cá chim vây vàng ở vịnh Vân Phong. Ảnh: KS

Theo đánh giá của nhiều người nuôi, so với nuôi tôm thẻ chân trắng thì nuôi cá chim vây vàng có mức lãi thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo mức lợi nhuận lý tưởng hơn nuôi các loài cá biển khác. Đặc biệt, mô hình này chịu ít rủi ro bởi hiếm khi xảy ra dịch bệnh. 

Thế mạnh phát triển kinh tế biển 

Nhằm thay đổi tập quán sản xuất, góp phần đa dạng, phong phú thêm đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, hiện cá chim vây vàng được nhiều người dân nuôi cá lồng biển đưa vào sản xuất thương phẩm cùng hai đối tượng chính là cá song và cá giò. 

Như tại tỉnh Quảng Nam, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng bè ở khu vực ven biển gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số xã của huyện Núi Thành. Theo các hộ dân, sau gần 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng 0,5 – 0,7 kg/con, sản lượng 1.350 kg/lồng, năng suất đạt 18 kg/m³. Với giá bán khoảng 160.000 đồng/kg, có hộ thu lãi gần 40 triệu đồng/lồng bè (tăng 20% so với nuôi các loại thủy sản khác như cá chẽm, cá dìa…). 

Tại tỉnh Khánh Hòa, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã đầu tư 20 lồng cá chim vây vàng, rộng 10 ha, nuôi trên biển theo công nghệ Na Uy tại huyện Vạn Ninh, mỗi năm bán ra hàng trăm tấn cá. Khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre và có hình vuông, lồng kiểu mới có hình tròn và làm từ nhựa HDPE, chu vi 60 m, độ sâu lưới 8 m, thể tích 2.500 m³. Mỗi lồng có khoảng 25.000 cá chim vây vàng kích thước 2 – 3 cm. Từ năm 2018 đến nay, mỗi vụ khu nuôi này cho sản lượng khoảng 200 tấn, đạt doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận 25 – 30%. Khoảng 50% sản lượng cá thương phẩm tiêu thụ nội địa, còn lại xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Đài Loan và các nước Trung Đông, với giá bán 110.000 – 150.000 đồng/kg. 

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh thực hiện đề án phát triển nuôi biển nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo. Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. Tỉnh bố trí phát triển nuôi biển tại các huyện, thành phố như Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng U Minh Thượng; mô hình ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE trên vùng biển Phú Quốc… Theo Phòng NN&PTNT huyện Kiên Hải, khu vực nuôi cá lồng bè của huyện ở 4 xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Người dân chủ yếu nuôi các loại cá mú, bớp, hồng Mỹ, chim vây vàng… Qua nhiều năm thấy nghề nuôi biển mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là các loài cá mú, bớp, chim vây vàng có giá khá cao nên nhiều hộ dân đã mở rộng sản xuất và thả nuôi cá với số lượng lớn hơn trước. Kiên Hải đặt mục tiêu thả nuôi 1.200 lồng bè cá trong năm 2023, sản lượng thu hoạch dự kiến 1.250 tấn cá. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện phát triển hơn 1.170 lồng bè, sản lượng cá thu hoạch trên 650 tấn. 

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!