T2, 06/07/2020 10:24

Nữ ngư dân hăng say làm từ thiện

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ cần bước xuống tàu chở khách tuyến Vạn Giã – Khải Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, hỏi “Di mồi tôm”, ai cũng biết. Người phụ nữ ấy từ hai bàn tay trắng tạo được cơ ngơi kha khá nơi đầu sóng ngọn gió, đã ra tay cưu mang, giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Dân làng còn đặt cho bà cái tên rất trìu mến “Di phong trào”.

Mới gặp bà Phan Thị Di tại cảng Khải Lương, xã đảo Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, chưa kịp nói câu gì, bà Di đã “phủ đầu” tôi: “Mấy ngày nay tui tất bật chạy đi quyên góp tiền để lo hát đình, gần 20 năm nay chưa tổ chức được lần nào. 5 giờ sáng ngày mai đoàn hát ra rồi, tui phải chuẩn bị cơm nước, mâm cỗ cúng đình làng, không ngồi nói chuyện lâu với anh được”. Bà Lê Thị Én, người hàng xóm xen vào: “Mấy ngày nay bà đi vận động trong làng, chạy ghe (tàu) ra mấy bè nuôi tôm hùm vận động quyên góp hát đình. Trong làng hộ nào gặp khó khăn bà đều ra tay giúp đỡ, nhà ai có đám ma, bà Di lấy 1 – 3 ghe của bà chở đi mà không lấy đồng xu nào”. Bà Di quát nhẹ bà Én: “Việc tình, việc nghĩa ai bảo kể lể ra làm gì?”.

Bà Di (bên phải) thu mua hải sản trên tàu đánh cá.

Ai ăn gian, ông trời bắt tội

Thuyết phục mãi, bà Di cùng chồng mình lấy tàu chở tôi ra bè nuôi tôm hùm, nuôi cá của mình. Bà Di tay chỉ vào mấy lồng cá bớp và nói trong sự hưng phấn: “Mấy năm nay, tui nhờ vào cá bớp mà khấm khá lên. Tháng 7 năm nay, tui sẽ xuất vài tấn cá, nửa tỉ bạc đó. Ngày nào hai vợ chồng tui cũng phải thức dậy từ 2, 3 giờ sáng, chạy ghe ra biển mua cá mồi, rạng sáng cân bán lại cho bà con nuôi tôm hùm. Mua bán xong, quay sang cắt cá mồi cho cá bớp ăn, 11 – 12 giờ mới về đến nhà. Chiều chạy ghe đi mua cá chuồn, mua tôm, ốc… Cái gì tui cũng mua bán được. Mùa đông đầy sóng gió, giá rét hay mùa hè biển êm tui đều làm như vậy suốt mười mấy năm nay”.

3 giờ sáng hôm sau, tôi lên ghe đi mua cá mồi với hai vợ chồng bà Di. Khi tàu cập mạn ghe đánh cá, bà Di cầm cái cân nhảy lên tàu cá ngay. Những lao động trên tàu đánh cá như đã lập trình sẵn, cứ thế chuyển cá dưới hầm lên cân. Bà Di xé tờ giấy học sinh ra 4 miếng để làm “hóa đơn” chứng từ thanh toán. Trên tàu cá có rất nhiều chủng loại, như cá, tôm, cua, mực, ốc,… mỗi thứ đều có giá khác nhau. Nhưng bà Di chỉ ghi trên “hóa đơn” số lượng kilôgam và quẹt vào đó mấy cái gạch ngang giống như ký hiệu sóng biển. Cân xong bà Di đưa “hóa đơn” cho chủ tàu, sáng họ cầm lên đảo thanh toán, tiền không thiếu một xu. Tôi hỏi bà Di: “Một ngày chị thu mua mấy tấn thức ăn tôm, ghi như vậy sao nhớ nổi. Có ai đó xấu bụng làm giả chứng từ thanh toán thì sao chị biết được?”. Bà Di cười sảng khoái và nói rất tự tin: “Tui ít học, nhưng ông trời cho tôi kiểu chữ không ai có thể giả được. Mấy hôm trước, có mấy ông ghe giã cào đã lừa tui, nhưng đâu có được. Tui đã thanh toán cho họ hết số tiền rồi, họ quay sang làm giả tờ giấy ghi nợ đưa lên đòi thanh toán tiếp. Tui nói với họ: “Nè, giấy này là chữ của ông, về nhà bảo vợ thanh toán cho. Từ đó về sau chẳng có ông nào dám làm giả “hóa đơn” của tui nữa”.

Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ thấy ai có kiểu buôn bán như bà Di. Buổi sáng có trên 10 người cùng xuống tàu bà tự lựa cá, tôm, cua… bỏ lên cân xong, không trả tiền ngay, không ký sổ nợ, cứ mang sản phẩm về nhà. Còn bà Di tuyệt đối không ghi chép bất cứ thứ gì liên quan đến số lượng, chủng loại, giá bán bao nhiêu vào sổ riêng của mình để theo dõi. Ngược lại, người mua về nhà tự ghi vào sổ, cuối tháng hoặc vài tháng đến thanh toán một lần. Tôi hỏi bà Di: “Có người tham lam họ về nhà ghi ít hơn so với số lượng thực tế ở dưới tàu? Hoặc họ không ghi vào sổ thì làm sao?”. “Ôi trời ơi! Mình không ăn gian của ai thì không ai ăn gian của mình đâu. Nếu ai có tính xấu ăn gian, ông trời sẽ bắt tội, trời có mắt mà em. Tội lỗi họ phải gánh chịu cả đời đó” – Bà Di đưa ra “lý luận” cũng là cách làm việc bao nhiêu năm nay mà chưa hề có cuộc đụng độ “pháp lý” nào giữa người bán và người mua ở nơi đảo xa này.

Vay tiền làm từ thiện

Bà Phan Thị Di và ông Nguyễn Văn Thành trước đây cưới nhau, khi bố mẹ hai bên đều qua đời. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tự cào cuốc kiếm ăn, làm đủ nghề, lao động cật lực vẫn không đủ ăn. Hai vợ chồng quay ra đảo nuôi tôm thuê. Chắt chiu từng đồng rồi cũng sắm được chiếc ghe nhỏ, vừa là phương tiện kiếm ăn hằng ngày, vừa là ngôi nhà di động trên biển. “Thấy tui khổ không có nhà, suốt ngày sống chui rúc dưới chiếc ghe, vợ chồng thằng Luyện bảo lên nhà nó ở tạm. Hai đứa con nhỏ có chỗ ở, khỏi phải lo mưa gió phải nằm dưới ghe. Hai vợ chồng làm không kể giờ giấc, lúc 11-12 giờ đêm, 3-4 giờ sáng, rồi làm xuyên suốt cả ngày. Bất kể sóng to gió lớn, mùa đông hay mùa hè, ngày nào cũng phải ra biển thu mua hải sản. Có đêm hai vợ chồng suýt chết ở ngoài biển, do sóng to phủ cả ghe, đồ đạc trên ghe bay sạch. Kiếm được đồng tiền trên biển cay đắng lắm” – Bà Di nhớ lại. Người mua thường hay “chiếm vốn” lâu, ngược lại, bà Di phải luôn có sẵn tiền để trả ngay cho các chủ tàu đánh cá. Vì lẽ đó, bà Di liên tục đi vay để buôn bán và trụ vững giữa chốn biển nước mênh mông.

Hai vợ chồng bà Di kéo lưới kiểm tra tôm trên bè.

Chịu thương, chịu khó làm việc, vợ chồng bà Di đã sắm được 3 chiếc tàu, hai ngôi nhà (một cái ở đảo, một ở thị trấn Vạn Giã). Bà đi lên từ nghèo khổ, bây giờ thấy ai đói khổ bà luôn sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, bà Di lại bỏ tiền ra mua gần 1 tấn gạo giúp đỡ các hộ nghèo trong làng. Bất kể có ai bệnh trọng cần đi cấp cứu, bà Di điều ghe của mình chở lên Đâm Môn hoặc chở thẳng vào đất liền không lấy một xu, nhà ai khá giả, bà chỉ lấy đúng 10 lít dầu.

Ông Nguyễn Văn Lấm, Bí thư Chi bộ thôn Khải Lương (nguyên Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh) đứng trên cầu cảng tâm sự: “Tài sản của bà Di không thấm vào đâu so với các đại gia trong phố, nhưng tấm lòng bà Di thì lớn lắm. Tôi chỉ đưa ra một vài chi tiết: Trong làng có bất cứ việc gì, từ việc chung đến việc riêng, bà Di đều xắn tay áo lên làm nhiệt tình, hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất. Bà Di phụ trách công tác Hội Phụ nữ, thường xuyên đi vận động, tuyên truyền các đôi vợ chồng trẻ kế hoạch hóa gia đình. Gặp mấy ông chồng uống rượu hay đánh vợ, bà đến tận nhà “nói chuyện” cho ra lẽ phải, bỏ ngay cái thói đánh vợ”.

Hải Luận

Báo Biên phòng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!