Nuôi ghẹ xanh cho thu nhập cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ghẹ xanh (Portunus pelagicus) là đối tượng thủy sản có giá kinh tế, thịt thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Ghẹ xanh có nhu cầu tiêu thụ lớn cả trong nước và xuất khẩu.

Đặc điểm sinh học 

Ghẹ xanh là loại ghẹ có màu xanh giống như tên gọi của nó và có thêm các đốm trắng cùng đôi càng dài. Ghẹ đực có vỏ màu lam sáng với các đốm trắng và các càng dài đặc trưng, trong khi ghẹ cái có màu nâu/lục xỉn màu hơn và mai thuôn tròn hơn. Mai của chúng có thể rộng tới 20 cm. 

Ghẹ xanh được biết đến với khả năng bơi lội rất tốt, chủ yếu là dựa vào cặp chân dẹp “mái chèo”. Ảnh: ST

Vùng phân bố của ghẹ xanh trưởng thành thường có độ sâu dao động 10 – 30 m nước, nền đáy là cát bùn và san hô chết, độ mặn khoảng 30 – 35‰. Phần lớn thời gian chúng ẩn nấp dưới cát hay bùn, cụ thể là trong thời gian ban ngày và mùa đông, điều này có thể giải thích nhờ sự chịu đựng tốt của chúng đối với NH4+ và NH3. Chúng đi kiếm ăn khi thủy triều lên. Thức ăn của chúng khá đa dạng, từ các động vật hai mảnh vỏ, cá và ít hơn là các loại tảo lớn. Ghẹ xanh được biết đến với khả năng bơi lội rất tốt, chủ yếu là dựa vào cặp chân dẹp “mái chèo”. Tuy nhiên, ngược lại với loài cua xanh (Scylla serrata) trong cùng họ cua bơi, chúng không thể sống một thời gian dài mà không có nước. 

Ghẹ xanh phân bố rộng ở miền đông châu Phi, Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Ở Việt Nam, chúng phân bố các vùng biển, hải đảo miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mùa vụ sinh sản của ghẹ xanh là chỉ số tỷ lệ giữa ghẹ cái mang trứng và tổng số ghẹ cái. Chỉ số này biến động qua các tháng trong năm. Thường bắt gặp ghẹ xanh ôm trứng quanh năm, nhưng thời gian có tỷ lệ cao nhất là vào tháng 3, tháng 4, có thể bắt gặp khoảng 77,61 – 83,51% con cái ôm trứng trong tổng số con cái bị khai thác. 

Trong những năm gần đây thị trường tiêu thụ ghẹ lột ngày càng được mở rộng. Ảnh minh họa

Mùa vụ sinh sản kéo dài quanh năm, nhưng bắt đầu vào tháng 12 trong năm và đạt đỉnh cao sinh sản vào tháng 3 và tháng 4 năm sau. Ghẹ xanh phải trải qua lột xác để tăng lên về kích cỡ và trọng lượng của cá thể. Chu kỳ lột xác thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Giai đoạn ấu trùng thời gian lột xác từ 2 – 4 ngày, càng về sau thời gian giữa hai lần lột xác càng kéo dài. 

Thịt ghẹ xanh có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như canxi, photpho, sắt cùng các Vitamin A, B1, B2, C rất dồi dào. Bên cạnh đó, thịt ghẹ xanh cũng có hàm lượng Omega 3, Calcium, Magnesium rất tốt cho hệ tim mạch. Mặc dù, có rất nhiều loại ghẹ ở nước ta như: ghẹ hoa, ghẹ đỏ… nhưng ghẹ xanh vẫn là loại hải sản được nhiều người ưa chuộng nhất. Bởi loài này không chỉ có hương vị thơm ngon, đậm đà mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao; không chỉ vậy, chúng còn rất dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon. 

Nhân rộng 

Hiện, do nhu cầu tiêu thụ lớn và giá thành cao nên ghẹ xanh đang bị khai thác quá mức trong tự nhiên, dẫn đến suy giảm nguồn lợi, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Nhằm tìm hướng đi lâu dài cho loại thương phẩm này, từ lâu, nhiều đơn vị đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo ghẹ xanh. Điều này đã mở ra một cơ hội cho ngành nuôi trồng thủy sản; bởi ghẹ xanh được xem là loài có nhiều tiềm năng do khả năng thích ứng tốt với điều kiện môi trường nuôi. 

Đến nay, nhiều mô hình ương nuôi ghẹ phát triển nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường cùng với giảm cường lực khai thác, bảo tồn nguồn lợi. Một số mô hình nuôi ghẹ đang được áp dụng và mang lại hiệu quả ở nhiều địa phương như: nuôi ghẹ đơn tính; nuôi ghẹ kết hợp; nuôi ghẹ trong ao; nuôi ghẹ lột. Đặc biệt, mô hình nuôi ghẹ xanh lột đang được nhân rộng ở nhiều địa phương. 

Theo người dân, nuôi ghẹ lột, sau khi chọn con giống thì cắt bỏ mắt của ghẹ để chúng khỏi phải cắn nhau, trước khi thả xuống lồng. Nuôi ghẹ lột yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước, ghẹ là một loại giáp xác rất nhạy cảm với sự thay đổi từ những môi trường sống. Quan trọng là không để cho ghẹ chết sau khi vừa lột xong, người nuôi phải chú ý để xử lý ghẹ lột. Phải thường xuyên di chuyển ghẹ sang các lồng lưới khác nhau khi phát hiện những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ. Ghẹ được bắt lên sau khi lột, ngâm đá thì tiến hành sơ chế rồi cho vào tủ đông để bảo quản trước khi xuất ra thị trường. 

Trong những năm gần đây thị trường tiêu thụ ghẹ lột ngày càng được mở rộng, thịt của ghẹ lột chắc và ngọt nên người dùng yêu thích và lựa chọn ngày càng nhiều. Do đó, tại những khu vực nuôi, mỗi lần bán đều có thương lái đến tận nơi mua hoặc đóng thùng chuyển vào cho các công ty chế biến thủy sản. 

>> Tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã đã triển khai mô hình nuôi ghẹ xanh thương phẩm trên biển, nhằm tạo điều kiện để hội viên CCB phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mô hình đã được nhân rộng trong hội viên CCB và ngư dân trong xã để phát triển kinh tế gia đình. 

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!