(TSVN) – Cá rô phi là đối tượng ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh. Hiện, người dân tại nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng khoa học công nghệ vào các mô hình nuôi cá rô phi khác nhau, mang lại hiệu quả cao và bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá, năng suất nuôi đạt cao, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Yêu cầu cơ bản cho hoạt động hệ thống Biofloc bao gồm: mật độ thả cao và máy sục khí cao từ 28 – 32 HP/ha.
Ao nuôi phải được lót bê tông hoặc bạt HDPE, ngũ cốc dạng viên và mật mía được thêm vào môi trường nước. Ngoài ra, tỷ lệ carbon:nitơ (C:N) được duy trì trong khoảng 15:1 bằng cách điều chỉnh mật mía, ngũ cốc dạng viên và các đầu vào thức ăn để kiểm soát nồng độ nitơ vô cơ trong nước.
Cá rô phi được nuôi theo công nghệ hiện đại cho năng suất cao, chất lượng vượt trội. Ảnh: Đức Tuấn
Các vi khuẩn, tạo thành biofloc, hấp thụ amoni để tạo protein của vi sinh vật làm thức ăn cho cá, qua đó tái chế các protein trong thức ăn thừa. Nhờ đó, khi ứng dụng công nghệ sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường nước, giảm khoảng 30% lượng thức ăn tiêu tốn; với diện tích ao 1.000 m2, sau một vụ từ 6 – 8 tháng có thể cho năng suất trên 10 tấn.
Diện tích ao phù hợp để áp dụng hình thức “sông trong ao” là khoảng 7.000 – 20.000 m2, độ sâu ao 2 – 2,5 m. Khu nuôi chủ động nguồn điện (có điện 3 pha hoặc máy phát điện). Kích thước ao quy định kích thước bể nuôi. Do vậy, trước tiên, cần tính toán chính xác thể tích nước trong ao (dài x rộng x sâu), lưu ý độ sâu của ao không đồng đều. Thông thường, tỷ lệ thể tích bể nuôi tương ứng 2,5% thể tích ao. Nếu ao có diện tích 10.000 m2, có thể xây 2 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 125 m2 (dài 25 m, rộng 5 m).
Nguyên lý hoạt động của hình thức “sông trong ao” là tạo dòng chảy liên tục trong ao; vì vậy, người nuôi cần lắp các máy thổi khí đầu bể để tạo dòng chảy liên tục về phía cuối bể; cuối bể có tường chắn để giữ chất thải của cá và có hệ thống hút ra ngoài nhằm hạn chế ô nhiễm nước ao nuôi; ngoài ra, hai đầu bể còn có lưới chắn để cá không ra ngoài ao.
Với điều kiện tự nhiên sẵn có, các tỉnh phía Bắc có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá rô phi lồng trên mặt nước. Nuôi trong lồng bè theo hình thức nuôi bán công nghiệp, cá có thể đạt khối lượng 400 – 600 g/con trong thời gian 5 – 6 tháng. Vật liệu làm khung lồng bè nuôi có nhiều loại khác nhau như: sắt, inox, ống kẽm, ống nhựa, gỗ…
Đặc biệt, mới đây, Việt Nam cũng đã áp dụng thành công công nghệ nuôi cá lồng Na Uy. Đây là một công nghệ mới có thể ứng dụng để nuôi trồng ở quy mô lớn, cho năng suất rất cao. Hệ thống lồng tròn được sản xuất bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE, thể tích mỗi lồng nuôi lên tới 1.200 – 2.400 m3.
Với cá rô phi, mỗi lồng có thể cho năng suất tới 50 tấn cá/vụ, phù hợp với sản xuất quy mô lớn. Hệ thống cho phép nuôi ở những hồ lớn có môi trường nước trong sạch, do đó có thể hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng ATTP.
So với cách nuôi truyền thống, nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP có nhiều ưu điểm: Tỷ lệ cá sống cao, rút ngắn được thời gian nuôi, ít dịch bệnh, chất lượng thịt bảo đảm ATTP, được thị trường ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao… Khi nuôi theo hình thức này, người nuôi cần ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn, đặc biệt, có sổ theo dõi các ao nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng. Ao nuôi được xử lý bằng các loại men vi sinh và bổ sung các loại vitamin, tỏi để tăng sức đề kháng cho cá.
So với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì hệ số thức ăn giảm 3%, thời gian nuôi ngắn hơn 15 – 20 ngày do đó hiệu quả kinh tế cao hơn, sản phẩm được các đơn vị cam kết bao tiêu.
Đây là hình thức nuôi công nghiệp phổ biến ở nước ta. Người nuôi nên chọn ao có diện tích khoảng 1.000 – 3.000 m2, mực nước sâu khoảng 1,2 – 2 m; nguồn nước phải chủ động cung cấp và ao phải được cải tạo kỹ theo quy trình. Tùy theo khả năng tài chính và kỹ thuật chăm sóc, người nuôi có thể thả cá với mật độ 10 – 15 con/m2, cỡ giống từ 6 – 8 cm.
Thời điểm thích hợp nhất để thả nuôi vào tháng 3 đến tháng 4. Nuôi theo hình thức này, sau 5 – 6 tháng nuôi, cá đạt cỡ thương phẩm (400 – 600 g/con) thì thu hoạch trước; cá nhỏ hơn nên giữ lại nuôi tiếp khoảng 1 tháng sẽ đạt cỡ theo ý muốn.
>> Rô phi là loại cá có thịt thơm mềm, ít xương dăm và dễ chế biến thành các món ăn ngon như: chiên, rán, nấu, hấp, kho… nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ nhu cầu của thị trường cao, đầu ra ổn định, giá trị kinh tế lớn kết hợp với cách nuôi không quá phức tạp, cá rô phi là lựa chọn an toàn cho những hộ gia đình muốn phát triển kinh tế từ nuôi thủy sản. |
Lê Loan
Tổng hợp