Nuôi hải sâm ở Madagascar: Bài toán kinh tế và bảo tồn

Chưa có đánh giá về bài viết

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập, giúp ổn định cuộc sống, nghề nuôi hải sâm ở Madagascar còn là giải pháp bảo tồn nguồn tài nguyên biển đang dần cạn kiệt.

Bỏ đánh bắt, chuyển sang nuôi trồng

Người Mezo, làng Andavadoaka, trung tâm Velondriake ở Madagascar nghèo nhất châu Phi. Chính quyền ở Velondriake đã từng thành lập cơ sở bảo tồn biển tạm thời và vĩnh cửu, thậm chí còn có cả một cơ sở công quyền quản lý 25 ngôi làng ở khu vực này, chịu trách nhiệm đưa ra quyết định, thực thi luật pháp (như: cấm người dân đánh bắt hải sản bằng lưới rê, bom, mìn…). Những lệnh cấm này vô cùng cần thiết và cấp bách trước tính mạng của đại dương, nhưng không đủ răn đe lượng ngư dân nghèo khổng lồ ở khu vực này. Do đó, cần phải có giải pháp hiệu quả, giúp mang lại thu nhập, ổn định đời sống cho ngư dân mà không phụ thuộc vào việc đánh bắt cá thô sơ nhưng kém hiệu quả, thiếu bền vững như trước.

Nói dễ hơn làm, bởi thực hiện được việc định hướng ngư dân từ bỏ đánh bắt cá thủ công là khó, khi người dân nơi đây còn rất lạc hậu và kém phát triển. Họ sẽ nuôi sống bản thân và gia đình thế nào nếu ngừng đánh bắt trên biển? Và nghề nuôi hải sâm chính là câu trả lời. Số lượng hải sâm tự nhiên đã giảm nghiêm trọng, khiến ngư dân sử dụng những phương pháp đánh bắt mạnh mẽ hơn. Những năm gần đây, ngư dân đã sử dụng thiết bị lặn khí nén để bắt hải sâm ở vùng nước sâu – hình thức đánh bắt này đã bị cấm ở Madagascar nhưng thực thi chưa hiệu quả. Hiện, hải sâm đã bị tàn phá ở hầu hết các khu vực biển nhiệt đới có thể tiếp cận được trên thế giới. Nhiều nhà khoa học dự báo, với sức đánh bắt như hiện nay, loài hải sâm sẽ cạn kiệt dần, đồng thời tác động không nhỏ tới toàn bộ hệ thống sinh thái biển.

 

Hy vọng kinh tế và bảo tồn

Đây không phải một câu chuyện tận thế về việc đại dương bị vắt kiệt để phục vụ món ăn của con người mà có tia hy vọng mới cho hải sâm và cộng đồng Mezo. Các trại nuôi được quản lý ở địa phương đã bắt đầu mọc lên trên các vịnh cạn quanh Velondriake, giới thiệu những trại nuôi hải sâm bền vững với môi trường. Các nhà xuất khẩu hải sản đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu đại dương tại Toliara, sử dụng kỹ thuật được cấp bằng sáng chế để sản xuất giống hải sâm và bán cho ngư dân. Sau đó, ngư dân tiến hành nuôi giống quây lồng gần nơi họ sống. Vì hải sâm kiếm ăn ở đáy biển, quá trình này không cần cung cấp thức ăn, chỉ có chi phí duy trì lồng nuôi và lực lượng bảo vệ để canh chừng những kẻ săn trộm.

Sau khoảng 9 tháng, hải sâm giống đạt kích thước trưởng thành, được bán cho nhà xuất khẩu với giá khoảng 2,5 USD/con. Điều này có nghĩa, những ngư dân ở Velondriake với thu nhập trước kia không quá 1,5 USD/ngày thì nay có thể gia tăng thu nhập bội phần. Mới đây, mỗi ngư dân đã có thêm thu nhập 30 USD/tháng, với dự đoán gấp đôi lợi nhuận trong những tháng tới và tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Hiện có vài trại nuôi hải sâm ở Velondriake, được hoạt động bởi 200 nông dân. Việc kinh doanh suôn sẻ này đã góp phần kết nối các cộng đồng biệt lập với thị trường toàn cầu.

Một nhóm chuyên gia của Blue Venture (một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển) đã bắt tay với ngư dân, đào tạo và trợ giúp họ cách thức quản lý trang trại nuôi hải sâm như một đơn vị kinh doanh độc lập. Bước đầu, ngư dân đã tái đầu tư tiền bạc kiếm được vào giáo dục, mua gạo sỉ và mở rộng kinh doanh. Ngày nay, bộ mặt của Madagascar đã thay đổi nhờ hoạt động du lịch bắt đầu phát triển, nhưng điều quan trọng hơn cả là nhờ sự thành công của các mô hình nuôi hải sâm bền vững, hiệu quả.

>> Hải sâm là một loài động vật không xương sống, da gai sống, giống giun đất. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tái sử dụng chất dinh dưỡng trong các lớp đất tích tụ dưới đáy biển, tạo nền tảng cho chuỗi thức ăn biển phức tạp. Hải sâm được tiêu thụ nhiều ở châu Á, có giá trị cao, bởi vừa là thực phẩm dinh dưỡng vừa là loại thuốc quý.

Tuấn Anh

Taylor Mayol, NewsWatch

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!