Nuôi tôm rừng ngập mặn: Giữ sinh kế từ bảo vệ rừng

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi tôm rừng ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, phát triển bền vững, vừa đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Tại Việt Nam, mô hình kết hợp giữa nuôi tôm sú và bảo vệ rừng đã có hiệu quả. Tuy nhiên, mặt trái của mô hình này vẫn cần được xem xét và có giải pháp thích hợp, nhằm tạo thu nhập cho người nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường.

Ông Dương văn Thể, phó Vụ trưởng nuôi trồng Thủy sản: Cần thực hiện theo quy hoạch

Nuôi tôm rừng ngập mặn được triển khai theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến, sử dụng nguồn nước tự nhiên, tận dụng nguồn nguyên liệu trong rừng; tôm thả với mật độ thưa, lớn nhanh, sạch bệnh, không chứa kháng sinh. Giá tôm cao hơn so với các phương thức nuôi khác, tạo thu nhập cho người dân, ngoài việc trồng rừng bảo vệ thiên nhiên còn có nghề nuôi mới. Tuy nhiên, người dân tại một số địa phương thấy lợi ích của việc nuôi tôm sinh thái nên đã mở rộng diện tích nuôi không theo quy hoạch, phá rừng phòng hộ để nuôi tôm với số lượng lớn. Dẫn tới tình trạng tôm bị nhiễm bệnh do thả với mật độ lớn, môi trường tôm nuôi bị ô nhiễm, nhiều loại vi sinh vật cư trú trong rừng ngập mặn bị đe dọa, một số loài đã bị tiêu diệt. Hướng phát triển trong thời gian tới, các tỉnh ven biển có diện tích nuôi tôm rừng ngập mặn cần có quy hoạch cụ thể cho các vùng nuôi, đảm bảo các yếu tố an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển lợi thế. Từ đó khuyến khích người dân có ý thức hơn trong việc trồng rừng kết hợp với nuôi tôm tạo thu nhập, bảo vệ sinh thái.

 

Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế: Diện tích rừng bị thu hẹp

Rừng ngập mặn là bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão lụt; hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất thu hút và giữ lại các trầm tích, góp phần mở rộng đất liền ra phía biển, nâng diện tích đất. Mặt khác, rừng ngập mặn còn là hàng rào ngăn giữ những chất ô nhiễm, các kim loại nặng từ các sông đổ ra biển, bảo vệ các sinh vật vùng ven bờ. Tuy nhiên, những năm qua, do chưa hiểu hết giá trị nhiều mặt của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hoặc do những lợi ích kinh tế trước mắt, đặc biệt là nguồn lợi từ tôm nuôi xuất khẩu nên rừng ngập mặn Việt Nam đã bị suy thoái nghiêm trọng. Hậu quả của việc phá rừng ngập mặn lấy đất nuôi tôm một cách bừa bãi đã huỷ hoại môi trường, làm suy giảm mức sống của nhiều người dân nghèo ven biển, ảnh hưởng xấu đến chủ trương xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Nhà nước. Để nuôi tôm, nhiều nơi đã chặt hết cây ngập mặn hoặc đã giết chết cây bằng cách giữ nước trong đầm, khiến cho môi trường thoái hóa nhanh. Trước hết, các bộ phận cây chết bị phân huỷ trong điều kiện yếm khí sẽ tạo ra H2S và NH4 đầu độc các tảo phù du là nguồn thức ăn và nguồn cung cấp ôxy cho tôm. Mật độ tôm quá dày, chế độ ăn không thích hợp cùng các nguồn giống không chọn lọc sẽ tạo điều kiện cho bệnh ở tôm phát triển. Môi trường chứa các mầm bệnh này được thải ra các kênh rạch và gây hại cho nhiều động vật khác trong vùng rừng ngập mặn và ở vùng biển nông…

 

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau: Tạo diện tích nuôi phù hợp

Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi tôm sinh thái (tôm nuôi rừng ngập mặn), những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương phát triển mô hình nuôi hiệu quả này, bằng việc triển khai việc giao cho người dân quản lý, nâng cao ý thức của người dân tự bảo vệ rừng phòng hộ. Nuôi tôm theo mô hình này tốt cho môi trường nếu có sự điều hòa giữa nuôi tôm và bảo vệ rừng, tạo ổn định và bền vững cho người nuôi, tôm nuôi cũng ít dịch bệnh hơn… Thời gian qua, mô hình này từng bước khẳng định tính bền vững. Từ diện tích chỉ hơn 1.000 ha, nay tăng lên trên 20.000 ha. Trong đó, dẫn đầu là huyện Đầm Dơi, Cái Nước… Các địa phương này tổ chức nhiều hội thảo điển hình rút kinh nghiệm từng năm, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật tại hiện trường để người dân nắm bắt kinh nghiệm, kịp thời xử lý những rủi ro, nâng năng suất từ 250 kg/ha/năm lên đến 600 – 800 kg/ha/năm. Yếu tố quan trọng trong quá trình nuôi tôm chính là diện tích nuôi hợp lý, mức độ nước vừa phải, không để nước quá cao làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái trong rừng. Đồng thời, cần cải tạo môi trường nuôi, nuôi tôm mật độ thưa, không cho ăn thức ăn ngoài.

 

Ông Nguyễn Công Quốc, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau: Nâng cao nhận thức của người dân

Một số tỉnh ĐBSCL ngoài lợi thế với con cá tra, những năm qua đã phát triển mô hình nuôi tạo sự bền vững đó là sự kết hợp giữa tôm và rừng, vừa tận dụng được điều kiện nuôi thuận lợi, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình này tuy không có sự đột phá về năng suất (không tăng nhiều qua các năm), nhưng ổn định, ít rủi ro trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, thương hiệu tôm nuôi sinh thái có giá trị từ 10 – 15% trên thị trường, khả năng đầu tư hợp lý, tôm nuôi được bổ sung bằng thức ăn tự nhiên. Trước đây, vì muốn mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và cho rằng rừng ngập mặn ảnh hưởng xấu đến nuôi thủy sản, nên một diện tích không nhỏ của rừng đã bị tàn phá. Nhưng hiện nay, nhận thức của người dân về vai trò của rừng ngập mặn đã thay đổi. Họ đã hiểu được tầm quan trọng của nó đối với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và mối quan hệ giữa rừng ngập mặn với nuôi thủy sản nên hầu hết các chủ ao nuôi thủy sản đều có ý muốn trồng các loài cây ngập mặn trong ao nuôi để bảo vệ đê bờ và giúp thông thoáng ao nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh. Tuy nhiên, để mô hình nuôi này bền vững rất cần sự đầu tư về nguồn giống sạch bệnh, kỹ thuật nuôi phù hợp, không chặt phá rừng để làm đầm nuôi tôm. Chi cục Thủy sản Cà Mau cũng đã định hướng cho người dân về việc thả giống và có khung mùa vụ riêng cho nuôi tôm – rừng, nâng mât độ thả (3 con/m2), tiến hành trồng thêm hệ thống rừng, tạo môi trường thuận lợi cho nuôi tôm, đảm bảo môi trường.

Phương Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!