T2, 06/07/2020 09:55

Nuôi trồng thủy sản bền vững: Cần quan tâm tới thủy lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù xuất khẩu thủy sản mỗi năm mang về 5 – 6 tỷ USD, nhưng đầu tư thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản còn quá nghèo nàn.

Hơn 24.000 tỷ đồng cho chế biến thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020. Theo đó đến năm 2020, phấn đấu sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,5%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7% năm. Sản lượng thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa đạt 950 nghìn tấn, tăng trưởng bình quân 3,3%/năm. Giá trị chế biến tiêu thụ nội địa tăng trưởng bình quân 5,8%/năm. Tổng công suất chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đạt 2,13 triệu tấn sản phẩm/năm, hệ thống kho lạnh đạt công suất 1,1 triệu tấn. Tổng công suất chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đạt 2,13 triệu tấn sản phẩm/năm. Hệ thống kho lạnh công suất đạt 1,1 triệu tấn. Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt 60 – 70% khối lượng sản phẩm chế biến. Tỷ lệ đổi mới máy và thiết bị chế biến đạt 12 – 15%/năm. 100% cơ sở chế biến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù xuất khẩu thủy sản mỗi năm mang về 5 – 6 tỷ USD, nhưng đầu tư thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản còn quá nghèo nàn.

Đối với thị trường xuất khẩu, quy hoạch ưu tiên xây dựng và thực hiện chương trình phát triển các thị trường trọng điểm, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực, trước mắt là tôm sú, cá tra, cá ngừ và các sản phẩm chế biến sâu. Tập trung phát triển và giữ vững các thị trường truyền thống, các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ… Bên cạnh đó, chuyển hướng từ xuất khẩu cho các nhà nhập khẩu sang xuất khẩu trực tiếp cho hệ thống phân phối, các chuỗi siêu thị. Đối với thị trường tiêu thụ nội địa, đầu tư phát triển thị trường trong nước, tổ chức hệ thống buôn bán thủy sản ở các đô thị, các vùng công nghiệp tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần ổn định sản xuất khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Để thực hiện quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển chế biến thủy sản cho toàn giai đoạn 2011 – 2020 được xác định là 24.547 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015 là 13.384 và giai đoạn 2016 – 2020 là 11.163 tỷ đồng.

 

Đầu tư thủy lợi nuôi trồng thủy sản nghèo nàn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quy hoạch phát triển chế biến thủy sản sẽ phát huy lợi thế cạnh tranh từ các nhóm sản phẩm chủ lực có dung lượng thị trường lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư thủy lợi cho thủy sản quá nghèo nàn chưa hợp lý và thiếu quy hoạch, môi trường nuôi không được xử lý… Hệ thống cấp thoát nước trong nuôi trồng thủy sản chung một đường nước với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khi có dịch bệnh dễ bị lây lan từ ao, đầm này sang ao, đầm khác. Bên cạnh đó, hóa chất tồn dư trong sản xuất nông nghiệp theo thủy lợi chảy vào ao nuôi, khiến tình trạng tôm, cá bị nhiễm dư lượng kháng sinh càng căng thẳng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chế biến thủy sản. Trong khi đó, quy hoạch, bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 không có chương trình, dự án nào bố trí vốn riêng cho thủy lợi thủy sản.

Theo khuyến cáo, để nuôi tôm bền vững thì người nuôi cần đầu tư làm đường cấp, thoát nước riêng biệt. Đồng thời phải có ao lắng để xử lý nước trước khi thả nuôi. Ngoài ra, khi có dịch bệnh xảy ra thì người nuôi phải có trách nhiệm xử lý triệt để mầm bệnh trước khi xả nước thải ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ có những vùng nuôi công nghiệp mới thực hiện được. Còn đối những với những vùng nuôi quảng canh thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhiều địa phương cho rằng, việc phát triển một hệ thống thủy lợi khép kín, chuyên biệt phục vụ cho nuôi tôm hoặc ít ra cũng là những công trình thủy lợi đa mục tiêu là điều cần thiết không chỉ làm giảm thiệt hại cho người nuôi tôm mà còn đảm bảo được quy hoạch nuôi trồng và chế biết thủy sản trong thời gian tới.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn, cũng cho rằng: Đầu tư thủy lợi thủy sản không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước, mà phải có chính sách thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp. Muốn vậy, Nhà nước phải tiếp tục đổi mới hàng loạt chính sách về đất đai, thương mại, tín dụng… để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Thanh Hải

Theo Báo Công Thương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!