T2, 06/07/2020 10:36

Nuôi trồng thủy sản bền vững: Khi khuyến ngư góp công lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, các tỉnh trên cả nước đã đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững, nhiều mô hình thành công, được nhân rộng như: chuyển đổi diện tích NTTS, áp dụng VietGAP, mô hình bền vững tôm – rừng…

Hiệu quả ở nhiều mô hình

Những năm qua, nhiều tỉnh đã có chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích cấy lúa, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang NTTS. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều phát huy hiệu quả, các hộ nuôi đã tận dụng thời gian và mặt nước tổ chức NTTS đạt hiệu quả cao. Ở một số vùng chuyển đổi, các hộ đã đưa một số con nuôi có giá trị kinh tế và hiệu quả cao như: cá lóc bông, vược, rô đồng, lăng chấm, trắm đen… Phương thức nuôi tại các vùng được hình thành tập trung theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh và bán thâm canh. Công nghệ nuôi được thay đổi theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Công tác cải tạo ao, đầm, chăm sóc, quản lý ao nuôi đi vào nền nếp.

Nhiều hộ NTTS tại các vùng chuyển đổi đã chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp; từ dùng hóa chất, thuốc kháng sinh sang dùng các chế phẩm sinh học cho hiệu quả cao, bền vững, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường…

Tại Nam Định, diện tích chuyển đổi sang NTTS lớn như: Hải Hậu 887 ha, Giao Thủy 345 ha, Nghĩa Hưng 220 ha… Riêng huyện Hải Hậu đã chuyển đổi được 887 ha cấy lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS và hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã Hải Chính (40 ha), Hải Triều (20 ha), Hải Lý (20 ha), Hải Đông (30 ha), Hải Lộc (25 ha)… Ngoài nuôi tôm, nhiều hộ còn đa dạng con nuôi như: cua, ếch, cá sấu, ba ba, lươn…, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa.

Huyện Gia Lộc (Hải Dương) có 1.230 ha thủy sản, sản lượng ước đạt 6.947 tấn, năng suất bình quân 5,65 tấn/ha. Nuôi trồng thủy sản tại Gia Lộc ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa bền vững. Năm 2012, diện tích nuôi cá truyền thống của huyện Gia Lộc 290 ha (chiếm 23,6%), diện tích nuôi cá rô phi đơn tính 939,7 ha (chiếm 76,4%), cá rô đồng 0,3 ha.

Bên cạnh đó, mô hình NTTS áp dụng VietGAP cũng được nhiều địa phương khuyến khích áp dụng. Chi cục Thủy sản Tiền Giang vừa triển khai dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 ha tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm (2013 – 2014). Dự kiến đến cuối năm 2013, các công đoạn đào tạo, tập huấn, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất… sẽ xong. Vụ nuôi tôm chính năm 2014 sẽ bước vào sản xuất.

Bạc Liêu đang nhân rộng mô hình nuôi đa con cùng con tôm bền vững đã được đúc kết để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từng địa phương trong nuôi tôm. Năng suất của mô hình tôm – rừng đạt 700 – 800 kg/ha/năm. Tuy năng suất đạt thấp hơn các mô hình nuôi trồng thủy sản khác, nhưng nông dân sẽ tranh thủ được nhiều nguồn lợi từ biển như: cua giống, cá kèo giống và thu được nhiều loại thủy sản có giá trị khác dưới tán rừng. Thống kê mô hình tôm – rừng cho thấy, chỉ có 5% bị rủi ro, thua lỗ, còn lại 95% đều sản xuất có lãi.

Mô hình tôm – lúa cho hiệu quả cao, bền vững – Ảnh: Phan Thanh Cường

Bên cạnh đó, còn nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả cao, bền vững như: nuôi cua thương phẩm, cá rô phi đơn tính đực theo quy trình GAP, ương ngao giống, cá giống ở Nghệ An, tôm – lúa ở Cà Mau…

 

Điều kiện cho phát triển

Dựa trên những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp các tỉnh cần tập trung chỉ đạo phát triển đồng bộ nuôi trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển NTTS bền vững, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Chuyển đổi sang NTTS theo quy hoạch, tránh hiện tượng nuôi tràn lan, nhỏ lẻ phá vỡ quy hoạch, đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao…

Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương cần có những chiến lược riêng. Theo đó, các tỉnh ĐBSCL sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, lưu thông giống, đảm bảo đủ giống sạch bệnh, đa dạng, đúng mùa vụ; hình thành cơ cấu nhóm giống chủ lực phục vụ nuôi thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thủy sản ở các tỉnh có lợi thế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến cũng như nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn GAP để đẩy mạnh xuất khẩu…

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng NN&PTNT huyện Gia Lộc (Hải Dương), để quy hoạch vùng NTTS phát triển bền vững, thời gian tới, UBND huyện Gia Lộc tích cực chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông tăng cường phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho cá, đảm bảo phát triển thủy sản bền vững. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm như: khuyến khích các hộ nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh và mở rộng diện tích nuôi những giống cá mới có giá trị  cao; chuyển đổi nuôi các giống cá truyền thống sang các giống cá năng suất cao, thích hợp phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh; tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ, đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước…

>> Các tỉnh ĐBSCL đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!