T2, 06/07/2020 09:54

Ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng: Cảnh báo vỡ quy hoạch!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang lên cơn sốt, nhiều nơi dân ồ ạt nuôi phá vỡ quy hoạch. Tại Bến Tre, đã có hơn 500 ha diện tích dừa từ 10 năm đến hàng chục năm tuổi trong vùng ngọt hóa đang phải nhường đất cho… tôm thẻ.

Tôm thẻ “đốn” dừa

Hình ảnh ao tôm xen vườn dừa tại các xã trong vùng ngọt hóa của huyện Bình Đại, Bến Tre đang xuất hiện mỗi ngày một nhiều. Trong vòng một năm trở lại đây ở Bình Đại đã có hàng trăm héc ta vườn dừa, đất trồng lúa… chuyển sang nuôi TTCT. Ông Lê Minh Hùng, Bí thư chi bộ ấp 2, xã Bình Thới, huyện Bình Đại cho biết: Phong trào nuôi TTCT chỉ mới phát triển hơn một năm trở lại đây do nhiều người nuôi lợi nhuận cao nên trong thời gian ngắn đã kích thích rất nhiều hộ thả nuôi. Nông dân nuôi tôm sú cũng đã chuyển sang nuôi TTCT, thậm chí nhiều nông dân còn đốn cả vườn dừa đang cho trái, đào ruộng lúa để nuôi TTCT. Ưu điểm của con TTCT nuôi rút ngắn thời gian so với con tôm sú, giá thành sản xuất chỉ từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, trong khi nuôi tôm sú chi phí trên 80.000 đồng/kg. Chính hiệu quả cao nên nông dân không ngần ngại đốn dừa nuôi TTCT bất chấp các khuyến cáo.

Ông Trần Văn Hoàng ở xã Phú Long, Bình Đại, Bến Tre rất thạo chuyện bà con đốn dừa đào ao nuôi tôm TTCT. Hỏi tại sao bà con bỏ dừa dữ vậy, ông Hoàng kể: Để dừa làm chi, bán có được bao nhiêu tiền đâu, nuôi TTCT chỉ có 2,5 tháng hốt bạc trăm triệu ngon cơm hơn. Cây dừa Bình Đại từng che đạn cho dân làng trong chiến tranh, thoát nghèo sau giải phóng vậy mà bây giờ nói chuyện đốn dừa nuôi TTCT chẳng ai lưu luyến mặc dù giá 1 chục dừa khô = 1 kg TTCT. Ông Võ Thành Công, ấp 1, xã Phú Long mới đầu tư vụ đầu tiên trong năm nay trên 3.000m2 đất vườn dừa cũng đã thắng đậm. Sau 75 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng 60 con/kg, tổng thu hoạch được 3,5 tấn, giá bán 115.000 đồng/kg, tổng thu hơn 402 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi khoảng 250 triệu đồng.

Người dân trong vùng ngọt hóa huyện Bình Đại, Bến Tre thuê xe cuốc phá vườn dừa đào ao nuôi TTCT

Chính hiệu quả quá cao như thế nên càng lúc càng có nhiều nông dân các xã ven sông Tiền thuộc vùng quy hoạch ngọt hóa như: xã Phú Vang, Phú Long, Vang Quới Tây, Lộc Thuận… đã mạnh tay phá vườn dừa, khoan giếng lấy nước mặn để nuôi TTCT trong vùng ngọt hóa. Dẫu biết sai với quy hoạch định hướng phát triển kinh tế của địa phương nhưng bà con vẫn làm. Những ngày qua, các xã đã chỉ đạo ngành chức năng xuống địa bàn lập biên bản, vận động bà con không nên ồ ạt đốn dừa đào ao nuôi TTCT trong vùng quy hoạch ngọt hóa. Do chưa có các biện pháp chế tài, xử phạt hành chính nên nhiều hộ vẫn lén lút phá dừa tiếp tục nuôi TTCT. Thậm chí có nhiều vườn dừa cho hiệu quả kinh tế khá cao cũng đang bị tiêu diệt một cách không thương tiếc.

 

Cần tỉnh táo

Ông Trần Thanh Hùng, ở ấp Lộc Hòa, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại vừa đốn hạ 5 công dừa, thuê máy Kobe đào ao để nuôi TTCT. Ông Hùng cho biết: Phá 1.000m2 trồng dừa để đào ao nuôi tôm tốn 14 triệu đồng; thuê khoan giếng lấy nước mặn tốn 12 triệu đồng, cộng với con giống, dàn quạt… mất gần 70 triệu đồng/công. Dù gia đình không đủ tiền nhưng vẫn đi vay nợ để đầu tư nuôi TTCT. Chưa biết số phận ra sao nhưng thấy bà con nuôi TTCT đạt hiệu quả cao hơn cây dừa nên học làm theo. Ông Lê Văn Tám, xã Lộc Thuận, Bình Đại cũng vừa đốn 4.000m2 vườn dừa, nói: Người dân xứ này đều hiểu rõ vùng ngọt hóa không cho đào ao nuôi tôm biển, nhưng cứ dựa mãi vào cây dừa không thể khá được. Ai cũng muốn đổi đời với mong muốn TTCT sẽ là “cứu cánh” của dân vùng ngọt hóa.

Ông Mai Thiên Phụng, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thuận cho biết: Lộc Thuận thuộc tiểu vùng 2 – vùng ngọt hóa của dự án cống đập Ba Lai. Cây dừa, lúa, mía, hoa màu, thủy sản nước ngọt… là những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây do TTCT cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ sau vài vụ nuôi đã đổi đời. Đến nay đã có trên 10 ha vườn dừa bị đốn chuyển sang nuôi TTCT; bước đầu có nhiều hộ thu lợi nhuận cao gấp nhiều lần so trồng dừa, tuy nhiên cũng có hộ thất bại do không rành kỹ thuật.


Dừa ở huyện Bình Đại, Bến Tre bị đốn ngã chỏng chơ

Vấn đề nuôi TTCT trong vùng ngọt hóa đang dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, nước mặn sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của những loại cây – con chuyên về nước ngọt. Nuôi TTCT đan xen trong vườn dừa nếu bà con phun xịt thuốc hóa học trừ bọ dừa lan sang ao tôm gây chết tôm sẽ xử lý ra sao? Thực tế đã có trường hợp dân vùng ngọt hóa phản đối những hộ tự ý lấy nước mặn nuôi TTCT, vì lo lắng sự xáo trộn về sản xuất tại vùng ngọt. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Bến Tre cũng đang bối rối về chuyện nuôi TTCT trong vùng ngọt hóa. Con TTCT cho hiệu quả kinh tế cao là điều đáng mừng, tuy nhiên tỉnh không khuyến cáo người dân phá vườn dừa đào ao nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Kiểu phát triển tràn lan, ngoài vùng quy hoạch không kiểm soát được sẽ xảy ra phản ứng ngược là không ngoài cảnh báo.

Lãnh đạo huyện Bình Đại, Bến Tre cho biết, huyện chỉ quy hoạch 4 xã nuôi tôm biển nhưng đến thời điểm này đã phát triển lan ra khu vực ngọt hóa. Nguyên nhân chính là do dự án đê bao và cống dọc hệ thống sông Tiền để ngăn mặn, trữ ngọt chưa được đầu tư khép kín nên người dân vẫn đào ao nuôi tôm biển. Còn đối với con TTCT, huyện quy hoạch diện tích nuôi đến năm 2015 là 800 ha và năm 2020 phát triển lên 1.000 ha. Nhưng chỉ vụ nuôi năm 2011, diện tích nuôi TTCT đã hơn 1.000 ha.

 

Giữ hay đốn dừa để nuôi tôm?

– Ông Nguyễn Văn Sơn, ấp 2, xã Bình Thới, Bình Đại, Bến Tre: Vườn dừa cho lợi nhuận chỉ 500.000 đồng/tháng, trong khi đó nếu nuôi TTCT chỉ cần 2,5 tháng là có thể kiếm hàng trăm triệu đồng nên tui mới mạnh dạn đốn hạ (5.000m2) vườn dừa đang cho trái để nuôi tôm.

 

– Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre: So với nhiều loại cây trồng lẫn vật nuôi khác, dù hiệu quả kinh tế mang lại của cây dừa vẫn chưa cao, nhưng xét về tính bền vững, dịch bệnh và thổ nhưỡng đất nơi đây, cây dừa vẫn giữ vị trí số 1. Việc nông dân ồ ạt đốn dừa chuyển sang nuôi TTCT là một quyết định sai lầm, cần phải chấm dứt ngay. Nông dân cần cân nhắc rằng, 2 năm trở lại đây giá dừa cũng liên tục tăng cao, lại ít gặp rủi ro dịch bệnh; trong khi đó, dù giá tôm tăng cao trong những tháng gần đây, lợi nhuận thu được có thể rất lớn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Thanh Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!