Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), trong tháng 2/2014, đơn vị này đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành lấy các mẫu nghêu và nước tại huyện Giao Thủy (Nam Định) để kiểm tra các chỉ tiêu độc tố sinh học biển, tảo độc, vi sinh vật và kim loại nặng.
Kết quả, trong 50 mẫu nhuyễn thể và 100 mẫu nước được lấy kiểm tra đã phát hiện Salmonella, một loại khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, trong 1 mẫu nghêu thu hoạch và tiến hành xử lý theo quy định.
Một số mẫu nhuyễn thể được kiểm tra nhiêm khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm – Ảnh: Trần Út
Chia sẻ về công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT cũng đã chủ trì 3 Đoàn thanh tra liên ngành về vệ sinh ATTP tại 6 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Long An, và An Giang. Kết quả, trong 20 cơ sở được thanh, kiểm tra đã phát hiện 13 cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh ATTP (chiếm 65%). Các vi phạm chủ yếu về ghi nhãn, quảng cáo, điều kiện vệ sinh, chất lượng sản phẩm thực phẩm và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Theo đó, Đoàn đã đề nghị các đơn vị chức năng xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra đánh giá này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, hầu hết các tỉnh chưa tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ, một số loại hình sản xuất kinh doanh được tổ chức tái kiểm tra nhưng tỷ lệ xếp loại C (không đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP) còn rất cao, riêng lĩnh vực thủy sản có tới 90% cơ sở thu gom, kinh doanh nguyên liệu thủy sản; 94,6% cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản không đạt yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương và người dân cần nâng cao nhận thức về quản lý chất lượng và ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, các đơn vị cần sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.