T4, 18/11/2020 11:19

Phát triển kinh tế biển từ thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việt Nam là quốc gia biển với đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh kín gió, đây được đánh giá là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển thủy sản. Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, thúc đẩy nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những trọng tâm đặt ra.

Nhiệm vụ lớn

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một trong những mục đích của kế hoạch hành động lần này là xác định rõ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện đối với từng lĩnh vực trong ngành NN&PTNT giai đoạn đến năm 2045, kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đến năm 2025, sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao các ứng dụng khoa học, công nghệ tiến tiến, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển.

Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển kinh tế biển; Xác định phạm vi, ranh giới quản lý thủy sản giữa các địa phương có biển, bảo đảm phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia và quy định của pháp luật về biển.

Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển.

Triển khai toàn diện

Đến năm 2025, Bộ NN&PTNT đảm bảo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển như khai thác thủy sản, nuôi biển, các công trình trên các vùng hải đảo và các ngư trường trọng điểm. Cùng đó, tiếp tục xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Thực hiện đầu tư hiệu quả xây dựng và phát triển 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm…

Về nuôi trồng thủy sản

Chuyển đổi từ các mô hình nuôi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường. Trong đó, tiếp tục phát triển mạnh các đối tượng tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái; Hình thành các vùng nuôi tập trung có quy mô diện tích lớn phù hợp với thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản; Duy trì, phát triển các hình thức nuôi hữu cơ (nuôi sinh thái) để vừa tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

Cùng đó, phát triển nuôi biển thành lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa; Áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất giống, tập trung nguồn lực để tạo nguồn giống sạch bệnh, trước hết đối với tôm sú, tôm chân trắng…

Về khai thác thủy sản

Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản. Củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản; Hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực. Chuyển dịch mạnh hoạt động khai thác gần bờ ra xa bờ. Khẩn trương chuyển một bộ phận lớn lao động khai thác hải sản ven bờ sang hoạt động các ngành nghề khác như: du lịch, nuôi trồng thủy sản… Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác hải sản trên các vùng biển.; Xây dựng và thiết lập cơ chế, chính sách quản lý khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Chống đánh bắt cá bất hợp pháp, hủy diệt nguồn lợi…

Để thực hiện tốt điều này, Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng và khai thác hải sản, góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất vỏ tàu, máy tàu, ngư cụ; Nghiên cứu hoàn thiện chuyển giao ứng dụng một số công nghệ khai thác hải sản tiên tiến vùng biển xa bờ Việt Nam (lưới vây, câu, chụp, rê). Nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ và thiết bị bảo quản trên tàu cá phù hợp với từng loại nghề khai thác để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch một số đối tượng chủ lực, đặc sản, có sản lượng lớn ở các vùng biển xa bờ như: cá ngừ đại dương, cá thu, mực đại dương, mực ống, cá nổi nhỏ…

>> Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: Tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác có tính hủy diệt, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác trên các vùng biển; đẩy mạnh khai thác xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp; điều chỉnh số lượng tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản trên từng vùng biển hiệu quả, bền vững.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!