T2, 06/07/2020 09:54

Phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản ở Tp. Cần Thơ: Hiệu quả nhưng chưa bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, đã có không ít hộ nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ thoát nghèo và có thu nhập khá, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ phát triển các mô hình nuôi thủy sản đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản tại thành phố đang gặp phải một khó khăn lớn là chưa bền vững, còn gặp nhiều rủi ro, nhất là các rủi ro về thị trường, dịch bệnh…

Tăng cao thu nhập nhờ phát triển nuôi thủy sản

Dù có 1 ha lúa nhưng gia đình ông Trương Văn Phước ở ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, vẫn có thu nhập khá khiêm tốn với 30 – 40 triệu đồng/năm. Với số tiền này, gói ghém lắm mới đủ trang trải cho các chi phí chi tiêu hằng ngày của gia đình, nói chi tới chuyện vươn lên làm giàu. Nhận thấy thu nhập từ cây lúa còn hạn chế nên ông Phước đã tận dụng các ao xung quanh nhà để phát triển mô hình nuôi cá lóc trong vèo. Ông Phước, cho biết: “Tính đến nay tôi đã gắn bó với mô hình nuôi cá lóc trong vèo được 11 năm rồi. Cùng với lúa, hiện cá đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Năm nào cá nuôi trúng, bán được giá cao, có thể lời được vài chục triệu đồng, còn tệ lắm cũng có lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Nuôi cá lóc trong vèo có lợi thế hơn so với nuôi heo và một số loại vật nuôi khác ở chỗ là có thể khai thác, đánh bắt thêm các nguồn thức ăn tự nhiên để cho cá lóc ăn, nhờ vậy giảm được chi phí…”.

Mô hình nuôi ếch trong vèo của anh Nhâm Hữu Trí ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào nuôi ếch đã bắt đầu phát triển mạnh tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ. Nhờ nuôi ếch, nhiều hộ dân có điều kiện tăng cao thu nhập và trở nên khấm khá. Anh Nhâm Hữu Trí ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, từ năm 2009, thấy nhiều nơi phát triển nuôi ếch trong vèo cho hiệu quả cao, anh quyết định nuôi. Đến nay, anh không chỉ mướn thêm đất của bà con trong xóm để phát triển nuôi đàn ếch thịt gần 10.000 con mà còn sản xuất được ếch giống tự nuôi và cung cấp hàng chục ngàn con ếch giống cho bà con trong xóm cùng nuôi. “Nhờ nuôi ếch mà gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn trước và trở nên khấm khá hơn. Để nuôi khoảng 1.000 con ếch thịt, người nuôi chỉ bỏ vốn đầu tư khoảng 3 triệu đồng, nuôi với thời gian khoảng 2 – 3,5 tháng. Chỉ cần nuôi đạt được 200 kg ếch thịt, với giá bán hiện nay khoảng 25.000 – 29.000 đồng/kg (mức giá này đã giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cách 2 tháng) đã có lời khoảng 2 triệu đồng” – anh Nhâm Hữu Trí tâm sự.

Những năm gần đây, nông dân tại các địa phương như: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt… cũng đã phát triển nuôi nhiều loại thủy sản khác trong vèo như: cá trê vàng lai, cá rô phi, điêu hồng… Đồng thời, phát triển các mô hình nuôi cá trong ao, hầm, trên chân ruộng lúa, nuôi tôm càng xanh luân canh với lúa, nuôi lươn trong các vuông cao su đặt trên cạn…

 

Còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả cao là một việc làm cần thiết nhằm giúp các hộ nông dân tăng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Thực tế cho thấy, thời gian qua tại thành phố đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nuôi thủy sản và có không ít mô hình được nhân rộng phát triển… Tuy nhiên, nhìn chung sự phát triển của nhiều mô hình nuôi thủy sản tại thành phố còn thiếu tính bền vững và sự phát triển của một số mô hình có xu hướng chậm lại, thậm chí sụt giảm so với các năm trước.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện có hơn 799 ha diện tích mặt nước nuôi các loại thủy sản như: cá tra, các loại cá trắng, ếch, lươn, tôm…, diện tích này tương đương so với các năm trước. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm càng xanh trên toàn huyện chỉ còn 54 ha, giảm hơn 50% so với các năm trước. Diện tích nuôi tôm càng xanh giảm so với các năm trước chủ yếu do lợi nhuận không còn hấp dẫn người dân như trước đây và việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó do chủ yếu tiêu thụ ở nội địa. Ông Phan Văn Hùng ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, có 1 ha đất sản xuất lúa luân canh với nuôi tôm càng xanh, cho biết thêm: “Trước đây, ở khu vực này có cả chục hộ nuôi 1 vụ tôm luân canh với 1 vụ lúa trong năm với diện tích lên đến 20 ha, nhưng hiện chỉ còn 2 hộ nuôi với diện tích chưa tới 2 ha. Để nuôi 1 ha tôm, người nuôi phải bỏ chi phí cả trăm triệu đồng, nhưng lợi nhuận thu được chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm. Mức lợi nhuận này thấp hơn hoặc chỉ tương đương so với sản xuất 2 – 3 vụ lúa trong năm. Nhưng rủi ro trong nuôi tôm tăng so với trước đây, do nguồn nước sông bị ảnh bởi việc phát triển nuôi cá tra và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, bây giờ thương lái đến mua tôm chỉ mua 100 – 200 kg/lần theo nhu cầu của các nhà hàng chứ không phải có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu như trước đây”.

Chi phí nuôi trồng ngày càng tăng cao và đầu ra sản phẩm bấp bênh đang trở thành khó khăn lớn đối với việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản. Thời gian qua, đã có không ít người nuôi cá tra, thậm chí cá lóc, cá trê vàng lai, cá rô đầu vuông… bị lỗ nặng hoặc có lợi nhuận ngày càng ít do giá bán sản phẩm đầu ra bấp bênh và chưa tương xứng với các chi phí đầu vào. Ngoài ra, hiệu quả sản xuất còn giảm bởi tình trạng thiếu con giống đảm bảo chất lượng, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm và sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại bệnh và dịch hại… Để giải quyết các khó khăn này, nhà nông rất cần sự trợ lực của các ngành chức năng trong việc tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo chất lượng con giống và bình ổn giá thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư đầu vào. Đồng thời, tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác giữa “4 nhà” nhằm gắn kết chặt giữa sản xuất và tiêu thụ.

KHÁNH TRUNG

Theo Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!