Với lợi thế mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình, thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển nuôi cá lồng vùng hồ. Đến nay, đã có 4,7 nghìn lồng, sản lượng trên 4 nghìn tấn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Phát triển nuôi trồng thủy sản lòng hồ góp phần đưa sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 11,15 nghìn tấn. Các doanh nghiệp, HTX nuôi cá lồng đầu tư nuôi theo công nghệ tiên tiến, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi tạo giá trị gia tăng, hướng tới có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ dân phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU, ngày 13/6/2014 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020. UBND tỉnh có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn tỉnh có 20 cơ sở nuôi cá lồng, quy mô trên 20 lồng/cơ sở, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như Tập đoàn Marvin triển khai dự án nuôi cá diêu hồng và rô phi ứng dụng công nghệ cao 24 lồng tròn, thể tích 2.000 m3/lồng/100 ha mặt nước, sản lượng dự kiến khoảng 5 nghìn tấn/năm. Công ty Việt Đức với 100 lồng nuôi cá tầm; Công ty TNHH Cường Thịnh nuôi 200 lồng; HTX Hiền Lương, xã Hiền Lương (Đà Bắc) nuôi 120 lồng…
Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất các loại ruốc cá.
Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, các doanh nghiệp, HTX ký kết với hộ dân thực hiện nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như Công ty cá sạch Sông Đà, Công ty Việt Đức, Công ty Minh Phú, Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng, Công ty TNHH Cường Thịnh cung cấp con giống, thức ăn, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Với cách làm đó, người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng đảm bảo là lợi thế để cá lồng hồ Hòa Bình tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, có nhiều sản phẩm cá và chế biến từ cá đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh như: Cá lăng đen sông Đà file, cá rô phi sông Đà file của Công ty TNHH Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen, ruốc cá lăng đen, ruốc cá lăng vàng sông Đà của Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng cho biết: Thời gian qua, công ty đã đầu tư, liên kết nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo ATVSTP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty duy trì khoảng 180 lồng, nuôi các loại cá: Lăng đen, lăng vàng, trắm đen, trắm, chép, tầm…, sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Trong đó, cá lăng đen, lăng vàng, trắm đen chiếm khoảng 70% tổng sản lượng cá của công ty. Với mong muốn quảng bá sản phẩm cá sông Đà tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế, công ty đã nghiên cứu để chế biến 3 loại cá đặc sản hồ Hòa Bình, gồm: Lăng đen, lăng vàng, trắm đen thành sản phẩm ruốc cá để tiện sử dụng mà vẫn giữ nguyên được hương vị, giá trị dinh dưỡng. Tháng 4/2019, công ty bắt đầu làm các loại ruốc cá. Chúng tôi ký hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) để sơ chế, đóng gói (công ty áp dụng hệ thống quản lý ATVSTP HACCP, ISO 22000). Ruốc cá được đóng bằng lọ thủy tinh, khối lượng 40g, 100g, gắn tem truy xuất nguồn gốc trên từng lọ. Các sản phẩm ruốc cá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao mở ra cơ hội lớn đưa sản phẩm của công ty vươn tới thị trường xuất khẩu.
Thời gian tới, để phát triển nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững, hướng tới sản phẩm OCOP, các hộ cần thành lập HTX nghề cá, nhằm liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hướng sản phẩm ra thị trường khu vực, thế giới. Đầu tư mở rộng quy mô nuôi; lựa chọn, phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.