(TSVN) – Ngày 28/11, tại thành phố Thái Bình, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức diễn đàn phát triển thị trường tiêu thụ ngao, hàu tại các tỉnh ven biển phía Bắc trong bối cảnh mới. Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện 8 tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngao, hàu.
Hiện, diện tích nuôi nhuyễn thể hiện nay của nước ta khoảng trên 52.930 ha, trong đó ngao có 29.030 ha diện tích nuôi. Hiện tại có 2 loài ngao đang được nuôi phổ biến là ngao đá (ngao trắng) và ngao dầu. Ngao được xem là đối tượng nuôi chủ lực ở hầu hết các tỉnh ven biển Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn chung, các mặt hàng ngao khá được ưa chuộng và tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc nuôi ngao tại các tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục như nuôi tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết vùng nuôi; trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu; công nghệ chế biến đơn giản…
Diễn đàn phát triển thị trường tiêu thụ ngao, hàu tại các tỉnh ven biển phía Bắc trong bối cảnh mới
Diễn đàn thúc đẩy thị trường tiêu thụ ngao, hàu các tỉnh ven biển phía Bắc lần đầu tiên được tổ chức nhằm đánh giá tình hình sản xuất, an toàn dịch bệnh, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với phát triển thị trường tiêu thụ. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trao đổi thông tin và giới thiệu một số mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, tạo cơ sở để kết nối, phát triển thị trường, đồng thời trao đổi để tìm giải pháp hiệu quả, phát triển bền vững ngành ngao, hàu tại các tỉnh ven biển phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngao, hàu và định hướng, giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ bền vững; tham quan khu trưng bày, quảng bá các sản phẩm ngao, hàu.
Toàn cảnh diễn đàn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, để phát triển nông nghiệp bền vững nói chung, phát triển ngao, hàu nói riêng, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất và các nhà quản lý cần tập trung vào 6 vấn đề cốt lõi là tìm kiếm thị trường; tăng cường hợp tác; đẩy mạnh các khâu, chuỗi liên kết; đồng thời tìm giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất; đưa ứng dụng, tiến bộ khoa học vào sản xuất; hướng đến chế biến tinh; gia tăng chất lượng sản phẩm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh.
Có 5 biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết tại diễn đàn
Tại diễn đàn đã có 5 biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất ngao nhằm thúc đẩy liên kết trong cung ứng nguồn giống, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngao, hàu.
Nằm trong khuôn khổ diễn đàn, chiều ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu tới khảo sát và làm việc tại Công ty Thủy sản Lenger – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ngao lớn tại Nam Định.
Một số hình ảnh tại diễn đàn:
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan Ngao, hàu còn rất nhiều tiềm năng Diễn đàn này là dịp để chúng ta tìm ra chiến lược phát triển bền vững ngành hàng ngao hàu, một ngành hàng có tiềm năng phát triển ra thị trường thế giới. Nói cách khác, đây là dịp để định vị được ngành hàng ngao hàu của chúng ta đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu, đi bằng cách nào. Chúng ta cần phải phát triển để có thể xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu ngao, hàu thô, cần áp dụng công nghệ chế biến để tạo ra hàm lượng giá trị cao trong ngành nông nghiệp nhiều tiềm năng như này. Chúng ta phải làm sao ngành ngao, hàu không còn chỉ là một sản phẩm nông sản xứ biển mà nó phải là kết tinh của giá trị công nghiệp chế biến. Bên cạnh việc sản xuất đơn thuần thì chúng ta cần nghiên cứu thêm những sản phẩm dược phẩm hoặc mỹ phẩm từ ngao, hàu để tạo ra các giá trị gia tăng, tạo ra hình ảnh ngao, hàu có chất lượng cao hơn. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một chiến lược phát triển ngành hàng ngao, hàu còn rất nhiều tiềm năng này. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là việc đưa tất cả các ngành hàng nông sản vào một chuỗi liên kết. Chuỗi liên kết đó sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng và sự liên bết bền vững hơn giữa người nuôi và doanh nghiệp. |
>> Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nuôi ngao hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường Diện tích nuôi ngao của Thái Bình tăng mạnh từ 1.089 ha (năm 2010) lên 3.169 ha (năm 2019); sản lượng ngao từ 30.100 tấn (năm 2010) tăng lên 110.306 tấn (năm 2019). Những năm gần đây, người dân phát triển thêm đối tượng nuôi mới là hàu tại khu vực cửa sông Ba Lạt, xã Nam Phú (Tiền Hải) với 4 hộ nuôi, tổng số 420 bè, sản lượng đạt 1.470 tấn/năm. Kết quả bước đầu cho thấy nuôi hàu cửa sông thích nghi tốt với điều kiện môi trường và có khả năng phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, sản lượng ngao nuôi của tỉnh Thái Bình lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 44,5%). Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, chế biến ngao, hàu theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ như sản phẩm làm sẵn, ăn liền. Tổ chức có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu nước ngoài. |
>> Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Khó khăn nhất là con giống Một trong những khó khăn nghề nuôi ngao hàng hóa tập trung tại các tỉnh ven biển, trong đó có các tỉnh phía Bắc hiện nay là nguồn giống. Hàng năm, nhu cầu ngao giống của cả nước là 70 tỷ con, trong đó nguồn giống gốc từ sinh sản nhân tạo chỉ đạt 15 – 20 tỷ con. Nguồn giống cho nuôi thương phẩm vẫn còn dựa vào tự nhiên nên thiếu tính chủ động về chất lượng và số lượng. Mặt khác, nguồn giống này thiếu sự quản lý, khai thác hợp lý nên đang có nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, việc nuôi ngao tại các địa phương ven biển hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu bền vững. |
>> Ông Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)
Chất lượng sản phẩm phải được nâng cao Những năm qua, diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản liên tục tăng trưởng qua các năm. Nếu năm 2010 diện tích nuôi nhuyễn thể là 23.930 ha, sản lượng đạt 135.011 tấn, đến năm 2019 diện tích nuôi nhuyễn thể đã đạt 41.200 ha, sản lượng đạt 300.000 tấn. Cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở chế biến nhuyễn thể 2 mảnh vỏ xuất khẩu với thị trường chủ yếu là các nước EU, Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Á… Năm 2020, sản lượng xuất khẩu khoảng 50.000 tấn, tiêu thụ nội địa 250.000 tấn. Giá trị kinh tế từ nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ (trong đó có ngao, hàu) ngày càng cao. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích nuôi ngao của cả nước sẽ đạt 24.550 ha, sản lượng đạt trên 393.000 tấn. Dự báo đến năm 2030 tổng sản lượng xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của cả nước đạt trên 74.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 201 triệu USD. Với thị trường ngày càng mở rộng, yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn đòi hỏi người sản xuất, đơn vị chế biến phải cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ, đảm bảo các yêu cầu khắt khe của thị trường nhất là thị trường các nước EU, Nhật Bản, Mỹ. Ngọc Diệp (ghi) |