Phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Trong thời điểm giao mùa thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong ao, cá dễ nhiễm bệnh. Xin tư vấn các biện pháp phòng bệnh?

(Phan Văn Hải, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

– Vệ sinh ao đầm sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi: Dọn sạch cỏ; vét bùn đáy ao; lấp các lỗ xung quanh bờ ao; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định pH và diệt tạp.

– Chọn loài cá nuôi phù hợp: Hiện nay có rất nhiều loại cá nuôi. Để chọn được loài cá nuôi thích hợp, cần căn cứ vào điều kiện từng vùng sinh thái khác nhau, nhu cầu của thị trường và khả năng đầu tư của hộ chăn nuôi.

– Chất lượng con giống: Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, cá tương đối đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, trầy xước, nên mua giống ở những nơi uy tín… Trước khi thả giống cần tắm cá giống qua nước muối 2 – 3% trong 5 – 10 phút để sát trùng.

– Mật độ thả thích hợp: Nên thả đúng mật độ tùy theo từng loài cá: Nhóm cá không có cơ quan hô hấp phụ (rô phi, mè hoa, trắm cỏ, chép…) thả với mật độ dưới 3 – 4 con/m2; nhóm cá có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, rô đồng…) thả với mật độ 5 – 10 con/m2. Thả cá đúng mật độ để cá lớn nhanh, lớn đều, ít bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi.

– Nuôi ghép: Trong cùng một ao có thể nuôi ghép các loại cá với nhau để tận dụng không gian mặt nước và các loại thức ăn có trong ao vì mỗi một loại cá sống ở một tầng nước và sử dụng thức ăn khác nhau.

– Chăm sóc đúng kỹ thuật, cho ăn theo 4 định: Định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là tấm cám nấu thì nên để vào sàng cho cá ăn để dễ quản lý được thức ăn.

– Tăng cường chất dinh dưỡng: Cho ăn đủ chất, bổ sung thêm một số chất vi lượng để tăng cao sức đề kháng cho cá như Vitamin C…

– Đánh bắt vận chuyển cá nên nhẹ nhàng, tránh xây xát cho cá.

– Định kỳ 2 tuần/lần dùng vôi bột té đều khắp mặt ao với lượng 2 – 3 kg/100 m3 nước.

Hỏi: Cá trắm cỏ bị bệnh đốm đỏ thì biện pháp xử lý như thế nào?

(Ông Nguyễn Lương Bắc, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang)

Trả lời:

Bệnh đốm đỏ xuất hiện quanh năm, thường tập trung vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè (tháng 3 – 5) mùa thu (tháng 8 – 10) khi nhiệt độ nước 25 – 30oC. Biểu hiện cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, cá mất nhớt thô ráp, xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ thể, mắt lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần, thường gặp ở cá trắm cỏ. Tỷ lệ chết từ 30 – 70%. Để điều trị bệnh, có thể dùng thuốc Tiên đắc 50 g/50 kg cá/1 ngày, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục, thuốc được trộn vào thức ăn nấu chín để nguội hoặc trộn vào thức ăn tổng hợp trước khi cho ăn từ 30 – 60 phút. Trong quá trình nuôi, trước thời điểm giao mùa, cần bổ sung Vitamin C cho vào thức ăn cá giống 4 g/1 kg cá/ngày, cá thịt 2 g/1 kg cá/ngày, cho ăn 3 ngày liên tục. Dùng thuốc Tiên Đắc trước một tháng để phòng bệnh trước khi thời tiết chuyển mùa, lượng 50 g/ 250 kg cá/ngày, cho ăn 3 ngày liên tục.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!