Phú Yên: Cắm tre, thả bè… nuôi vẹm

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân sống quanh vùng vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) đang triển khai mô hình cắm tre, thả bè… nuôi vẹm. Chi phí đầu tư ban đầu không lớn nhưng người nuôi thu nhập cao từ nghề nuôi vẹm này.

Tại bờ vịnh gần ngã ba Trung Trinh, ông Phan Văn Toàn, một nông dân ở đây, đang cắm tre xuống nước để nuôi vẹm. Ông lựa ba cây tre cắm theo hình tam giác chụm đầu ngọn lại, phía dưới giằng đá giống như cái kiềng ba chân. Trước khi cắm tre, ông Toàn quấn vải mùng giữa thân tre đoạn ngâm dưới nước, chừa trống lại phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô trên mặt nước. Ông Toàn cho hay: Sở dĩ phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Đây là nghề mới của người dân ven vịnh Xuân Đài, ăn theo nghề quay rớ. Những năm gần đây, mỗi khi dùng tre cắm xuống vịnh làm nhà chồ quay rớ thì vẹm bám dày nên năm ngoái có người mua tre cắm thử rồi nuôi vẹm rất hiệu quả. Hiện nay, hàng trăm người cắm tre nuôi vẹm.

Người dân cắm tre, thả bè trên vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) nuôi vẹm – Ảnh: L.Trâm

Ông Trần Bảy, một người dân ở Vũng Mắm, cho hay: Mỗi cây tre có giá 40.000 đồng, chi phí quấn vải mùng nữa là 50.000 đồng. Năm ngoái, tôi cắm thử 20 cây tre, trung bình mỗi cây tre có 20 – 30 kg vẹm bám vào, bán với giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây tre thu vào giá thấp nhất 400.000 đồng. Năm nay, tôi cắm 200 cây tre, với số lượng tre như hiện nay tôi sẽ thu được 80 triệu đồng. Thu hoạch vẹm cũng đơn giản, lắc thúng chai ra chỗ cắm tre, nhổ cây gác ngang qua thúng dùng rựa trành dạt cho vẹm rớt xuống thúng. Cũng theo ông Bảy, vẹm nuôi trung bình 10 tháng thu hoạch lứa đầu với con lớn trước, còn nhỏ chừa lại tháng sau, cứ như vậy thu hoạch gối đầu mỗi tháng một lần.

Xuôi xuống Vũng Me, ông Đinh Văn Lực, một người dân ở đây nuôi vẹm kiểu mới bằng cách thả bè tre. Ông Lực cho biết: Bè tre tôi kết lại từ 100 cây tre. Nếu cắm tre nuôi vẹm thì lãng phí chỗ phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô lên trời, còn thả bè thì quấn vải mùng hết cây rồi thả xuống nước, chi phí ban đầu lên đến 60.000 đồng/cây tre, tuy nhiên số lượng vẹm bán nhiều hơn, khoảng 35 – 40 kg/cây. Một cây tre thả bè “ăn” được ba năm, còn cắm thì hai năm mục gốc.

Vịnh có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, hàng ngàn người dân quanh vùng đến đây làm nghề nuôi tôm hùm. Nếu nuôi vẹm bán không hết làm mồi cho tôm hùm ăn rất tiện lợi, vì vậy nuôi vẹm ở đây không lo khâu đầu ra. Theo người dân sống ven vịnh Xuân Đài, hai năm qua, vẹm xuất hiện nhiều bám vào bờ đá, lồng nuôi tôm hùm. Có lồng sau một năm nuôi vớt lên cạo gần 2 tạ vẹm, tuy nhiên vẹm bám vào khiến lưới lồng nhanh rách.

Ông Ngô Xuân Lai, Trưởng Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TX Sông Cầu, nói: Mô hình nuôi vẹm đang phát triển mạnh ở vịnh Xuân Đài. Loại vẹm xanh đang nuôi không có dịch bệnh, trong quá trình nuôi không đầu tư thức ăn, bán được giá nên được nhiều người dân nuôi.

Trâm Trân

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!