(TSVN) – Yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong sự sinh trưởng và phát triển của tôm hùm. Việc hiểu và cải thiện các yếu tố môi trường có thể giúp nâng cao hiệu suất sản xuất và tăng cường sức khỏe của tôm.
Đặc trưng của tôm hùm là lột xác trong quá trình sinh trưởng, mỗi lần lột xác, tôm có sự tăng lên về kích thước và trọng lượng. Chu kỳ lột xác của mỗi loài tôm hùm phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh như: nhiệt độ nước, ánh sáng, độ mặn, thức ăn… và các yếu tố nội tại của cơ thể như sự điều tiết của các hormone lột xác hay hormone ức chế lột xác… Các yếu tố này luôn có mối quan hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm hùm, đặc biệt ở giai đoạn tôm con, những thay đổi đột ngột của môi trường thường dẫn đến tôm chết.
Lựa chọn địa điểm đặt lồng nuôi phù hợp. Ảnh: Lê Châu Đạo
Đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của tôm nuôi. Tôm nuôi có thể nổi đầu dẫn đến tôm chết từ rải rác đến hàng loạt khi DO trong nước quá thấp.
Nhiệt độ: Là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của tôm hùm, nhiệt độ quá cao (>31oC) hoặc quá thấp (<24oC) làm cho tôm ăn ít, kém hoạt động. Những đợt nắng nóng hoặc các đợt lạnh kéo dài làm ảnh hưởng khả năng hô hấp của tôm làm chúng chậm phát triển hoặc chết dần. Nhiệt độ nóng cũng kích thích cho sự phát triển của vi khuẩn gây dịch bệnh ảnh hưởng đến sinh trưởng của con tôm.
Độ mặn: Nếu độ mặn tăng lên khoảng 8 – 10‰ hầu như tôm con đều bị chết. Hoặc độ mặn thấp 20-25‰ kéo dài 3-5 ngày cũng gây nên tình trạng chậm phát triển hoặc chết rải rác ở tôm con. Giai đoạn trưởng thành khi độ mặn giảm xuống 20‰ tôm hùm rất yếu và không bắt mồi.
Dòng chảy: Dòng chảy tạo điều kiện cho sự khuyếch tán nguồn giống của tôm hùm và cả khả năng lưu thông nước. Dòng chảy có vận tốc tương đối cao tạo khả năng lưu thông nước tốt, tạo hàm lượng ôxy nhiều trong môi trường nước, rửa trôi các chất thải do hoạt động nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của con tôm.
NH3: Là một loại khí độc với tôm hùm. NH3 ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, sinh trưởng đối với thủy sinh vật. Đối với một số loài giáp xác cũng đã được nghiên cứu, ở nồng độ 0,09 mg/l NH3 làm giảm sự sinh trưởng của tôm càng xanh, ở nồng độ 0,45 mg/l làm giảm 50% sự sinh trưởng của các loài tôm he.
H2S: Khí H2S trong môi trường thủy sản được hình thành từ quá trình phân hủy chất hữu cơ của vi khuẩn trong điều kiện yếm khí. Trong cơ thể, H2S sẽ kết hợp với Hemoglobin ngăn cản việc vận chuyển ôxy trong máu, khiến tôm bị thiếu ôxy, tác động rất xấu đến tốc độ tăng trưởng và sự sống của tôm nuôi.
Địa điểm nuôi hay chính là môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nuôi tôm, quyết định nhiều tới sự thành bại của vụ nuôi. Do đó, người nuôi cần lựa chọn địa điểm đặt lồng phù hợp. Ðịa điểm phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có nền đáy là cát hoặc cát pha bùn lẫn san hô và không bị ô nhiễm. Lồng nuôi thường được đặt ở vùng nuôi có độ mặn từ 28 – 36‰; DO khoảng 6,2 – 7,2 mg/l; pH từ 7,5 – 8,5; nhiệt độ từ 24 – 31oC. Nơi có độ sâu mực nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là từ 4 – 8 m để trao đổi nước tốt hơn; tốc độ dòng chảy 50 cm/s. Kinh nghiệm đặt đáy lồng cách đáy biển ít nhất là 1 m. Vùng nuôi có nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi sóng lớn, nước mưa hay ô nhiễm công nghiệp.
Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời, cụ thể:
Nhiệt độ: Luôn đảm bảo duy trì ngưỡng thích hợp 26 – 30oC, người nuôi cần tiến hành kiểm tra 1 lần/ngày. Khi nhiệt độ <26oC cần hạ sâu lồng nuôi kết hợp với các biện pháp chăm sóc, quản lý nhằm nâng cao sức đề kháng như: giảm 30% lượng thức ăn, bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C, B. Khi nhiệt độ >30oC, chủ động nên dùng lưới lan che mát trên mặt lồng nhằm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress.
Độ mặn: Trong khoảng 28 – 36‰, mỗi ngày kiểm tra 1 lần. Khi độ mặn nằm ngoài ngưỡng cho phép, thực hiện di chuyển lồng bè đến vị trí thích hợp. Khi trời giông bão, tránh đưa lồng lên tầng nước mặt, di chuyển lồng bè ra xa khu vực có ảnh hưởng của nguồn nước ngọt.
DO: Luôn duy trì ở mức ≥5, định kỳ đo 2 lần/ngày. Nếu DO <5 cần nâng cao lồng nuôi. Sử dụng bình ôxy, máy sục khí, để tăng DO trong nước. Duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5 – 2 m, để tránh thiếu ôxy cục bộ cho tôm nuôi.
Các yếu số sau cần đảm bảo: PO43-<0,02 (mg/l), NO2– <0,25 (mg/l), COD <10 (mg/l), N-NH4+ <0,13 (mg/l). Trong quá trình nuôi, cần tăng cường về sinh lồng lưới, thu gom thức ăn dư thừa, tuân thủ khoảng cách giữ các lồng/bè tạo sự lưu thông nước tốt cả trong và ngoài lồng nuôi.
Trong thời điểm mưa bão, nếu khu vực nuôi đang có các chỉ số môi trường nước không thuận lợi và đặc biệt DO rất thấp so với ngưỡng giới hạn cho phép thì người nuôi nên di chuyển lồng, bè nuôi đến vùng nuôi an toàn khác tạm thời.
Không nuôi tôm với mật độ dày, tránh hiện tượng thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi cùng như không tăng số lượng lồng. Treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông, sát trùng môi trường nước. Chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước nhất là những ngày có mưa (nhiệt độ, độ mặn, DO) để điều chỉnh lồng nuôi cũng như khoảng cách giữa các lồng nuôi cho phù hợp.
Người nuôi cần chú ý màu nước nuôi, khi phát hiện có sự thay đổi màu bất thường (đỏ, xanh đậm) hoặc vào những lúc trời nắng nóng, oi bức, lặng gió cần nâng cao lồng nuôi để đảm bảo DO thích hợp cho tôm.
Nguyễn Hằng