(TSVN) – Quan trắc và cảnh báo môi trường (QT&CBMT) là hoạt động theo dõi, giám sát biến động về chất lượng môi trường nhằm dự báo sớm ô nhiễm, dịch bệnh, từ đó đưa ra cảnh báo giúp người nuôi kịp thời ứng phó; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, cung cấp dữ liệu phục vụ quản lý, quy hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Bài viết này đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động QT&CBMT trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Những năm vừa qua hoạt động quan trắc và cảnh báo môi trường (QT&CBMT) trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã đạt được những bước tiến đáng kể, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững ngành thủy sản:
Thứ nhất, xây dựng được hệ thống các trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường, bệnh thủy sản thuộc 04 Viện nghiên cứu và một số phòng thí nghiệm thuộc các chi cục thủy sản ở địa phương.
Thứ hai, ban hành được nhiều văn bản về quản lý, quy trình, quy phạm. Đặc biệt gần đây đã ban hành Chương trình QT&CBMT phục vụ quản lý ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn số QĐ. Số 4255/QĐ.BNN.KHCN, trong đó xác đinh được các chỉ tiêu quan trắc môi trường vùng nuôi thủy sản bao gồm: Các thông số lý – hóa nước, dinh dưỡng, trầm tích (bùn đáy)(1); dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Ion kim loại năng, tảo độc/thủy triều đỏ và nhóm vi sinh vật gây bệnh… Với tần suất quan trắc từ 2–4 lần mỗi tháng, tập trung ở các nhóm đối tượng chủ yếu là: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò), cá biển nuôi lồng-bè và một số đối tượng nuôi nước ngọt(2).
Thứ ba, kết quả QT&CBMT đã góp phần không nhỏ giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, cung cấp dữ liệu khoa học đáng tin cậy, hỗ trợ quản lý vùng nuôi tập trung, nâng cao ý thức cộng đồng người nuôi và từng bước tích hợp công nghệ mới.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và khảo sát bổ sung cho thấy:
Bao phủ dàn trải, thiếu trọng tâm
Kinh phí đầu tư hạn chế trong khi hệ thống cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán trên nhiều vùng sinh thái khác nhau; đối tượng nuôi đa dạng với nhiều phương thức canh tác. Tần suất quan trắc ít (1-4 lần/tháng), với độ trễ trong công bố kết quả chậm (3-7 ngày) dẫn đến dữ liệu thiếu tính kịp thời, không phản ánh đầy đủ đặc trưng biến động môi trường tại từng vùng và thời điểm. Cơ sở dữ liệu thiếu tính đồng bộ, gây khó khăn cho dự báo và quản lý.
Các nhóm thông số môi trường ở nguồn nước cấp, vùng nuôi; đối tượng, phương thức nuôi và vùng sinh thái, hiện còn không ít sự bất cập. Chẳng hạn như môi trường vùng nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và vùng nuôi cá lồng chịu ảnh hưởng bởi mùa vụ, thời tiết, sóng gió, mưa lũ và thủy triều thường biến động theo ngày, thậm chí theo giờ; do vậy, nếu áp dụng theo tần suất quan trắc 2-4 lần/tháng thì có thể chưa phù hợp. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu là tảo đơn bào, vi sinh vật và mùn bã hữu cơ, góp phần làm sạch môi trường, nên nếu môi trường sạch chưa chắc đã tốt cho sinh trưởng và phát triển; đặc biệt chúng có thể khép vỏ để thích nghi khi môi trường biến đổi đột ngột.
Nguồn phát thải của nhóm Ion kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kháng sinh và các hóa chất cấm ra môi trường chủ yếu do hoạt động công – nông nghiệp và người nuôi. Tuy vậy, theo kết quả phân tích mẫu tại các vùng nuôi tôm và cá tra tập trung năm 2021-2023, không phát hiện dư lượng các chất này(3). Có thể trước khi xả thỉ đã được xử lý, hoặc khi thải ra sông được hấp thu bởi thực vật đa bào, vi tảo, vi sinh vật; và người nuôi hiện nay tuân thủ việc không sử dụng các loại kháng sinh và chất cấm.
Nhóm thông số môi trường nhạy cảm (toC, S%o, pH, DO) trong ao nuôi thường thay đổi nhanh theo ngày, giờ; nếu chỉ quan trắc 1–4 lần/tháng và thời gian trả kết quả sau 3–7 ngày, thì khả năng cảnh báo sớm hầu như không hiệu quả…
Phương pháp thu, bảo quản và phân tích mẫu chưa đạt chuẩn: Việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển đến phòng thí nghiệm hiện nay chủ yếu do cán bộ địa phương thực hiện. Do thiếu trang thiết bị chuyên dụng trong thu, bảo quản, vận chuyển mẫu, và chưa được đào tạo bài bản về kỹ thuật nên nguy cơ sai lệch kết quả phân tích và làm giảm độ tin cậy của dữ liệu phân tích là không tránh khỏi(4).
Thông tin cập nhật chậm, truyền thông một chiều: Quy trình cập nhật và truyền tải thông tin giữa các bên liên quan, cơ quan quan trắc – cơ quan quản lý – người nuôi, chưa đồng bộ. Người nuôi thường chỉ nhận được thông tin một chiều, thiếu kênh phản hồi, nên không thể gửi ý kiến, câu hỏi hoặc thông báo bất thường từ thực tế sản xuất trở lại hệ thống.
Nguồn lực đầu tư chưa đồng bộ: Một số trung tâm quan trắc địa phương còn thiếu trang thiết bị phân tích đồng bộ hiện đại, năng lực chuyên môn của cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phân tích các chỉ tiêu phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng và độ chính xác của dữ liệu thu thập.
Mạng lưới QT&CBMT từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ: Thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ mạng lưới QT&CBMT mang tính liên tỉnh, liên ngành, nên chưa tận dụng nguồn lực của các viện, trường và doanh nghiệp tư nhân. Thiếu sự kế thừa và liên kết lẫn nhau, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả giám sát, cảnh báo môi trường.
Thiếu cơ chế giám sát và tham chiếu: Chưa xác định rõ về cơ chế kiểm soát, giám sát chất lượng của thông tin, số liệu và dữ liệu cảnh báo; thiếu những quy định bắt buộc đồng bộ kèm theo dữ liệu quan trắc, sổ nhật ký, biên bản thu mẫu, nhật ký vận hành máy móc phân tích, xử lý số liệu dẫn đến khả năng kiểm chứng thông tin thu thập được khó khăn.
Áp dụng công nghệ cao chậm: Việc ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và số hóa trong QT&CBMT trong cập nhật, chia sẻ, dự báo và tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm và quản lý còn chậm. QT&CBMT còn mang nặng tính bao cấp.
Việc tăng cường quan trắc tự động; phân cấp và xã hội hóa hoạt động QT&CBMT trong nuôi trồng thủy sản là một hướng đi cần thiết nhằm thích ứng với bối cảnh ngân sách công hạn chế, vùng nuôi phân tán, đa dạng các đối tượng-phương thức nuôi và yêu cầu thông tin thời gian thực ngày càng cao. Để chủ trương này phát huy hiệu quả, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, hệ thống giám sát chặt chẽ và nền tảng dữ liệu đồng bộ. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là một cải cách về thể chế quản lý môi trường trong nông nghiệp hiện đại.
Củng cố hệ thống và mạng lưới QT&CBMT
Cần hoàn thiện hệ thống và mạng lưới QT&CBMT trên cơ sở kết nối các phòng thí nghiệm trung ương và địa phương, các viện, trường và các doanh nghiệp khoa học để tận dụng nguồn lực, giảm thiểu gánh năng ngân sách cho nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ tích cực cho người nuôi thủy sản. Chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về quan trắc & cảnh báo môi trường thủy sản, hệ thống giám sát độc lập, với khung pháp lý quản lý vận hành minh bạch. Có thể thiết kế mô hình đối tác công tư (PPP), đảm bảo dữ liệu có chất lượng, được số hóa, công khai, và có chính sách hỗ trợ ban đầu.
Phân cấp và xã hội hóa hoạt động QT&CBMT
Tăng cường phân cấp và xã hội hóa hoạt động QT&CBMT trong nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có kiểm soát sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như:
Tăng tính chủ động và linh hoạt cho người nuôi: Người nuôi có thể chủ động lựa chọn các chỉ tiêu, tần suất quan trắc phù hợp với hình thức, đối tượng nuôi, giai đoạn phát triển và điều kiện môi trường cụ thể tại địa phương. Đặc biệt trong các thời điểm giao mùa hoặc khi xuất hiện thời tiết cực đoan. Ngoài ra, người nuôi có thể chủ động về tài chính thay vì phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc các chương trình hỗ trợ không ổn định.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ: Khi nhiều đơn vị tư nhân được phép tham gia cung cấp dịch vụ quan trắc, thị trường sẽ xuất hiện sự cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới như cảm biến IoT, hệ thống cảnh báo tự động, mô hình dự báo theo thời gian thực có thể được đưa vào ứng dụng nhanh hơn thông qua khu vực tư nhân.
Giảm tải và tăng hiệu quả cho cơ quan quản lý nhà nước: Thay vì thực hiện toàn bộ chuỗi hoạt động QT&CBMT, cơ quan nhà nước có thể tập trung vào việc: Ban hành quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật; kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ; chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn; tập trung nguồn lực vào các vùng trọng điểm hoặc các tình huống khẩn cấp; và từng bước xóa bỏ tình trạng bao cấp về QT&CBMT trong nuôi trồng thủy sản.
Đẩy mạnh việc sử dụng thiết bi quan trắc tự động
Tăng cường sử dụng thiết bị quan trắc tự động trong nuôi thủy sản, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và yêu cầu giám sát môi trường của nhóm các chỉ tiêu cốt lõi (toC, S%o, pH, DO, độ kiềm, NH3/NH4+, H2S, TSS, NO2-) theo thời gian thực ngày càng cao. Nhằm theo dõi môi trường theo thời gian thực, giảm phụ thuộc vào nhân lực, tăng tính chính xác, hỗ trợ ra quyết định theo hướng dữ liệu hóa…
Hợp lý các thông số cần và cần quan trắc
Rà soát điều chỉnh các nhóm thông số quan trắc phù hợp với vùng nuôi, vùng sinh thái, hình thức, đối tượng nuôi và các giai đoạn phát triển của vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động QT&CBMT.
Anh Vũ
Ghi chú: (1): Dùng từ “trầm tích” trong văn bản quản lý QĐ. Số 4255/QĐ.BNN.KHCN là không chính xác; (2): QĐ. Số 4255/QĐ.BNN.KHCN; (3) Đỗ Phương Chi, 2021-2023; Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nước thải, bùn thải từ nuôi thâm canh tôm, cá tra (Nhiệm vụ bộ NN&PTNT); (4) Một số địa phương do thiếu phương tiện và kỹ thuật nên thu mẫu theo hình thức múc nước trực tiếp nước trên bề mặt.