T2, 06/07/2020 10:34

Quảng Ninh: Nghề cá Phú Hải: “Đánh lớn” không chắc ăn bằng “đánh nhỏ”…

Chưa có đánh giá về bài viết

Trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp trở lại Phú Hải, một xã nghề cá ở huyện Hải Hà. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân lên bến cá của xã là sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Không còn nhiều những con tàu lớn đậu trên bến, thay vào đó là những chiếc thuyền, bè máy với công suất nhỏ đỗ san sát… Hỏi một lão ngư đang làm việc trên một chiếc thuyền nhỏ, ông bảo: Phú Hải giờ không “đánh lớn” nữa mà “đánh nhỏ” cho chắc ăn…

“-Phú Hải từng nổi danh với những con tàu lớn ra khơi xa, nay lại chấp nhận “quẩn quanh trong bờ” sao?”

– Tôi cứ thắc mắc mãi về điều đó!


Xa rồi “thời vàng son” của những con tàu lớn…

Người dân xã Phú Hải vốn có truyền thống đi biển từ xưa, nghề cá đã thấm vào máu của biết bao thế hệ con người nơi đây. HTX nghề cá Phú Hải từng nổi đình nổi đám thời bao cấp với những con tàu lớn ra khơi đánh bắt hải sản. Đó là những con tàu với công suất ít nhất cũng trên 100 mã lực. Trung bình mỗi chuyến ra khơi từ 10 đến 15 ngày, mỗi con tàu của ngư dân mang về cập bến hơn chục tấn cá/mực, cho doanh thu khoảng 20 – 30 triệu đồng…

Nhưng đó là thời làm ăn không cần tính lỗ lãi, còn bây giờ thì khác. Sử dụng tàu công suất lớn ra khơi đánh bắt hải sản, số tiền thu về đúng là cao hơn hẳn so với tàu, thuyền nhỏ. Nhưng nếu trừ tất cả các khoản chi phí đi thì thu nhập thực tế lại chẳng còn là bao so với vốn đầu tư ban đầu. Ông Nguyễn Văn Thấn (thôn Bắc, xã Phú Hải), một người từng sử dụng tàu 120 mã lực để tham gia những chuyến đánh bắt xa bờ, cho biết, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi những năm gần đây tăng gấp nhiều lần so với trước, nhất là chi phí xăng dầu. Theo tính toán của ông Thấn, trừ hết mọi khoản chi, có khi chỉ còn 1 đến 2 triệu đồng… 

Ông Nguyễn Văn Minh, một ngư dân trước đây vẫn ra khơi xa, nay đã quyết định chuyển sang dùng bè máy khai thác hải sản gần bờ (ảnh trên). Bà con ngư dân giúp nhau đóng bè máy (ảnh dưới). 

Ông Nguyễn Văn Minh, một ngư dân trước đây vẫn ra khơi xa, nay đã quyết định chuyển sang dùng bè máy khai thác hải sản gần bờ.

Trò chuyện với nhiều ngư dân khác, thấy quả đúng như vậy. Một con tàu với công suất trên 100 mã lực có mức đầu tư từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng; chi phí cho mỗi lần sửa chữa tàu cũng không hề thấp. Mỗi năm tàu cần được bảo dưỡng định kỳ ít nhất 2 lần, mỗi lần khoảng 7 – 10 triệu đồng, chưa kể những hỏng hóc đột xuất, có khi còn tốn kém hơn rất nhiều lần…

Không chỉ vốn đầu tư, nhân lực cũng là một vấn đề khó khăn đối với ngư dân Phú Hải. Với một xã có truyền thống đi biển như ở đây, việc thiếu nhân lực nghề cá nghe có vẻ khó tin, nhưng đó lại là một thực tế đang diễn ra. Ông Thấn nói: “-Trước đây, thường cả gia đình theo tàu bám biển, nhưng bây giờ cuộc sống thay đổi, con cái đi học hoặc đi làm nghề khác hết, chỉ còn cách thuê nhân công lao động nông nhàn vốn ít kinh nghiệm đi biển. Lao động lành nghề (gọi là chân sào) thì rất khó tìm…”.

Theo ông Thấn, việc các “chân sào” đi tàu trở nên khan hiếm là do doanh thu không đủ, nên các chủ tàu không thể trả mức lương cao cho họ. Từ đó, nhiều “chân sào” đã từ bỏ nghề đi biển để tìm kế sinh nhai khác…

Trước những khó khăn như thế, nhiều chủ tàu đã phải bán tàu, còn những người mới khởi nghiệp thì bắt đầu nghĩ đến một lối đi mới để bám biển…


…Và sự “lên ngôi” của thuyền bè nhỏ

Ban đầu là do tàu cũ, thiếu vốn để đầu tư mới, cộng với khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công lao động… nên nhiều ngư dân ở Phú Hải đành phải bán hoặc bỏ tàu để chuyển sang đóng bè cho phù hợp với túi tiền. Nhưng rồi, cùng với chiếc bè máy, bà con ngư dân Phú Hải lại thấy công việc làm ăn hiệu quả hơn hẳn. Từ đó, hàng loạt bè máy đã lần lượt ra đời và đang dần thay thế những chiếc tàu với công suất lớn đã già cỗi…

 

Bà con ngư dân giúp nhau đóng bè máy 

Những chiếc bè máy đang “lấn sân” tàu lớn trên bến Phú Hải. 

Những chiếc bè máy đang “lấn sân” tàu lớn trên bến Phú Hải.

Những chiếc bè máy thường chỉ có công suất từ 8-15 mã lực, nên không mất quá nhiều chi phí xăng dầu. Ông Nguyễn Văn Công (một lão ngư ở thôn Bắc) nói: “Không có xưởng đóng tàu chuyên nghiệp ở Phú Hải, chúng tôi tự giúp nhau đóng bè theo kinh nghiệm dân gian. Loại gỗ để làm bè được mua từ gỗ vườn, chủ yếu là gỗ bạch đàn. Thời gian để cho một chiếc bè ra đời chỉ khoảng một tháng…”. Ông Nguyễn Văn Minh (cũng người thôn Bắc) vừa khoan những tấm gỗ dài, vừa trò chuyện với chúng tôi. Ông bảo: “Với những khó khăn về vốn và nhân lực khi đi tàu lớn, tôi cũng đã quyết định bán chiếc tàu 120 mã lực của mình. Hiện giờ mọi người đang giúp tôi đóng một chiếc bè dài 8m, rộng 2,5m, với công suất máy là 15 mã lực, chi phí khoảng 70 triệu đồng thôi (trong khi nếu đóng mới một chiếc tàu với công suất máy trên 100 mã lực thì chi phí phải từ 900 triệu tới 1 tỷ đồng”…

Đành rằng với những chiếc bè máy nhỏ, nhẹ, ngư dân chỉ có thể khai thác hải sản gần bờ; nhưng bù lại, cứ mùa nào thức ấy, bà con có thể đi câu, đánh lưới ghẹ và vớt sứa v.v. thu nhập cũng không đến nỗi thấp, khoảng 5-6 triệu đồng/chuyến (7-10 ngày), gần hoặc bằng với thu nhập của tàu lớn khi đã trừ đi toàn bộ chi phí, lại không phải phụ thuộc vào nhân công. Ông Thấn hồ hởi nói thêm: “Thực ra, dùng bè máy rất tiện lợi. Có gặp mưa to trên biển cũng không cần phải tát nước như tàu lớn, khi bão gió thì có thể tìm nơi trú ẩn dễ dàng. Và quan trọng nhất, thực tế nhất là không còn phải lo khoản thiếu nhân công…”.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, riêng xã Phú Hải đã có tới khoảng 60 chiếc bè máy thay thế cho những chiếc tàu có công suất máy lớn. Trong năm 2012 và 2013, ngư dân trên địa bàn xã đã tự tay giúp nhau đóng được hơn 30 chiếc bè, phục vụ cho việc khai thác hải sản gần bờ.

Khó khăn trước mắt được khắc phục, ngư dân xã Phú Hải đã bước đầu tìm được lối thoát cho riêng mình. Mặc dù đó mới chỉ là sự chuyển dịch mang tính tình thế, nhưng cũng đã cho thấy những nỗ lực của ngư dân nơi đây để bám nghề, bám biển. Ở phạm vi rộng và định hướng phát triển có tính dài hạn hơn, hoạt động ngư nghiệp xã Phú Hải nói riêng và huyện Hải Hà nói chung cần có sự quy hoạch cụ thể; cần khai thác theo chiều sâu, đó là vừa thực hiện đánh bắt xa bờ kết hợp nuôi trồng thuỷ hải sản, vừa đảm bảo tốt vấn đề môi trường cũng như nguồn lợi hải sản góp phần nâng cao đời sống cho ngư dân và thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trên địa bàn…

Vân Hải

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!