Nhằm nâng cao năng lực trong quản lý, kiểm soát hoạt động nghề cá, thời gian qua các ngành liên quan, địa phương ven biển của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện việc đánh dấu tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Việc đánh dấu tàu cá theo quy định giúp các lực lượng chức năng liên quan dễ dàng nhận diện tàu cá khi đang hoạt động trên biển. Tuy nhiên, quá trình triển khai đánh dấu tàu cá gặp phải vướng mắc khi có khoảng 150 tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều dài trên 15m, nhưng công suất máy chính chỉ dưới 90 CV… Nhóm tàu cá này chưa thể thực hiện việc đánh dấu tàu cá bởi chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ngày 28/8/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 1378/SNN – TS về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch đối với nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhưng công suất máy chính dưới 90 CV; Công văn số 1581/SNN – TS ngày 28/8/2020 về việc đề nghị cử cán bộ hỗ trợ triển khai Luật Thủy sản 2017 gửi Tổng cục Thủy sản. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhưng công suất máy chính dưới 90 CV (dạng thuyền nhọn hai đầu, chủ yếu lắp máy có công suất từ 20 – 45 CV) hoạt động khai thác thủy sản với các nghề đánh bắt thủy sản truyền thống như: Vó, mành, câu, rê 3 lớp…; nhóm tàu cá này mang tính đặc thù của địa phương, phù hợp với luồng lạch ở vùng biển Quảng Trị. Nhóm tàu cá này đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng lộng theo quy định của Luật Thủy sản 2003. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2019 Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành thì nhóm tàu cá nêu trên không được cấp giấy phép hoạt động ở vùng lộng như trước đây, mà phải cấp giấy phép hoạt động ở vùng khơi.
Việc đánh dấu tàu cá theo quy định giúp các lực lượng chức năng liên quan dễ dàng nhận diện tàu cá khi hoạt động trên biển – ẢNH: HTS
Trong Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 có quy định tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động ở vùng ven bờ và vùng lộng như trước đây. Đó chính là nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá cho nhóm tàu cá nêu trên. Bởi nếu cấp giấy phép hoạt động ở vùng khơi theo đúng quy định của Luật Thủy sản 2017 sẽ dẫn đến một số bất cập như: Nhóm tàu cá này chủ yếu khai thác các loại cá nổi nhỏ, nhuyễn thể ven biển bằng các nghề truyền thống hoạt động tại vùng lộng; quy mô nghề đánh bắt thủy sản và trang bị trên tàu cá tương đối đơn giản, chỉ phù hợp với ngư trường hoạt động vùng lộng, nếu chuyển sang khai thác ở vùng khơi thì không phù hợp; ngư dân chỉ quen bám biển với các nghề truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ; các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo phù hợp với tàu có công suất nhỏ; kiểu dáng tàu cá, tính năng kỹ thuật của nhóm tàu cá này có hình dáng nhọn hai đầu, kích thước chiều ngang nhỏ phù hợp với luồng lạch ở Cửa Việt, Cửa Tùng; tính giữ hướng tốt nhưng quay trở hạn chế, chỉ có khả năng hoạt động khai thác trong điều kiện sóng gió cấp 3; nhóm tàu cá này có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhưng chiều ngang nhỏ, khoang máy hẹp, chủ yếu là lắp máy từ 20 – 45 CV, không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động ở vùng khơi…
Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản dưới luật, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tuyên truyền, vận động các chủ tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhưng công suất máy chính dưới 90 CV thực hiện việc cải hoán hoặc cắt ngắn tàu xuống dưới 15 m cho phù hợp với vùng hoạt động của tàu và thuận lợi cho việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá. Tuy nhiên, các chủ tàu cá không muốn cải hoán vì cho rằng không khả thi và tốn kém, bởi kết cấu tàu theo mẫu dân gian, thời gian sử dụng đã lâu, vỏ tàu cũ nên không thực hiện được, hoặc không có khả năng về tài chính để cải hoán… Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã kiến nghị với Tổng cục Thủy sản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan có thẩm quyền xem xét, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho ngư dân; sớm hướng dẫn cho tỉnh Quảng Trị trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhưng công suất máy chính dưới 90 CV, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển; cử cán bộ hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản, BQL Cảng cá và các đồn biên phòng ven biển hiểu rõ, đúng nội dung của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản dưới luật; khảo sát về tính năng kỹ thuật, quy mô hoạt động… của nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, nhưng công suất máy chính dưới 90 CV để đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giúp tỉnh Quảng Trị quản lý nhóm tàu này…
Các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hoặc cơ chế riêng để giải quyết cho nhóm tàu cá này, vì tại thời điểm ngư dân đóng những con tàu này theo Luật Thủy sản 2003 thì ngư dân thực hiện đúng luật, cộng với nhu cầu hoạt động ở vùng lộng nên họ chỉ đóng tàu hẹp, máy nhỏ. Bây giờ, nếu như bắt buộc phải nằm bờ do không được cấp giấy phép khai thác thủy sản, không đánh dấu tàu cá… thì sẽ không đảm bảo sinh kế cho ngư dân.