Quảng Trị: Nâng cao hiệu quả nghề chế biến cá hấp

Chưa có đánh giá về bài viết

Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn lao động và giảm thiểu tác động môi trường, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh đã triển khai mô hình chế biến cá hấp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo hướng GMP tại hộ ông Nguyễn Văn Mầu ở tại thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh và hộ ông Nguyễn Văn Hai ở tại Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, mô hình đã mang lại những kết quả khả quan.

Trao đổi với PV về mục tiêu của mô hình chế biến cá hấp đảm bảo VSATTP theo hướng GMP, kỹ sư Nguyễn Thăng Long, cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, xuất phát từ những bất cập của nghề chế biến cá hấp như các lò hấp chủ yếu sử dụng nhiên liệu đốt là củi than nên ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do khói nóng, tro bụi bốc lên và gây ô nhiễm môi trường sống của người dân xung quanh; cá sau khi hấp thường được phơi ngay trên sân nhà, nền đất, lề đường… nên sản phẩm không đảm bảo VSATTP, độ ẩm không đồng đều; việc bố trí nồi hấp chưa hợp lý, chủ yếu sử dụng sức người để vận chuyển nên đã có nhiều tai nạn xảy ra gây bỏng tay chân do nước nóng, than nóng, thậm chí đã có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Để khắc phục những bất cập, hạn chế này, Trung tâm KN tỉnh đã xây dựng mô hình chế biến cá hấp đảm bảo VSATTP theo hướng GMP bằng việc đưa vào sử dụng hệ thống cẩu tời điều chỉnh tự động thay thế nhân công tại công đoạn hấp cá; sử dụng nồi hấp cải tiến sử dụng điện để đun sôi nước thay thế củi than; áp dụng giàn phơi bằng thép để sản phẩm nhanh khô và đảm bảo VSATTP. Kinh phí thực hiện mô hình là gần 350 triệu đồng, trong đó Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại do hộ thực hiện mô hình đóng góp. Ngoài những hỗ trợ ban đầu, Trung tâm KN tỉnh còn hướng dẫn hộ thực hiện mô hình sản xuất theo đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn GMP.

Cá sau khi hấp xong được phơi trên giàn phơi bằng thép cao cách mặt đất 1 m giúp đảm bảo VSATTP – Ảnh: TQ​

Theo kỹ sư Long, hệ thống cẩu tời có cấu tạo tương đối đơn giản, dễ lắp đặt, bao gồm trụ đỡ, khung trượt bằng thép chữ I, bộ tời treo và rùa tời tải trọng 300 – 600 kg; tất cả được nối với bộ điều khiển cầm tay bằng dây cáp điện. Nồi hấp cá sử dụng sử dụng 6 dây may so riêng biệt (còn gọi là con sò) để đun nóng nước, có rơ le chống giật và kiểm soát nhiệt độ. Cá nục, cá cơ tươi sau khi được ướp với muối sẽ được rải đều lên các vỉ lưới xăm, cho các vỉ vào gióng gánh với số lượng từ 12 – 15 vỉ/gióng và đưa lên xe đẩy vận chuyển đến khu vực hấp; dùng hệ thống cẩu tời tự động đưa gióng cá vào nồi hấp đã đun sôi nước bằng điện, nhiệt độ từ 100 – 130 độ C trong thời gian 3 – 5 phút, kiểm soát nhiệt độ bằng rơ le nhiệt; kiểm tra cá đã chín đều thì điều khiển cẩu tời gióng cá ra khỏi nồi hấp, để ráo nước, đưa lên xe đẩy và vận chuyển ra giàn phơi, phơi khô, kiểm tra độ ẩm nhỏ hơn 25% thì thu gom, bao gói bảo quản. Kỹ sư Long cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai, mô hình chế biến cá hấp đảm bảo VSATTP theo hướng GMP đã mang lại kết quả rõ rệt. Việc sử dụng nồi hấp bằng điện thay thế củi than đã góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế; hệ thống cẩu tời đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, việc áp dụng giàn phơi bằng thép không rỉ, cao cách mặt đất 1 m giúp sản phẩm cá hấp nhanh khô, khô đều 2 mặt và đảm bảo VSATTP.

Ông Nguyễn Văn Mầu ở tại thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, một trong hai hộ thực hiện mô hình cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm KN tỉnh ông đã tiến hành cải tạo lại toàn bộ cơ sở hấp cá của mình; thay thế các nồi hấp cá kiểu cũ bằng 3 nồi hấp cá sử dụng điện; lắp đặt 2 hệ thống cẩu tời điều khiển bằng điện và giàn phơi cá bằng thép, có mái che rộng gần 300 m2 . Theo ông Mầu, nếu như trước đây dùng sức người để gánh thì mỗi lần với 2 nhân công chỉ gánh được từ 8 – 10 vỉ, tương đương 40 – 50 kg thì hiện nay khi sử dụng cẩu tời bằng điện này năng suất tăng lên gần gấp rưỡi, mỗi lần hấp có thể đạt từ 12 – 15 vỉ, tương đương 60 – 70 kg. Đặc biệt là hạn chế nguy cơ trượt ngã, đảm bảo an toàn lao động cho người làm. Còn nồi hấp cá sử dụng điện có ưu điểm là hạn chế được tình trạng khói nóng, tro bụi làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân công và môi trường xung quanh. “Do đặc thù của nghề chế biến cá hấp là nền lò luôn trơn trượt do nước thải từ cá chảy ra. Khi gánh nặng, nền lò lại trơn trượt sẽ dễ xảy ra tình trạng trượt ngã. Do đó, việc sử dụng cẩu tời để đưa các vỉ cá vào nồi hấp và lấy ra đưa đi phơi như thế giúp người làm không phải gánh nặng, không cần tới gần các nồi hấp, hạn chế được nguy cơ trượt ngã”, ông Mầu cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Văn Hai thì chia sẻ, ưu điểm của lò hấp cá sử dụng điện là nước trong nồi hấp nhanh sôi, nhiệt độ sôi ổn định, giảm được chi phí sản xuất, giảm được ô nhiễm môi trường. Theo ông Hai, bình quân một năm cơ sở hấp cá của ông sử dụng dụng từ 180 – 250 m3 củi để đốt lò. Mỗi lần lò hấp cá hoạt động, khói nóng, tro bụi, hơi nóng từ lửa trong lò tỏa ra, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như môi trường xung quanh. Nhưng từ khi chuyển sang sử dụng nồi hấp cá bằng điện thì tình trạng đó không còn nữa. Nước nhanh sôi hơn, nhiệt độ sôi của nước được kiểm soát bằng các con sò điện, có rơ le nhiệt nên luôn được giữ ổn định. “Sau khi được hỗ trợ của Trung tâm KN tỉnh, tôi đã thay thế 3 lò hấp kiểu cũ bằng 3 nồi hấp sử dụng điện; lắp đặt hệ thống cẩu tời và giàn phơi rộng 180 m2 . Đưa vào hấp được hơn 65 tấn cá nguyên liệu, thu được 24,4 tấn sản phẩm khô đạt chất lượng. Trừ chi phí tôi thu lãi hơn 91 triệu đồng”, ông Hai cho hay.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 70 cơ sở chế biến cá hấp với công suất bình quân mỗi cơ sở từ 170 – 200 tấn nguyên liệu một năm. Nghề hấp sấy cá đã góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm cho tàu thuyền sau khai thác, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và tạo thêm hàng trăm việc làm cho lao động địa phương. Mô hình chế biến cá hấp đảm bảo VSATTP theo hướng GMP của Trung tâm KN tỉnh đã mở ra hướng đi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Thục Quyên

Theo Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!