(TSVN) – Sau thời gian thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, theo các chuyên gia, việc từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, bảo vệ thương hiệu của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu là điều cần thiết lúc này.
Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 25/9/2021; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Các quy định, hướng dẫn, tiêu chí của Trung ương không thể phủ kín được thực tiễn, do đó, các địa phương phải đánh giá tình hình thực tế trên cơ sở các nguyên lý chung, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến 6 nguyên tắc cơ bản để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19 trong tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị – xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch COVID-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi.
Sáu nguyên tắc cơ bản để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới. Ảnh: ST
Trước đó, ngày 24/9/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6858/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ Công tác đặc biệt tại các Bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổ công tác tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”…
Thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay TP Hồ Chí Minh, khu vực sản xuất, kinh doanh lớn của cả nước đã lên kịch bản để các doanh nghiệp có thể từng bước mở cửa trở lại sản xuất, tùy theo các điều kiện phòng, chống cũng như khống chế dịch bệnh. Đây là tín hiệu rất tốt để các doanh nghiệp có thể sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu và nhanh chóng bắt tay sản xuất trở lại. Từ đó, nối lại dòng chảy xuất, nhập khẩu, giúp hoạt động này đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước.
Ngày 23/9, lãnh đạo Thành ủy TP Cần Thơ cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đã khảo sát phương án mở lại hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 (Q. Ô Môn). Doanh nghiệp đã trình phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”, từng bước khôi phục lại sản xuất sau hai tháng tạm ngưng hoạt động, tập trung thu hoạch cá tra nguyên liệu đã đến lứa tại vùng nuôi và đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Còn mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng ra quyết định thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp. Địa phương này lên kế hoạch phương án, kịch bản khôi phục sản xuất, kinh doanh và chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương sáng 26/9/2021; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất, các địa phương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, công ty.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện tình hình đã thay đổi, cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về phòng, chống dịch. Do đó, đề nghị, thay vì dồn toàn lực cho một mặt trận chính là phòng, chống dịch, từ nay cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. Cả hai mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau; phòng, chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh. Chính phủ đã chỉ đạo bãi bỏ ngay các quy định riêng của địa phương về hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại các điểm giao nhận hàng hóa, không phân biệt hàng hóa thiết yếu; lái xe chỉ cần xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K và các biện pháp phòng, chống dịch an toàn khác…
Hồng Hạnh