Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa…
Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm
Kỳ 5: Những mảnh đời trên sóng
Những ngày dài không cá
Sau những ngày khởi đầu gian truân nhưng suôn sẻ, vận đen bắt đầu đeo bám chúng tôi.
Mẻ câu thứ 4, ngày 15/6, hai lần dừng vì chết máy, không được con cá nào. Mẻ câu thứ 5, ngày 16/6, không được con cá nào, sổng mất 1 con, đang kéo 12 giờ 15 phút, phát hiện đường ống dẫn dầu vỡ, chảy mất chừng 200 lít dầu, 13 giờ 30 lại hỏng máy, có tin áp thấp nhiệt đới. Mẻ câu thứ 6, thứ 7, đến thứ 10, không được con cá nào, hai lần chuyển vùng mỗi lần 100 hải lý, thêm 2 lần hỏng máy. Đêm 26/6 ở mẻ câu thứ 12 lại bị máy bay dọa.
Mong cái vẫy tay rối rít từ những người kéo câu, mong từ c…á đến khắc khoải. Mẻ câu thứ 10 đang bủa câu nghe tin bão khẩn cấp, cơn bão số 2. Mẻ cá thứ 10 mất 2 con cá. Thuyền trưởng Giành đăm chiêu rất nhiều khi nhìn sợi dây câu bị mất cá. Đã 9 ngày liền không được con nào.
Các thuyền viên vẫn cần mẫn bủa câu, kéo câu, rồi xuống thúng câu mực trong cái sóng cấp 4-5. Mỗi mẻ câu tiếp tục thả xuống biển hơn 100 kg mực tươi để… mất tích. Tôi thực sự ngạc nhiên tại sao những thuyền viên trên tàu không cãi nhau, không đổ lỗi cho ai. Nếu họ đổ lỗi cho sự có mặt đen đủi của tôi, chắc tôi cũng không dám trách họ. Hỏi anh em về sự cố này, họ lại an ủi tôi, rằng có tàu đi câu 25 mẻ được 1 con cá, nhiều tàu về không vào bến cân cá vì chỉ được 2 – 3 con. Tàu mình chưa phải là kỷ lục về cái sự đen. Tuy nhiên nếu hợp cả sóng gió, hỏng máy, và không cá thì có lẽ đã đạt đến kỷ lục rồi. Hình như cái sự khổ đã ăn vào máu thịt để người ta “quen” với nó. Chặng đường câu đã đi được 15 ngày, một nửa thời gian so với dự kiến mà hầm cá vẫn chỉ là 9 con, chưa đủ nửa tổn phí của chuyến đi.
Rau bắt đầu cạn, bữa ăn chủ yếu là cá. Hết rau, bọn chuột càng hoành hành, chúng mò cả khoang tàu tấn công mỳ tôm của anh em. Đêm 23/6, đang ngủ thấy buồn buồn ở lưng, choàng dậy, rũ áo ra được hai… chú chuột. Còn may nó mới chui vào lưng áo… Không ngủ nổi nữa, tôi mò dậy thay ngay cái quần cộc bằng quần dài.
Chú cá mập háu ăn bị dính câu
Gặp Ông… cướp cá
Mẻ cá thứ 11 đánh rạng, bủa câu lúc 1 giờ sáng ngày 24/6, kéo câu từ 12 giờ. Trước đó ở mẻ câu thứ 10 anh Giành đăm chiêu lắm khi nhìn 2 sợi dây câu bị mất cá. Cá bị mất rất ngọt, lưỡi câu vẫn còn dính tí xương hàm của con cá mắc câu. Suốt thời gian bủa câu rồi chuẩn bị kéo câu anh Giành gần như không nói gì. Có cái gì đó hơn là sự đen đủi, không cá mà tôi chưa biết. Rồi tôi cũng được biết về sự im lặng của anh khi từ c…á buột ra từ mũi tàu sau mười ngày. Chùm phao dính vào nhau dựng đứng trên biển, nhất định là cá to. Tàu tắt máy, chuyển từ kéo máy sang kéo tay, chiếc móc, chiếc lao được rút ra khỏi vị trí, những bàn chân rối rít. Tôi trèo lên nóc tàu lăm lăm chiếc máy ảnh để canh cá. Con cá hiện ra mờ mờ trong làn nước, khá to, quen thuộc, chắc chắn là bò gù. Tôi chưa bấm máy, chú cá còn khá sâu thì nhoáng một cái, chỉ kịp nhận ra có một vệt đen lao qua, chú bò gù biến mất. Khuôn mặt thuyền trưởng Giành dài nghệt ra: “Ông rồi, Ông cướp cá mất rồi”, anh nói với mọi người mà như nói với chính mình. Ông đây là cá nhà táng, Ông này nghịch mà ghê gớm lắm, khôn như chó. Ông đã lần được dây câu là cướp cho bằng hết. Lấy khéo lắm, bao giờ cũng chỉ đúng đến lưỡi câu là vừa đủ dừng, không như anh cá mập thường đớp cả dây câu, khối chú cá mập sau đó thấy xác nổi lên vì lưỡi câu mắc.
Cuộc chiến với cá kiếm – quái vật của biển khơi
Với những ngư dân Phú Yên, gia đình cá Ông có ba anh em. Ông lớn hiền lành, rất ít khi cho người ta gặp, nhưng khi bão tố nổi lên thường xuất hiện cứu người. Ông này ngư dân truyền nhau rằng là hiện thân của Quan thế âm Bồ tát xuống Biển Đông cứu người, dân gian xưng tụng là Nam Hải Đại Vương. Khi Ông lụy ai thấy đầu tiên được cái phúc làm con trai trưởng của Ông, đứng ra làm chủ tang, rước Ông về chôn cất rồi dựng lăng Nam Hải Đại Vương quanh năm cúng tế. Ông út là cá heo, dân miền Trung không gọi là cá heo vì từ này xấu, gọi là nược. Ông út nhỏ nhất, vui tính, thường đùa với ngư dân. Khi trời sắp động Ông út thường xuất hiện, bơi quanh tàu nhiều vòng, nhảy lên liên tiếp báo cho ngư dân. Khi đang kéo câu ở mẻ thứ 5 ngày 16/6, lúc 11 giờ 50 phút, đàn nược xuất hiện, bơi quanh tàu, nhảy lên liên tiếp, tôi khoái quá vác máy ra săn, chụp được ít bức ảnh cũng khá đẹp. Mang những tấm ảnh chụp nược nhảy cho anh Giành xem, không thấy anh thuyền trưởng hào hứng mà lại bật Icom, chỉ 5 phút sau nhận được tin báo có áp thấp nhiệt đới. Anh em bộ đội ở Trường Sa cũng bảo khi nào cá heo bơi quanh đảo rồi nhảy lên liên tiếp là trời sắp động. Ông út là thế, nhỏ không cứu được người thì báo cho người biết hiểm nguy của bão tố biển khơi mà phòng tránh. Còn Ông nhà táng, nói như anh Giành: “phá lắm”, gặp Ông này thì thôi rồi, Ông lần theo dây câu, săn hết cá. Có lần tàu của anh đã bị mất tới 16 con cá. Ông cướp trắng cá là vậy mà tuyệt không ai dám nói từ nào hơi nặng cho xả cái bực. Cái lẽ “trong nhà có người nọ, người kia”, nể và chịu ơn Ông cả, Ông út mà phải nể luôn cả cái Ông cướp cá này. Nể đến độ không dám gọi là cá mà một từ Ông, hai từ Ông. Anh Giành lúc này mới nói: Hôm qua lúc mất 2 con cá anh đã ngờ gặp Ông nhà táng, nay thì đích thực rồi.
Đến cuối mẻ câu chúng tôi bị Ông cướp thêm 1 chú bò gù nữa. Kết thúc mẻ câu vẫn trắng tay, anh Giành quyết định rời vùng biển Nam Trường Sa ngay trong đêm, quay thuyền ngược lên hướng Bắc vào vùng biển bão.
Xuân Trường
(Còn nữa)