T2, 06/07/2020 10:34

Sản xuất giống cá hồng đỏ – Phần 2: Quy trình kỹ thuật ương cá từ bột lên giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá hồng đỏ (Lutjanus erythropterus Bloch, 1790) là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao, được nuôi khá phổ biến ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hawaii (Mỹ), Philippines, Malaysia. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo cá hồng đỏ, đáp ứng được nhu cầu nuôi.

Phần 1: Quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo

Kỹ thuật ương cá từ bột lên hương

Bể ương cá: Diện tích 10 – 20m2 (hình chữ nhật), sâu 1m, có mái che, bể được vệ sinh, khử trùng bằng Chlorine (30 ppm), lắp hệ thống sục khí trong bể (1 quả sục/m2). Mật độ ương 40 – 50 con/l.

– Chăm sóc và quản lý:

+ Nước biển được lọc sạch cấp 1/2 bể, yếu tố môi trường nước được đảm bảo: nhiệt độ nước 26 – 320 C, độ mặn 26 – 30‰; pH: 7,5 – 8,5; hàm lượng ôxy hòa tan từ 5 mg/l trở lên, ánh sáng dịu.

Trong 10 ngày đầu không thay nước, chỉ cấp thêm nước vào bể 5cm/ngày. Mười ngày sau, mỗi ngày thay 20% nước trong bể.

+ Thức ăn và cho ăn

Sau khi nở 3 ngày, cá bột mới bắt đầu sử dụng thức ăn ở bên ngoài. Giai đoạn này miệng cá nhỏ, cá sử dụng thức ăn chủ yếu là tảo Chlorella sp và động vật phù du (Rotifer, Copepoda). Mỗi ngày cho ăn 2 lần, sáng và chiều. Việc cung cấp thức ăn tươi sống này đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp khả năng bắt mồi của cá.

– Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4, thức ăn là tảo Chlorella sp(0,6 lít/m2 bể), Rotifer cỡ nhỏ mật độ 5 – 7 con/ml, mỗi ngày cho ăn 2 lần (vào 9h và 15h).

– Từ ngày thứ 4 đến 10, thức ăn là Rotifer mật độ 6 – 8 con/ml. Ngày thứ 10 đến 15 cho ăn thức ăn là Rotifer 6 – 8 con/ml và Copepoda 8 – 10 con/ml.

– Từ ngày thứ 15 trở đi, cho ăn Copepoda 8 – 10 con/ml. Trong quá trình ương nuôi, cấp thêm tảo Chlorella sp 0,2 lít/m2 để bổ sung thức ăn và góp phần duy trì sự ổn định môi trường nước trong bể ương.

Luôn duy trì sục khí trong quá trình ương nuôi, thời gian đầu phải điều chỉnh sục khí cho phù hợp hoạt động của cá.

Thu hoạch: Sau 25 – 30 ngày, cá có kích cỡ 1,2 – 1,5cm, tiến hành thu cá hương và chuyển sang giai đoạn ương cá từ hương lên giống. Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống của cá thường đạt 20 – 40%, tùy thuộc sự chăm sóc và quản lý.

 

Tiêm kích dục tố cho cá bố, mẹ

Kỹ thuật ương cá từ hương lên giống

– Chuẩn bị bể và mật độ nuôi

Bể xi măng diện tích 10 – 20m2 (hình chữ nhật), sâu 1m, có mái che.

Vệ sinh bể sạch sẽ, khử trùng bằng Chlorine liều lượng 50 ppm, lắp đặt hệ thống sục khí.

Mật độ ương: 2.000 – 2.500 con/m3.

Chăm sóc quản lý: Cho ăn 4 – 6 lần/ngày, thức ăn bao gồm Copepoda (15 – 20 con/ml) và Rotifer 6 – 8 con/ml.

Khi cá đạt kích cỡ 2cm trở lên (sau 10 – 15 ngày), có thể cho cá ăn thêm cá tươi xay nhỏ và thức ăn công nghiệp dạng mảnh vừa cỡ miệng cá (20%). Thay nước mới cho bể hằng ngày từ 100 đến 200%, xi phông đáy 2 lần/ngày. Thường xuyên kiểm tra chất lượng các yếu tố môi trường nước (như pH, hàm lượng ôxy, độ mặn) để có sự điều chỉnh phù hợp.

– Lọc cá khi cá phân đàn

Cá hồng đỏ là loại cá dữ và rất phàm ăn nên quá trình chăm sóc phải cho ăn đầy đủ. Khi kích cỡ cá lên trên 2cm, phải phân cỡ cá để tránh cá ăn thịt lẫn nhau và tiện cho việc chăm sóc, cá có kích cỡ khác nhau phải được nuôi riêng từng bể. Mỗi tuần phân cỡ cá 1 lần, dùng vợt hoặc rổ lọc có nhiều kích cỡ khác nhau để phân cỡ cá.

– Thu hoạch

Ương cá sau 30 – 45 ngày, cá đạt kích cỡ 4 – 6cm thì tiến hành thu hoạch để bán hoặc chuyển ra ao nuôi tiếp thành cỡ giống lớn phục vụ  nuôi thương phẩm. Với quy trình ương nuôi trên, có thể đạt tỷ lệ sống 30 – 50%.

 

Bệnh cá và cách phòng trị bệnh

– Phòng bệnh: Sát trùng bằng thuốc tím cá bố mẹ khi đưa vào sinh sản, tránh nguồn bệnh lây lan từ cá bố mẹ sang cá con. Vệ sinh bể ương trước khi ương cá, ở giai đoạn cá hương lên giống chú ý xiphong bể và tuân thủ chế độ thay nước định kỳ, cho ăn đúng liều lượng, tránh gây thừa.

– Trị bệnh: Cá bị nấm thủy mi có hình sợi, xuất hiện trên thân cá sau 30 ngày tuổi (đốm trắng nhỏ), cá chết rải rác. Trị bệnh: dùng thuốc Pronopol  3 – 5 ppm phun xuống bể 3 ngày liên tục (1lần/ngày). Bệnh do vi khuẩn: thường xuất hiện ở cá giống (4 – 6 cm), biểu hiện bụng trương to, thức ăn không tiêu, bơi chậm, màu sắc chuyển sang xám đen. Dùng Oxytetracilin trộn vào thức ăn, liều lượng 1 – 2 g/kg cá/ngày, cho cá ăn 3 – 5 ngày, kết hợp cho ăn Vitamin C (2 g/kg cá/ngày).

 

Kỹ thuật gây nuôi thức ăn tươi sống

Thức ăn tươi sống bao gồm tảo  và động vật phù du

– Gây nuôi tảo: Chlorella sp

+ Môi trường nuôi tảo: Dung dịch A: NaNO3 60 gam;  KH2PO4 5 – 10 gam; đạm 18 – 20 gam; FeCl3; nước cất 1 lít. Dung dịch B: Vitamin B1: 10mg; Vitamin B2: 5mg; nước cất 0,1 lít. Đun sôi dung dịch A 30 – 40 phút cho hóa chất tan hết, để nguội. Dùng 1 lít dung dịch A và 0,2 lít dung dịch B vào 1m3 nước biển để nuôi tảo.

+ Xử lý nước biển nuôi tảo: Nước biển được xử lý bằng Chlorine 20 ppm, dùng dung dịch Natri thiosunphat sodium (Na2S2O3. 5H2O) để trung hòa Chlorine tỷ lệ 1/1, nước trước khi cấp vào bể nuôi được lọc qua túi lọc kích cỡ mắt 30 – 40µm.

Tảo giống được mua về từ các trung tâm lưu giữ giống tảo hay các viện nghiên cứu, một phần đem ra nuôi; một phần được bảo  quản lạnh (250C) để nuôi đợt sau. Sục khí nhẹ 24/24, cường độ ánh sáng 4.000 – 5.000 lux sau 4 – 5 ngày kiểm tra mật độ tảo 1 – 2 triệu  TB/ lít thì thu sinh khối.

– Nuôi Rotifer và Copepoda

+ Điều kiện nuôi: Thể tích nuôi 2 – 3m3, độ mặn 10 – 30‰, nhiệt độ 25 – 300C; sục khí 24/24, thả giống 100 – 150 con/lít.

+ Chăm sóc: Cung cấp đủ thức ăn bằng men bánh mì và tảo Chlorella sp, Men bánh mì: 1g/1 triệu cá thể; tảo duy trì 1 triệu TB/lít.

+ Thu hoạch: Khi đạt 200 – 300 cá thể/ml thì thu hoạch. Dùng ống xiphong hút RotiferCopepoda từ bể nuôi lọc qua lưới 80 mắt (80 mắt lưới/cm2), trong quá trình thu hoạch cần điều chỉnh sục khí để tránh gây tổn thương cho chúng, ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.

>> “Bách khoa Thủy sản”

Đây là công trình do Hội Nghề cá Việt Nam chủ trì, biên soạn và xuất bản với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài ngành. Là cuốn bách khoa đầu tiên tổng quan về lĩnh vực thủy sản, gồm 600 trang, chia thành 6 phần: Môi trường; Nguồn lợi thủy sản; Khai thác thủy sản; Nuôi trồng thủy sản; Bảo quản và chế biến thủy sản và Kinh tế xã hội nghề cá.

Mỗi phần của cuốn sách được biên soạn công phu, đặc biệt, phần Nguồn lợi thủy sản, gồm 141 trang, đánh giá sâu sát nguồn lợi cá biển, đặc trưng sinh vật học cá biển Việt Nam, bảo tồn giá trị biển; phần Kinh tế xã hội nghề cá xâu chuỗi lịch sử phát triển của ngành; quy hoạch tổng thể ngành, hoạt động khoa học công nghệ, Luật Thủy sản, một số vấn đề về nghề cá thế giới…

Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.      

Tuấn Tú

ThS Nguyễn Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!