T2, 06/07/2020 10:00

Sản xuất kinh doanh cá tra tại ĐBSCL: Ao treo và chế biến cầm chừng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Từ đầu tháng 4/2012 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL liên tục sụt giảm xuống dưới giá thành nuôi 22.500 – 23.500 đồng/kg (giảm 4.000 đồng/kg), người nuôi lỗ nặng. Còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chế biến cầm chừng.

Người nuôi treo ao

Làng nuôi cá tra truyền thống Thới Bình A, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, với  thâm niên hơn 10 năm, trước đây có gần 100 hộ, nay còn khoảng 10 hộ. Ông Võ Văn Đệ, một trong những hộ nuôi trụ lại đang đứng ngồi không yên, do còn một ao diện tích 3.000m2, sản lượng trên 70 tấn, kích cỡ cá đã hơn 1 kg/con vẫn chưa có người mua, mặc dù đã kêu bán từ khi cá còn 700 – 800 gram/con. Theo ông Đệ, trước đó vào cuối năm 2011, gia đình ông đã bán một ao hơn 100 tấn, giá 26.000 – 27.000 đồng/kg cho một công ty chế biến trong khu công nghiệp Trà Nóc 2, nhưng phải 3-4 tháng sau mới lấy được tiền. Trước khó khăn trong việc thu tiền bán cá, gia đình ông treo 1 ao, nay ao còn lại cá đã quá lứa, chưa bán được, mỗi ngày tốn thêm chi phí thức ăn, cầm chắc lỗ.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Vĩnh Long, đồng thời là một hộ nuôi cá tra lớn ở Cồn Quế Thiên, xã Quế Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, gia đình ông có 19 ao nuôi, diện tích 17 ha. Năm 2011, bán 5.000 tấn, đầu năm 2012, bán 1.600 tấn, nhưng nay đã treo 6 ao. Nguyên nhân, lãi suất ngân hàng vẫn 20-21%/năm, hạn mức vẫn còn nhưng vay thêm cũng khó, trong khi giá cá xuống thấp, từ bằng đến dưới giá thành.

Nhà máy chế biến fillet cá tra của Công ty Bình An tái hoạt động ngày 9/5, hy vọng góp phần nâng giá mua cá tra nguyên liệu và giải quyết việc làm cho người lao động – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Vàng cho biết thêm nghịch lý tiếp cận vốn ngân hàng đang gặp phải: Hạn mức gia đình ông được vay 70 tỷ, tài sản có thêm 10 tỷ, mới vay Ngân hàng Thương mại CP Sài gòn (SCB) 42 tỷ đồng, cần vay thêm không được, do ngân hàng này vừa bị xếp hạng nhóm 4 nên hết hạn tín dụng. Chuyển sang ngân hàng khác cũng khó vì tài sản đã thế chấp ở đây, hơn nữa chưa thể kết thúc nuôi cá làm sao có tiền đáo hạn để nhận lại hồ sơ. Chưa nói đến trả trước hạn phải chịu phạt, tình trạng này đã khó lại khó thêm cho người nuôi. Nếu ai không treo ao, chưa dừng được nuôi vì cá chưa xuất bán phải vay ngoài ngân hàng lãi suất 4%/tháng, nếu giá cá không lên xem như cầm chắc “trắng tay”.

Xã Vĩnh Tiến, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, sớm ra đời HTX Vĩnh Khánh. Ông Đinh Thừa Tự, Chủ nhiệm HTX cho biết, từ đầu tháng 4/2012 đến tận bây giờ, xã viên hợp tác xã bán cá chỉ được giá 22.000  – 23.500 đồng/kg. Ông Dương Văn Thành là một xã viên có 6 ha nuôi, cho biết thêm, mới hồi giữa tháng 3/2012 bán 136 tấn, giá 26.000 đồng/kg cho Công ty Nam Việt, 7 ngày sau nhận tiền. Ông bộc bạch, giá cá giảm nhanh quá gây khó khăn cho người nuôi, khi cá có giá doanh nghiệp mua nhanh và trả tiền sớm, nhưng khi cá xuống doanh nghiệp chậm mua. Ông Thành cũng cho hay, đa phần người nuôi phải vay vốn ngân hàng, nhưng nhu cầu thì lớn cho vay chưa được 50%. Bản thân gia đình ông cần khoảng 10 tỷ, ngân hàng chỉ đáp ứng 4 tỷ lãi suất từ 1,9-2,1%/tháng, nên phải vay ngoài lãi đến 48%/năm.

Theo tính toán của ông Thành và hầu hết các xã viên trong HTX, để có một ao nuôi cá khoảng 1 ha, diện tích thực nuôi 7.000m2, sản lượng 300 tấn, thời gian nuôi 8 tháng cần lượng vốn  đến 7 – 8 tỷ đồng. Nhưng hạn mức vay chỉ được 30-40% đối với ngân hàng thương mại nhà nước và 70 -80% ngân hàng thương mại cổ phần. Đã vậy khi bán, nếu doanh nghiệp chế biến chậm trả, người nuôi phải chịu lãi suất kéo dài đến cả năm.

 

Chế biến cầm chừng

Tại tỉnh Vĩnh Long chỉ có 3 nhà máy chế biến, ít áp lực cạnh tranh nhưng sản xuất cũng không mấy sáng sủa. Ông Nguyễn Văn Kề, Giám đốc Công ty CP chế biến XNK Thủy sản Hùng Cường, cho biết, nhà máy đi vào hoạt động năm 2009, công suất chế biến cá 200 tấn/ngày, chế biến tôm 50 tấn/ngày, nhưng nay chế biến cá chỉ đạt 50% công suất. Năm 2011, xuất khẩu 14 triệu USD, kế hoạch 2012 là 24 triệu USD, tuy nhiên chi phí hiện nay quá cao. Trong đó, riêng chi phí tài chính đã trên 10% doanh thu, muốn có lợi nhuận phải giảm chi phí, nhưng với mức lãi vốn VNĐ 18-19%, USD 5,5-8,5%/năm rất khó có lời, không lỗ là may. Ông Kề cũng cho biết: Hiện đã có quyết định hạ lãi suất vay ngắn hạn xuống 15%, nhưng tiếp cận không dễ nếu vay được còn phải kéo dài, chưa nói đến hạn mức vẫn còn vay tăng thêm cũng khó. Ông Kề bộc bạch, giá cá nguyên liệu xuống doanh nghiệp cũng không mừng, vì tình trạng này người nuôi chết trước, doanh nghiệp sớm muộn cũng chết theo.

Công ty CP Thủy sản An Phước tại xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, hoạt động chế biến còn buồn tẻ hơn. Công suất chế biến của nhà máy này tới 300 tấn/ngày, hiện chỉ hoạt động 10%, trong khi nhà máy có kho chứa đến 3.000 tấn. Theo ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Công ty, do khó khăn về vốn, đi vay vốn lúc này cũng không hiệu quả, chứ thực tế chế biến cá tra bán fillet từ 3 – 3,1 USD/kg ở các thị trường châu Á không thể lỗ, nhưng lỗ do lãi ngân hàng cao. Ông Phước cũng cho biết thêm khó khăn chung của chế biến, doanh nghiệp khó tiếp cận ngân hàng do không còn tài sản thế chấp, mối liên kết giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người nuôi còn nhiều trắc trở, lợi nhuận và rủi ro trong chuỗi sản xuất cá tra xuất khẩu chưa được chia sẻ, phần lớn mạnh ai nấy lo.

Hầu hết các nhà máy chế biến trong vùng chỉ hoạt động từ 10-50% công suất. Không ít doanh nghiệp chỉ lo bảo vệ lợi ích riêng, hạ giá bán để quay vòng vốn nhanh, dâng cho nhà nhập khẩu (đối tác nước ngoài) quyền xác lập “giá trần bán sản phẩm”, gây bất lợi cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Năm 2011, xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, kế hoạch phấn đấu năm 2012 sản xuất chế biến xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD. Diễn biến cá tra nguyên liệu tụt giảm và giá xuất khẩu cũng đang giảm theo dưới mức 3 USD/kg, thậm chí dưới mức 2,7 USD/kg sau kỳ hội chợ tại Bỉ gần đây, thì quả đang là trở ngại lớn cho ngành nuôi trồng và chế biến cá tra.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Việt Nam đang bán sản phẩm fillet cá tra cho các nhà nhập khẩu châu Âu trên dưới 3 USD/kg, nhưng người tiêu dùng châu Âu kể cả Mỹ phải mua với giá trên dưới 10 USD/kg. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức lại khâu xuất khẩu, làm thế nào để bán được đúng giá trị của sản phẩm cá tra ra thị trường thế giới. Hiện nay cùng một thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến lại tham gia chào bán với nhiều giá khác nhau.

Trường Ca

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!