T4, 21/02/2024 10:52

Sẽ nâng gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức trực tuyến toàn quốc mới đây.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, tính đến cuối tháng 1/2024, ngành ngân hàng cũng có những điểm sáng về giải ngân tín dụng. Cụ thể như gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với lãi suất hỗ trợ từ 1 – 2% so với so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, đến hết 2023 đã được giải ngân hết. Qua đó, khoảng 6.000 doanh nghiệp thuộc đối tượng của chương trình đã được hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng này, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản trong năm 2024. 

Hoàn thành giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Ảnh: TTX

Được biết, chương trình triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hiệu quả đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.

Kể từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn, hàng tồn kho lớn do không xuất khẩu được đơn hàng vì sự suy giảm cầu từ các thị trường quốc tế. Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước coi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên trong nhóm 5 lĩnh vực cấp tín dụng.

Đánh giá về nghĩa và kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thủy sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng trên địa bàn thông qua hoạt động ngân hàng và giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng; không chỉ hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo cơ sở nền tảng để phát triển ngành lâm sản, thủy sản trên địa bàn gắn với yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh và hàm lượng giá trị công nghệ cao; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu hoạt động cho vay này tiếp tục được duy trì trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nền kinh tế, mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm, thủy sản. Bởi theo ông Lệnh, do đặc thù của hoạt động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến thủy sản có tính chu kỳ nên các ngân hàng xác định kỳ hạn nợ phải gắn với chu kỳ phát triển sản phẩm để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích. Trường hợp chu kỳ sản phẩm kéo dài do khó khăn từ thị trường, người sản xuất chưa tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa, ngân hàng thương mại và khách hàng cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng

Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định thì nhận định, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai dành riêng cho ngành lâm sản, thủy sản để gỡ “nút thắt” tài chính cho các doanh nghiệp, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của lâm, thủy sản. Đây được xem là gói vay ưu đãi đầy ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Việc triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản rất tích cực, chưa đầy 1 năm nhưng đã giải ngân hết gói 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại tham gia. Chúng tôi cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia sẽ tiếp tục có gói bổ sung gói này thêm 15.000 tỷ đồng nữa, nghĩa là sẽ có 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản”.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!