T2, 06/11/2023 03:29

Khuyến nông Việt Nam: Tự hào một hành trình

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2023, ghi dấu chặng đường 30 năm hệ thống khuyến nông Việt Nam xây dựng và phát triển, đồng hành cùng nền nông nghiệp nước nhà. Vượt qua những khó khăn, thử thách qua các thời kỳ, khuyến nông Việt nam đã khẳng định bản lĩnh vững vàng của cả hệ thống. Trong lĩnh vực thủy sản, công tác khuyến ngư đặc biệt hiệu quả với những dấu ấn đậm nét.

Vai trò chủ lực 

Trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, nhưng sứ mệnh vì nền nông nghiệp, vì nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình 30 năm qua của khuyến nông Việt Nam. 

Thời kỳ đầu mới thành lập, nội dung hoạt động khuyến nông chủ yếu tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ, nhằm mục tiêu hàng đầu là xóa đói, giảm nghèo. Trong lĩnh vực thủy sản, các chương trình khuyến ngư tập trung phát triển 5 lĩnh vực trọng điểm là: cải tạo giống thủy sản; phát triển nuôi tôm sú; nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn, nuôi biển đảo; nuôi thủy sản nước ngọt; khai thác hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Đến nửa thập niên đầu thế kỷ 21, hoạt động khuyến nông tập trung vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất sử dụng. Đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ kết hợp với ứng dụng kỹ thuật thâm canh tiến bộ đã thúc đẩy phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/ha, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ ha/năm phát triển rộng khắp trên toàn quốc. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập khuyến nông Việt Nam mới đây, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, khuyến nông luôn gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, từ đảm bảo an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu nông sản. Đồng thời, giữ vai trò chủ lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao, mang lại ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. 

Dấu ấn riêng trong phát triển thủy sản 

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ những ngày đầu thành lập đến nay, khuyến ngư đã góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển cũng như những thành tựu đạt được của ngành thủy sản. 

Với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong giai đoạn từ năm 1993 – 2010, lực lượng khuyến ngư cả nước đã xây dựng được hàng chục nghìn mô hình trình diễn; nhập và chuyển giao hàng trăm công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng. Với sự hỗ trợ của các dự án khuyến ngư, bà con đã mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất; áp dụng các kỹ thuật nuôi thâm canh, phòng trừ dịch bệnh tốt nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng nhanh. Năng suất nuôi bình quân hiện nay đạt 10 – 15 tấn/ha (gấp 2 – 3 lần so với nuôi quảng canh, truyền thống). Một số chương trình/dự án khuyến ngư nổi bật giai đoạn này như: Các mô hình nuôi cá lồng bè, nuôi cá ao thâm canh, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá tra, basa, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính… 

Từ năm 2010 đến nay, khuyến ngư tập trung, bám sát vào thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng bền vững; xây dựng các mô hình nuôi đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC… 

Với nuôi cá lồng bè, đến nay 100% các hộ nuôi đã thay đổi hình thức nuôi lồng bằng vật liệu lồng lưới, inox, khung thép hoặc nhựa HDPE, phao nhựa… Người nuôi đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao, tiến tới chuyên nghiệp hơn trong các khâu giống, thức ăn, phòng trị bệnh cho tới liên kết tiêu thụ… Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất tăng lên trên 15 kg/m3, lợi nhuận đạt trên 50 triệu đồng/100 m3 cao gấp 5 – 7 lần so với hình thức nuôi cũ. 

Nhiều mô hình đã trở thành thương hiệu của khuyến ngư, như: Nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, xen ghép nhiều đối tượng trên một diện tích như cá – lúa, tôm – lúa…; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho thị trường. Đặc biệt, với kỹ thuật nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn, bà con rút ngắn thời gian nuôi tôm, tăng năng suất đạt trên 30 tấn/ha/năm. 

Mặt khác, thông qua các mô hình khuyến ngư, đã có hàng nghìn ngư dân được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, liên kết sản xuất hiệu quả. Trong đó, mô hình điển hình như: Ứng dụng công nghệ hầm bảo quản thủy sản; ứng dụng đèn LED; tời thủy lực, nhật ký điện tử trong khai thác hải sản xa bờ. Mô hình này giúp hình thành các ngư dân hiện đại, với đội tàu lớn, ứng dụng công nghệ mới, hiệu quả kinh tế tăng hơn 20 – 30% so với nghề truyền thống… 

Một trong những hoạt động xuyên suốt của khuyến nông thời gian qua chính là thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện. Trong đó, nhiều hoạt động đã trở thành thương hiệu, như Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp đã thu hút trên 3.000 nông dân của trên 110 lượt tỉnh/thành tham dự; các chương trình phối hợp tuyên truyền với các cơ quan thông tấn, báo chí với nhiều chuyên mục đa dạng, tràn ngập thông tin… mang lại hiệu quả truyền thông sâu rộng đến bà con nông dân. Từ những ngày đầu chỉ là các cuộc diễn đàn truyền thống, trao đổi giữa nhà quản lý, nhà khoa học với bà con nông dân; đến nay Diễn đàn đã có rất nhiều thay đổi phù hợp với tình hình sản xuất và thực tiễn. Đó là tổ chức tại hiện trường, tham quan mô hình, tư vấn trên các mẫu vật rất sinh động, trực quan giúp họ nắm bắt, lĩnh hội thông tin dễ dàng. Tổ chức sự kiện gắn với truyền thông đại chúng – ghi hình trực tiếp, viết bài đăng trên các báo, đài… Nhiều tin bài, loạt bài đã nắm bắt được “hơi thở” của thực tiễn sản xuất, đã “đánh thức” các mô hình bị lãng quên, tạo nên sự lan tỏa rộng khắp cả nước. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, suốt 30 năm qua, hệ thống khuyến nông đã làm tốt vai trò chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân. Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, hoạt động khuyến nông tập trung vào mục tiêu đổi mới, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến nông đã tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hoạt động, mở rộng phạm vi bao phủ và đối tượng tiếp nhận, thực hiện tốt vai trò phối hợp và kết nối của mình… Tin tưởng rằng trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững – Nông thôn hiện đại, phồn vinh – Nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật”. 

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển như vũ bão, trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hệ thống khuyến nông đang đứng trước nhiều thách thức mới. Khuyến nông cần đổi mới tư duy, lấy người nông dân làm trung tâm, với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”. 

ÔNG LÊ QUỐC THANH, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA 

Thay mặt những người làm công tác khuyến nông, chúng tôi xin cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp. Chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc tới các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ khuyến nông qua các thời kỳ, những người đã dành 

trọn cuộc đời cống hiến cho sự đổi mới và phát triển hệ thống khuyến nông. Cảm ơn sự đồng hành của các nhà khoa học, các đối tác trong và ngoài nước cùng hàng triệu nông dân cả nước - là động lực để hệ thống khuyến nông Việt Nam tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới. Cảm ơn sự nỗ lực vượt khó vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ của các thế hệ cán bộ khuyến nông - những nhân tố quyết định thành công trong suốt 30 năm qua. 

ÔNG NGUYỄN MINH LÂM, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH LONG AN 

30 năm qua, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh hỗ trợ tích cực trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp... Thời gian tới, ngành khuyến nông tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách lĩnh vực 

nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến với người dân theo hướng chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất bền vững gắn với Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung vào những lĩnh vực sản xuất có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Nhìn lại chặng đường 30 năm không quá dài, không quá ngắn, nhưng khuyến nông thực sự là “trụ đỡ” cho ngành nông nghiệp tỉnh phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!