Trong bối cảnh ngành cá tra đang khủng hoảng, liệu “Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” vừa được khởi động có phải là “cú hích hy vọng”? Ông Ngô Tiến Chương (ảnh) – Điều phối viên Chương trình nuôi trồng thủy sản của WWF-Việt Nam có một vài chia sẻ về dự án này.
So với những dự án hỗ trợ cho ngành cá tra Việt Nam khác trước đây thì SUPA có sự khác biệt nào không, thưa ông?
Ngay từ khi xây dựng Đề cương Dự án SUPA, chúng tôi đã phân tích và tính toán các giải pháp để tối ưu hóa nguồn tài trợ từ Ủy ban châu Âu (EC). Chúng ta không nên so sánh Dự án SUPA với các dự án khác vì mỗi dự án đều tập trung vào những vẫn đề cụ thể và có những điểm mạnh riêng. Dự án SUPA ra đời trong bối cảnh ngành cá tra đang cần phải đẩy mạnh chuỗi liên kết để kết nối thị trường tốt hơn. Phải nói rằng, tiếp cận của Dự án SUPA là từ người sản xuất đến người tiêu dùng với sự phân công nhiệm vụ và phối hợp của các đối tác dự án hợp lý. Phía Việt Nam sẽ bao gồm Trung tâm Sản xuất Sạch hơn (VNCPC) của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm về mặt công nghệ sản xuất; VASEP chịu trách nhiệm về diễn đàn điện tử để trao đổi thông tin; WWF-Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về thúc đẩy sản xuất bền vững thông qua áp dụng tiêu chuẩn bền vững và nâng cao năng lực cho người nuôi, cơ sở sản xuất giống và sản xuất thức ăn về sản xuất có trách nhiệm; WWF Áo sẽ thực hiện nghiên cứu và kết nối thị trường tại châu Âu thông qua hệ thống các nhà nhập khẩu và bán lẻ.
Để ngành cá tra thoát khó, cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan – Ảnh: An Đăng
Mục tiêu của SUPA sau 4 năm thực hiện (2013 – 2017) là gì?
Dự án sẽ tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận Sử dụng tài nguyên có hiệu quả và Sản xuất sạch hơn (RE-CP), cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC… hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.
Mục tiêu của Dự án đề ra là sẽ có ít nhất 70% các doanh nghiệp mục tiêu sản xuất và chế biến cá tra ở quy mô từ trung bình đến lớn, 30% các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại nuôi quy mô nhỏ độc lập chủ động thực hiện phương pháp RE-CP. Thêm vào đó, sẽ có ít nhất 50% trong số các doanh nghiệp tham gia dự án sẽ được cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp các tiêu chuẩn như ASC cho thị trường châu Âu và các thị trường khác.
Được biết, số vốn cho Dự án SUPA là 2,4 triệu euro. Con số này liệu có đủ giúp ngành cá tra thoát khỏi khủng hoảng?
Có thể nói 2,4 triệu euro không phải ít đối với một dự án thực hiện trong 4 năm. Tuy nhiên, giải pháp để giúp ngành cá tra thoát khỏi những khó khăn như hiện nay thì cần sự phối hợp của nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người sản xuất, các bên tham gia khác, trong đó có cả các tổ chức như WWF…
Cá tra đã phát triển mạnh trong thời gian qua, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Bảo Yến
Như ông biết, cả doanh nghiệp và người nuôi cá tra Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn. Vậy, những lợi ích mà SUPA có thể mang lại cho họ lúc này là gì?
Như đã đề cập ở trên, cách tiếp cận của Dự án là “từ gốc đến ngọn” để giải quyết những vấn đề của ngành cá tra. SUPA sẽ tập trung từ phương thức sản xuất bền vững hơn như: áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn để tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, tăng cường liên kết chuỗi để tối ưu hóa lợi ích và áp dụng tiêu chuẩn bền vững (ASC) để đáp ứng các yêu cầu về thị trường.
Nhiều doanh nghiệp, người nuôi cá tra lo ngại, SUPA là dự án lập ra để bán các tiêu chuẩn khiến họ tốn thêm chi phí? Ông nghĩ gì về điều này?
Dự án SUPA được xây dựng không những giúp tiếp cận và hỗ trợ theo chuỗi cung ứng mà còn áp dụng các cách thức vừa “ĐẨY” và “KÉO” cho các hoạt động sản xuất bền vững và thúc đẩy thị trường, trong đó bao gồm cả việc chuyển các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn. Do đó, sản phẩm của Dự án chính là năng lực của doanh nghiệp được nâng cao hơn, sự kết nối tốt hơn, vì vậy, những gì doanh nghiệp và người nuôi nhận được sẽ không bao giờ mất đi. Như đã nói rõ phần mục tiêu của Dự án, SUPA không hề có mục tiêu xây dựng mới một tiêu chuẩn nào, vì vậy sẽ không có bất cứ chi phí nào liên quan. Ngược lại, Dự án sẽ tổ chức các sự kiện để trao đổi thông tin liên quan giữa người nuôi và người tiêu dùng tại các hội chợ thủy sản hằng năm tại Brussels, Bỉ và Vietfish tại TP. Hồ Chí Minh.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Dự án SUPA có tổng kinh phí gần 2,4 triệu euro (tương đương 64 tỷ đồng), trong đó Liên minh châu Âu tài trợ 1,9 triệu euro thông qua chương trình EU Switch – Asia, chiếm 80% tổng ngân sách của dự án, 20% còn lại sẽ do các bên thực hiện dự án đóng góp. |