Tái cơ cấu để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước những khó khăn cả trong nội tại và khách quan mang lại thời gian qua, phát triển thủy sản cần được tái cơ cấu từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Với lĩnh vực nuôi trồng đó là những phương hướng sản xuất, phát triển thích hợp và bền vững hơn.

Đảm bảo sản xuất an toàn 

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản nuôi, trong đó có cá tra và tôm, cần chú ý trong từng khâu sản xuất. 

Cụ thể, đối với khâu nuôi, cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi; đầu tư công nghệ nuôi hiện đại, năng suất để hoàn thiện kiểm soát chuỗi từ sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi. Trong đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra ATTP, an toàn dịch bệnh và có trách nhiệm, bền vững như: VietGAP, ASC, MSC, GlobalGAP… 

Cần cấu trúc lại một ngành thủy sản, cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Ảnh: Aqua Culture

Các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản (NTTS) địa phương rà soát, cấp mã số nhận diện ao nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường NTTS; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong NTTS và xử lý 

nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả. 

Đối với công đoạn chế biến, tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, rà soát các chương trình quản lý chất lượng ATTP theo HACCP, đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu. Thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định thị trường (thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến đảm bảo ATTP). 

Quản lý tốt dịch bệnh 

Theo báo cáo của các địa phương, trong 8 tháng đầu năm 2023 tổng diện tích NTTS bị thiệt hại có chiều hướng tăng so cùng kỳ năm 2022, trong đó thiệt hại do nguyên nhân dịch bệnh vẫn còn xảy ra tại nhiều vùng nuôi, đặc biệt là ở 2 đối tượng nuôi chủ lực tôm và cá tra với tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là hơn 5.518 ha, giảm 1,7% so cùng kỳ năm 2022 (hơn gần 5.175 ha), trong đó diện tích bị bệnh đốm trắng là gần 1.606 ha (chiếm 31,6%) và diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp là 1.071 ha (chiếm 21%). Tổng diện tích nuôi cá tra bị bệnh là trên 331 ha, giảm nhẹ (0,6%) so với cùng kỳ năm 2022 (333 ha), các bệnh chủ yếu vẫn là xuất huyết, gan thận mủ… kết hợp với tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cực đoan đã tác động xấu đến hoạt động NTTS, gây thiệt hại kinh tế cho người dân, ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. 

Để thống nhất việc báo cáo, quản lý thông tin dịch bệnh động vật trong toàn quốc thay thế báo cáo bằng văn bản, email, đáp ứng yêu cầu mới trong chỉ đạo, điều hành; Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở NN&PTNT và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của địa phương thực hiện việc báo cáo đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin dịch bệnh động vật thủy sản trên Hệ thống VAHIS (Hợp phần báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản) theo đúng quy định của pháp luật về thú y và hướng dẫn chuyên môn của Cục Thú y kể từ tháng 6/2023. Đây là hệ thống có nhiều công cụ hỗ trợ phân tích các số liệu dịch tễ. Từ đó, ngành chức năng dễ dàng nhận biết được xu hướng dịch bệnh, kịp thời đưa ra những dự báo cho địa phương, chủ động phòng chống dịch, bệnh thủy sản cho người nuôi. 

Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại nhiều địa phương đã được cải thiện rõ rệt và có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất tại nhiều vùng nuôi. Theo báo cáo của Cục Thú y, hầu hết các địa phương trọng điểm về NTTS đã xây dựng, phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản”, tuy nhiên vẫn còn địa phương chưa xây dựng nội dung chi tiết các hoạt động chuyên môn thú y (giám sát chủ động dịch bệnh, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, tập huấn chuyên môn, truyền thông, dự phòng nguồn hóa chất, khử trùng, xử lý ổ dịch…) và không bố trí kinh phí hoặc có bố trí kinh phí nhưng không đủ để triển khai Kế hoạch theo yêu cầu của chuyên môn thú y, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương. 

Nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh thủy sản, ổn định sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu; ngày 31/8, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 6060/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng Kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024. 

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung cụ thể như: Căn cứ thực tiễn sản xuất NTTS, định hướng phát triển, xuất khẩu thủy sản của địa phương và diễn biến dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi, tổ chức xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024”; bảo đảm bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho các hoạt động chuyên môn thú y trong công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản (tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh, điều tra dịch tễ, báo cáo dịch bệnh, lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm xác định nguyên nhân dịch bệnh, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản, dự phòng hóa chất khử trùng để xử lý dịch bệnh, hỗ trợ cơ sở nuôi khi dịch bệnh xảy ra…). 

Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống thú y theo đúng quy định của pháp luật về thú y và chỉ đạo của Trung ương, chú trọng công tác tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thú y thủy sản, nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024. 

Ngoài ra, tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thú y, quán triệt việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác thú y thủy sản và NTTS, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản, đẩy mạnh việc giám sát chủ động, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giống thủy sản theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. 

Chủ động nguồn giống 

Đây là một trong những trăn trở của ngành thủy sản để hướng đến sự phát triển bền vững; bởi không chỉ với sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ mà với nuôi biển, lĩnh vực sản xuất con giống cũng khá bức xúc. 

Điển hình như tại tỉnh Khánh Hòa, nơi được xác định là địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn của khu vực miền Trung. Toàn tỉnh có 221 cơ sở, tổng sản lượng con giống sản xuất được trong 6 tháng đầu năm là hơn 2,1 tỷ con. Đối tượng giống thủy sản sản xuất khá đa dạng gồm: Tôm sú, TTCT, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm… Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa, việc sản xuất giống thủy sản phục vụ nuôi biển của tỉnh vẫn còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa chủ động hoàn toàn, nhất là giống tôm hùm – đối tượng nuôi trọng điểm của tỉnh hiện vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Toàn tỉnh mới có 141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản… 

Về giống cá tra, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quản lý dịch bệnh chưa tốt, dẫn đến chuỗi cung ứng không ổn định, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế… Ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc thường trực Công ty CP Vĩnh Hoàn chia sẻ, hiện nay, nguồn cung cấp cá tra giống chủ yếu phụ thuộc vào các hộ nuôi. Tuy nhiên, do sản xuất theo quy mô hộ cá thể nhỏ, lẻ nên rất khó khăn trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, muốn xây dựng được hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến sản xuất và chế biến cần quy hoạch lại vùng sản xuất con giống. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự đầu tư và hợp tác trong ngành bằng việc tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật ở các lĩnh vực. Thứ nhất, đối với cá bố mẹ, cần quan tâm đến chương trình chọn giống, trong đó có 2 chương trình quan trọng là chọn tính trạng kháng bệnh và tính trạng tăng trưởng. Thứ hai, đối với con giống, cần hoàn thiện quy trình nhân giống có tỷ lệ sống cao và sức khỏe tốt. 

Để chủ động hơn về nguồn cá tra giống chất lượng, đại diện Cục Thủy sản cho biết, Cục sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng giống cá tra để phát triển công tác chọn giống qua nhiều thế hệ, cung cấp cho thị trường. Cùng đó, đơn vị đang đặt hàng 75.000 cá tra bố mẹ để cung cấp cho các địa phương, nhằm tạo cơ sở lai tạo con giống chất lượng, thực hiện truy xuất nguồn gốc. 

Theo Cục Thủy sản, thời gian tới đơn vị cũng sẽ rà soát về vấn đề nuôi đàn bố mẹ, ương dưỡng con giống thủy sản. Đồng thời, cùng với các sở sản xuất giống và ương giống có kế hoạch thành lập chuỗi cung ứng, nhằm cung cấp con giống ổn định, chất lượng, kết hợp tăng cường giám sát chất lượng con giống và thức ăn NTTS. 

>> Cả nước hiện có 453 điểm quan trắc môi trường phục vụ nuôi tôm nước lợ và 137 điểm phục vụ nuôi cá tra. Chỉ tiêu quan trắc khá nhiều nhưng đã rút gọn lại hệ thống chỉ tiêu thiết yếu, Cục Thủy sản sẽ gửi cho các địa phương để thực hiện thống nhất và cập nhật cơ sở dữ liệu http://csdlquantrac.tongcucthuysan.gov.vn, nhằm phối hợp nâng cao giải pháp quản lý môi trường, giúp việc NTTS, hạn chế tối đa thiệt hại. 

Hoài Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!