Tại sao Ấn Độ nên đẩy mạnh sản xuất thức ăn thủy sản từ côn trùng?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc tự nuôi và sử dụng côn trùng làm thành phần sản xuất thức ăn thủy sản có thể mang lại những cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thủy sản quy mô nhỏ ở Ấn Độ.

Khi nguồn sản xuất ngày càng cạn kiệt 

Anh Bhargava, một người nuôi tôm ở huyện West Godavari, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ cho biết một năm anh thả 2 vụ tôm, chi phí đầu vào hết 250 INR/kg (tương đương 3 USD/kg), tôm bán ra 375 INR/kg (4.5 USD/kg). Mỗi cân tôm tiêu thụ xấp xỉ 1,5 kg thức ăn hỗn hợp, tương đương anh phải bỏ ra 120 INR (1,5 USD). Như vậy, 50% chi phí đầu vào là dành cho thức ăn.

Thu hoạch cá chép ở Odisha, Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock

Khi được hỏi về những khó khăn, anh cho biết dịch bệnh luôn là nỗi lo thường trực, Theo đó vấn đề chọn giống, chuẩn bị ao trước khi vào mùa, xác định mật độ thả, lắp đặt quạt gió, quản lý và dọn dẹp ao trong quá trình nuôi đều là những vấn đề cần thiết và quan trọng đảm bảo dịch bệnh không xảy ra. Ngoài ra anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng thức ăn, hệ số chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ tăng trưởng.

Bột cá và bột krill, cùng với các thành phần có nguồn gốc từ biển khác đều rất quan trọng để sản xuất thức ăn thủy sản. Nói về những khó khăn trong việc tìm kiếm thành phần có nguồn gốc từ biển, một nhà sản xuất bột cá ở Mangalore cho biết đây là một ngành kinh doanh thực sự tốt; tuy nhiên trong những năm gần đây sản lượng khai thác từ Biển Arabian đã bắt đầu suy giảm, nhưng Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa ban hành giấy phép hành nghề để giảm thiểu khai thác hoặc chính sách thúc đẩy nuôi cá biển.

Một người dân Ấn Độ thu hoạch tôm. Ảnh: Loopworm

Một nhà sản xuất thức ăn thủy sản ở East Godavari cho rằng ngành nuôi tôm Ấn Độ sẽ phải đối mặt với khó khăn đi tìm nguyên liệu chế biến thức ăn chất lượng cao. Khi được hỏi về việc sử dụng thành phần thay thế như côn trùng, tảo biển, protein từ nấm hoặc đơn bào, anh cho biết “Chúng tôi không chỉ quan tâm tới chất lượng của các thành phần thay thế, mà còn quan tâm đến chi phí và khả năng cung cấp tới đâu”.

“Ứng cử viên” sáng giá

Côn trùng đang được coi là “ứng cử viên” sáng giá để trở thành nguồn nguyên liệu thay thế bền vững trong sản xuất thức ăn thủy sản. Thập kỷ vừa qua chứng kiến sự ra đời của hàng loạt công ty sản xuất và chế biến côn trùng thành nguyên liệu cho thức ăn động vật. Sự tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản và nhu cầu thức ăn tăng cao trong khi nguồn cung các thành phần truyền thống, như bột cá, dầu cá, bột krill và dầu krill đang ngày càng trở nên hạn chế, đã vô tình tạo bước tiến cho ngành công nghiệp côn trùng.

Ấu trùng ruồi lính đen có hàm lượng protein vô cùng cao, rất tốt cho sự tăng trưởng của tôm. Ảnh: Shutterstock

Không chỉ có khí hậu nhiệt đới thích hợp cho sự phát triển của côn trùng mà Ấn Độ còn có lượng lớn thức ăn thừa thải ra mỗi ngày và phụ phẩm hữu cơ, tất cả đều là nguồn thức ăn vô tận cho côn trùng. Ngon, dễ tiêu hóa, hàm lượng protein cao, hợp chất amino acid tuyệt vời, và chuỗi peptide cực kỳ tốt cho hệ miễn dịch, bột côn trùng có thể giúp nâng cao chất lượng của thức ăn thủy sản khi được sử dụng với liều lượng thích hợp. Dầu cá từ côn trùng (tùy loài) có thể chứa từ 20 – 60% acid béo đã bão hòa không nối đôi (PUFAs), có giá trị dinh dưỡng rất lớn đối với các loài thủy sản nuôi.

Đã có rất nhiều báo cáo chứng minh tính hiệu quả của protein từ côn trùng đối với sự phát triển của tôm. Ruồi lính đen, con tằm, dế, gián – một khi được loại bỏ chất béo – sẽ được dùng để thay thế một phần hoặc hoàn toàn các thành phần có nguồn gốc từ biển, mà vẫn giữ nguyên được mùi vị thức ăn truyền thống, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch cho thủy sản nuôi.

Cho tôm cá ăn côn trùng. Tại sao không?

Anh Kumar, một người nuôi cá chép catla ở Uttar Pradesh cho biết, vuông tôm của anh rộng 1 ha, dù có có thể thả 12.000 con tôm giống nhưng anh chỉ thả 4.000. Theo anh, muốn thả mật độ thả cao anh phải chuyển sang mô hình thâm canh – đây được coi là bước đi mà anh không sẵn sàng mạo hiểm. Anh đầu tư 125.000 INR (1.500 USD) khi mới bắt đầu nuôi và sau đó mỗi năm bỏ thêm 200.000 – 250.000 INR (2.500 – 3.200 USD) cho chi phí vận hành. 

Khi được hỏi về thức ăn nuôi tôm, anh cho biết khi mua khi không, tùy thuộc vào túi tiền. Điều này giải thích vì sao anh thả 4.000 con giống mà chỉ thu hoạch được 3 tấn mỗi năm thay vì 4,5 tấn. Như vậy bỏ ra 100 INR cho mỗi một cân tôm giống, anh tạo ra được 300.000 INR (3.750 USD) mỗi năm, lợi nhuận thu về khoảng 50.000 – 100.000 INR (625 – 1.250 USD).

Bột côn trùng của Loopworm, một công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ sản xuất protein từ ruồi lính đen. Ảnh: Loopworm 

Khi được hỏi tại sao anh không cải thiện kỹ thuật nuôi, anh nói nuôi trồng thủy sản chỉ là một trong những sinh kế của anh, bên cạnh chăn nuôi và hoa màu. Anh biết sử dụng thức ăn hỗn hợp sẽ đem lại kết quả tốt hơn, nhưng không sẵn sàng đầu tư vì tôm của anh có thể ăn thức ăn thừa, thức ăn tự nhiên, và ngũ cốc bị côn trùng phá hoại, quan trọng là những thứ đó rẻ hơn thức ăn hỗn hợp. Trường hợp như anh Kumar ở Ấn Độ không phải là ít.

Vậy tại sao Chính phủ Ấn Độ không xem xét tuyên truyền, thông tin tới những hộ nông dân nhỏ lẻ ở Ấn Độ về việc sử dụng côn trùng làm thức ăn cho thủy sản nuôi? Chất lượng cao và chi phí rẻ, các nông hộ có thể xem xét kết hợp nuôi côn trùng song song với nuôi trồng thủy sản, bởi chi phí không tốn là bao, phí duy trì cũng thấp, mô hình nuôi nhỏ gọn. Sử dụng côn trùng sống làm thức ăn cho cá hoặc tôm, người nuôi có thể vừa nâng cao năng suất, vừa giảm chi phí thức ăn.

>> Nhờ có đường bờ biển dài và số lượng lớn sông, hồ, đập thủy điện mà mô hình và tập quán nuôi trồng thủy sản ở Ấn Độ khá đa dạng, trong đó tập trung nuôi nhiều nhất là tôm thẻ chân trắng, cá da trơn, cá rô phi và cá chép. Tuy nhiên, nghề cá Ấn Độ đối diện với không ít thách thức, trong đó phải kể đến dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước và nhu cầu thị trường suy giảm. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, giải quyết nhu cầu thị trường và sự biến động giá cả.

An Vy

(Theo Loopworm)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!